Quy trình ngâm, ủ bột giấy với nhiều hóa chất có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao nếu không được đầu tư hệ thống xử lý chất thải bảo đảm tiêu chuẩn. Trong ảnh: Một cơ sở sản xuất giấy vàng mã tại huyện Quan Hóa.
Bí mật xả thải - báo động đỏ
Chỉ trong hơn 1 tháng (từ ngày 15-3 đến 16-4), 51 tấn cá nuôi trong 600 lồng và nhiều thủy sinh trên sông Mã đã bị chết, gây ô nhiễm môi trường, thiệt hại lớn về kinh tế cho người sản xuất và bức xúc trong dư luận. Kết quả xác định nguyên nhân cá chết do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiến hành đã khẳng định, cá trên sông Mã chết không phải do yếu tố dịch bệnh. Sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương trong những ngày qua, đã phát hiện một thực trạng nghiêm trọng, hàng loạt các cơ sở chế biến lâm sản (giấy vàng mã, bột giấy) đã âm thầm, bí mật đấu nối đường ống xả nước thải chưa qua xử lý ra dòng sông này.
Tại huyện Bá Thước có 4 cơ sở sản xuất giấy vàng mã. Những cơ sở này được xây dựng gần bờ sông Mã. Mỗi cơ sở có trung bình 2 - 10 dây chuyền xeo giấy vàng mã, 5 - 15 bể ngâm, ủ bột giấy, công suất khoảng 200 - 350 tấn giấy/tháng, sử dụng khoảng 50 - 100 lao động. Có 3/4 cơ sở đã được UBND tỉnh cho thuê đất, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐMT) và cấp giấy phép khai thác nước mặt. Tất cả các cơ sở đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung và cam kết nước thải sau xử lý tuần hoàn lại sản xuất, không thải ra ngoài môi trường. Tuy nhiên, khi các ngành chức năng và chính quyền tiến hành điều tra, xác minh, cả 4 cơ sở này đều đã có hành vi lén lút xả thải ra sông Mã. Trong khi đó, hóa chất (xút, lưu huỳnh, phẩm màu) được sử dụng trong quá trình chế biến giấy là loại hóa chất rất độc hại.
Trong đó, tại Công ty CP Chế biến lâm sản Phú Thành, thuộc địa bàn xã Thiết Kế, huyện Bá Thước, giám đốc công ty đã thừa nhận có 1 đường ống chôn ngầm, đường kính D200 nối từ rãnh nước thải sau sản xuất chưa qua xử lý ra sông Mã. Và gần đây nhất, ngày 11-4-2021, công ty đã xả nước thải ra môi trường trong 1 giờ đồng hồ. Đây cũng là đơn vị còn thiếu giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường (BVMT) nhưng vẫn hoạt động trong thời gian qua.
Tại huyện Quan Hóa, trong số 9 cơ sở sản xuất lâm sản, mới chỉ có 2 doanh nghiệp là Công ty TNHH Duyệt Cường và HTX Hợp Phát hoàn thành các công trình BVMT được cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa phê duyệt, cho vận hành thử nghiệm. Lãnh đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Quan Hóa cho biết, cơ quan quản lý Nhà nước nhiều lần đôn đốc, nhắc nhở nhưng vẫn còn 7 doanh nghiệp chưa hoàn thành công trình BVMT.
Cũng trong những ngày gần đây, đoàn kiểm tra liên ngành của huyện Quan Hóa đã phát hiện tới 4 doanh nghiệp trên địa bàn có những hành vi tinh vi để xả thải ra sông Mã. Trong đó, ngày 17-4, đoàn công tác liên ngành của huyện Quan Hóa đã phát hiện Công ty TNHH Thương mại vận tải Hoàng Vân, ở khu Khằm, thị trấn Hồi Xuân, có đường ống xả thải ra sông Mã được chôn sâu khoảng gần 10m. Sáng 18-4, tại HTX Hà Long, ở bản Chăm, xã Phú Nghiêm, đoàn công tác tiếp tục phát hiện hành vi vi phạm của HTX Hà Long là dùng hệ thống cấp nước sạch từ sông Mã vào để sản xuất, cùng với đó là hệ thống bơm xả thải trực tiếp ra sông Mã thông qua hệ thống đường ống chằng chịt.
Quản lý sản xuất như thế nào cho hiệu quả?
Được biết, thực hiện Kế hoạch số 172/KH-TU ngày 18-10-2019 của Tỉnh ủy Thanh Hóa thực hiện Kết luận số 56-KL/TW của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24/NQ-TW về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT, hiện nay, tỉnh Thanh Hóa không thực hiện cấp phép đầu tư mới dự án sản xuất bột giấy, giấy, chế biến lâm sản gần nguồn nước thuộc các sông và hồ đập.
Tuy nhiên, theo thống kê của các ngành chức năng, trên địa bàn các huyện Lang Chánh, Bá Thước, Quan Sơn, Quan Hóa, hiện còn tồn tại 18 cơ sở sản xuất giấy vàng mã, bột giấy, cụ thể: Lang Chánh (3 cơ sở), Bá Thước (4 cơ sở), Quan Sơn (2 cơ sở) và Quan Hóa (9 cơ sở). Các cơ sở này được hình thành và đi vào hoạt động từ những năm 2007, trên diện tích đất do UBND cấp huyện cho thuê hoặc thuê thầu. Ban đầu, các cơ sở này chủ yếu sản xuất tăm đũa, thanh nan, ván sàn, sau đó dần hình thành các HTX, thành lập doanh nghiệp và sản xuất thêm giấy vàng mã. Nguyên liệu sản xuất chủ yếu là luồng cây thu mua từ các hộ dân trên địa bàn các huyện miền núi. Nguồn nước phục vụ sản xuất phần lớn được lấy từ sông Mã.
Thông tin từ Chi cục BVMT, Sở Tài nguyên và Môi trường, cho thấy: Bên cạnh những mặt tích cực là tạo việc làm, tiêu thụ nguyên liệu cho Nhân dân, hoạt động sản xuất giấy vàng mã, bột giấy đã phát sinh nhiều tồn tại, bất cập; đặc biệt, là tình trạng xả trộm nước thải không qua xử lý ra môi trường diễn ra thường xuyên, gây ô nhiễm môi trường trên thượng nguồn các dòng sông, nhất là sông Mã.
Đến nay, có 17/18 cơ sở có báo cáo ĐTM hoặc đề án BVMT chi tiết được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt; 1 cơ sở chưa có báo cáo ĐTM được phê duyệt (đã ký hợp đồng với đơn vị tư vấn để lập hồ sơ, trình phê duyệt). Trong số 18 cơ sở này, chỉ có 2 cơ sở được cấp giấy xác nhận hoàn thành công trình BVMT (chiếm 11,1%), 16/18 cơ sở chưa được xác nhận hoàn thành công trình BVMT.
Trong những năm qua, Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường, Chi cục BVMT đã phối hợp với UBND các huyện tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về BVMT đối với các cơ sở sản xuất giấy vàng mã, bột giấy trên địa bàn các huyện trên. Qua kiểm tra cho thấy, các đơn vị còn nhiều vi phạm trong lĩnh vực BVMT, tập trung vào các nhóm hành vi, như: Thiếu các hồ sơ, thủ tục về môi trường; chưa có hệ thống xử lý nước thải hoặc có công trình xử lý nước thải nhưng vận hành không đúng quy trình kỹ thuật, vận hành không thường xuyên; xả nước thải chưa đạt quy chuẩn cho phép ra môi trường; lắp đặt đường ống ngầm để xả thải trái phép hoặc bơm trực tiếp nước thải từ các hồ chứa ra sông Mã, sông Âm; quản lý, xử lý chất thải rắn không đúng quy định. Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường đã nhiều lần xử phạt hoặc tham mưu cho UBND tỉnh xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT với 36 lượt, 17 đơn vị, tổng số tiền phạt hơn 3,7 tỷ đồng. Cơ quan chức năng cũng đã yêu cầu 12 đơn vị tạm dừng hoạt động để đầu tư đầy đủ các công trình xử lý chất thải và lập hồ sơ để được xem xét, cấp giấy xác nhận hoàn thành công trình BVMT. UBND tỉnh đã đình chỉ hoạt động sản xuất đối với 5 cơ sở do có hành vi vi phạm nghiêm trọng về môi trường như lắp đặt đường ống, thiết bị xả trực tiếp nước thải chưa qua xử lý ra sông Mã, sông Âm. Tuy nhiên, sau khi chấp hành xử phạt, các cơ sở này vẫn tiếp tục vi phạm.
Theo đánh giá của Chi cục BVMT, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do ý thức chấp hành pháp luật của các cơ sở, doanh nghiệp còn thấp, vì chạy theo lợi nhuận mà không quan tâm đến công tác xử lý chất thải. Còn đại diện Phòng Quản lý Công nghiệp, Sở Công Thương đánh giá, do địa hình dốc, mặt bằng nhỏ nên trên triền sông Mã, đa phần chỉ được cấp phép các dự án sản xuất nhỏ. Và phần lớn, các doanh nghiệp, HTX này được hình thành từ hộ gia đình, do đó, trình độ ứng dụng công nghệ còn thấp, chưa được cập nhật đầu tư, bổ sung theo quy mô, hợp phần sản xuất mở rộng.
Trước thực trạng quản lý vấn đề này, lãnh đạo Chi cục BVMT đề xuất: Cần tiến hành thanh tra toàn diện việc chấp hành các quy định của pháp luật về đất đai, BVMT và tài nguyên nước đối với các cơ sở sản xuất giấy vàng mã, bột giấy trên địa bàn các huyện Quan Sơn, Quan Hóa, Bá Thước và Lang Chánh. Đồng thời, chỉ đạo xử lý dứt điểm, kiên quyết yêu cầu dừng hoạt động đối với các cơ sở không có báo cáo ĐTM được phê duyệt, không có giấy xác nhận hoàn thành công trình BVMT, chưa xây dựng hoàn chỉnh công trình xử lý chất thải. Đối với các cơ sở được phép hoạt động, yêu cầu lắp đặt camera giám sát và truyền dữ liệu liên tục về Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện - nơi cơ sở hoạt động để theo dõi. Bên cạnh đó, đề nghị UBND các huyện nghiên cứu thành lập tổ giám sát công tác BVMT đối với các cơ sở sản xuất giấy vàng mã, bột giấy trên địa bàn để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm như bơm, xả nước thải chưa qua xử lý, đổ chất thải rắn ra các dòng sông.
Đồng chí Võ Minh Khoa, Chủ tịch UBND huyện Bá Thước, kiến nghị: Nhằm bảo đảm không phát sinh, tái diễn hành vi gây ô nhiễm môi trường, đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa xem xét, dừng hoạt động, thu hồi giấy phép hợp phần sản xuất giấy, bột giấy đối với 4 cơ sở sản xuất là Công ty CP Sản xuất thương mại Đồng Tâm, Công ty TNHH Tân Thái Thanh, Công ty CP Chế biến lâm sản Phú Thành, Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Quyết Duy Tuấn.
Hiện nay, huyện Bá Thước cũng đã được quy hoạch Cụm Công nghiệp Điền Trung, quy mô 34,5 ha; Cụm Công nghiệp Thiết Ống, quy mô 50 ha. Do đó, huyện Bá Thước đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư giới thiệu các doanh nghiệp này vào sản xuất tại cụm công nghiệp. Huyện Bá Thước cũng kiến nghị UBND tỉnh tiếp tục giao các huyện thượng lưu sông Mã kiểm tra toàn bộ các cơ sở sản xuất, kinh doanh có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, góp phần kết luận rõ nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước sông Mã cùng trách nhiệm liên quan để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.