Phát kinh `thịt lạnh`: Mua chợ tươi về nhà bốc mùi thối

ngày 17/07/2015

Miếng thịt mua ở chợ màu tươi, mát lạnh, nào ngờ về nhà nấu lên bốc mùi hôi khó chịu, nhiều người phát kinh khi dính cú lừa ‘thịt lạnh’ của dân hàng thịt.
 
Buồn nôn với nồi thịt bốc mùi

Chiều đi làm về, chị Nguyễn Thị Phương ở Trần Cung (Cầu Giấy, Hà Nội) tạt qua hàng thịt chợ cóc gần nhà mua 3 lạng thịt ba chỉ. Thịt khi mua vẫn tươi màu, không có mùi, ấn tay vào mát lạnh, không nhão. Thế nhưng, về nhà vừa cho vào chậu rửa đã có mùi gì lạ. Kiểm tra kỹ mới biết thịt mua đã cũ, bị ôi bốc mùi.

Theo chị Phương, từ đầu màu hè, đây là lần thứ 3 chị mua phải thịt ôi đến mức không thể ăn được từ chợ cóc ven đường. Lúc mua, chị Phương được người bán quảng cáo: "Thịt bảo quản tủ lạnh, sờ vẫn còn mát thì khỏi phải lo thịt ôi”. Thế nhưng, vừa về đến nhà khi thịt hết lạnh, mùi thịt ôi lúc đó mới bốc lên phát kinh.

Chị Phương chia sẻ, những ngày hè, kể cả mua thịt gà, vịt chứ không riêng gì thịt lợn, nếu không cẩn thận là dễ dính thịt ôi. Nhiều khi đến lúc nấu lên cả nôi thịt bốc mùi, ngửi và chỉ còn biết đổ bỏ.

Là đàn ông ít khi đi chợ, anh Trần Văn Đại ở Kim Giang (Thanh Xuân, Hà Nội) cũng đã vài lần mua phải thịt ôi, nhất là vào những ngày nắng nóng. Mua phải thịt ôi, không ăn được đành phải đổ bỏ.

Thừa nhận thực tế này, chị Vân - tiểu thương bán thịt lợn tại chợ Đại Từ (Hoàng Mai, Hà Nội) - cho biết, chuyện thịt ế, thịt ôi là không thể tránh khỏi vào những ngày mùa hè, đặc biệt là với những ngày nắng nóng đỉnh điểm như vừa qua. Thịt lấy sáng vẫn còn tươi ngon nhưng đến trưa đã khác, bắt đầu có mùi chứ chưa nói tới chuyện thịt ế để từ ngày hôm trước sang hôm sau.
Thịt lợn được bày bán ngoài chợ với thời tiết nắng nóng của mùa hè rất dễ bị ôi thiu
Chị Vân cho hay, tại chợ này mọi người thường lấy thịt ở lò mổ từ sáng để đủ bán luôn cả ngày, ít nhà nào sáng tự mổ, chiều lại mổ lợn để bán. Do đó, hôm nào ế lại đem về “tống” vào trong tủ lạnh để mai bán tiếp nên thịt hay bị ôi. Với loại thịt đông lạnh đem cất tủ lạnh từ hôm trước để hôm sau bán thì kiểu gì cũng là thịt ôi. Riêng với loại thịt mua bán trong ngày mà bị ôi là do phơi nắng nóng cả ngày.

“Thời tiết, lúc nào cũng 36-40 độ C, trên mái tôn nhiệt hấp vào, dưới nền chợ bê tông bốc hơi nóng lên, vào chợ cứ như vào cái lò nướng, thịt bày ngoài chợ phơi nắng cả ngày thì không ôi sao được. Mà nhiều khi người bán cứ nghĩ thịt mới lấy sáng, bán đến trưa, chiều nên không để ý chứ không phải cố tình bán thịt ôi”, cô Vân giải thích.

Tương tự, chị Nguyệt bán thịt lợn tại chợ Nghĩa Tân, cũng cho biết: "Vì tiếc của, bỏ đi một vài cân thịt ế là mất lãi cả ngày nên tiểu thương bán thịt tìm đủ mọi cách để vớt vát. Thịt ế về để tủ lạnh, hôm sau cắt thành miếng từ 3-4 lạng độn lẫn vào thịt mới. Khách quen, khách tinh đến sẽ bán thịt mới, khách lạ mà không để ý sẽ bán thịt cũ”.

Theo ghi nhận của PV tại các chợ trên địa bàn Hà Nội thấy, các hàng thịt đang bày bán la liệt dưới trời nắng gay ngắt, mặc kệ cho ruồi bu. Thậm chí, những hàng thịt bán ngoài lề đường, từ sáng sớm đến chiều, nắng chiếu vào sạp khiến thịt khô thâm. Nhiều khi để bớt khô, người bán còn lấy chiếc khăn ướt nhúng vào bát nước có pha cùng ít tiết lợn lau qua miếng thịt để người mua thấy thịt còn tươi mới.

Thịt ôi ngâm nước tẩy trùng: Nhiễm “độc kép”

Trao đổi với PV, PGS.TS Trần Đáng, nguyên Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế), cho rằng, tình trạng bày bán thịt ở các chợ dân sinh hiện nay đang cực kỳ rất mất vệ sinh, thịt được phơi nắng nắng ngoài chợ cả ngày mà không có bất cứ một phương pháp bảo quản nào.
Để tránh mua phải thịt ôi thiu ngoài chợ, khi mua cần phải kiểm tra bằng việc sờ, ngửi xem miếng thịt thế nào
Theo ông Trần Đáng, vào mùa hè, nếu bảo quản thịt tốt thì chỉ được khoảng 5-6 tiếng, sau thời gian đó thịt sẽ bị các vi sinh vật, vi khuẩn tấn công, khi ăn vào sẽ không tốt cho sức khỏe, nhiều trường hợp bị ngộ độc...

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm) cho hay, nếu thịt bảo quản ở nhiệt độ 8-10 độ C thì để được khoảng 10 tiếng đồng hồ, còn với thời tiết nắng nóng như vừa qua thịt bán ở ngoài chợ chỉ được 2-3 tiếng đồng hồ.

“Sau khoảng thời gian đó, thịt sẽ bị vi khuẩn tấn công và sinh ra độc hại. Thực tế tại các chợ, thịt bị phơi nắng cả ngày, đến tối ế, thịt đã bị ôi người bán lại đem về cất, hôm sau ngâm nước tẩy trùng rồi bán tiếp cho người dân chứ chẳng hàng thịt nào chịu đổ bỏ thịt ế, thịt ôi đi cả. Như thế, thịt ôi ngâm nước tẩy trùng thì thành độc kép”, ông Thịnh nói.

Theo ông Thịnh, cần phải tổ chức lại hệ thống bán thịt từ lò mổ tới nơi bán, không thể để tình trạng chở thịt bằng xe máy chạy trên đường phố đầy bụi bẩn mà không che chắn, rồi cách bán thịt ở ngoài chợ không có dụng cụ, tủ mát bảo quản như hiện nay cũng đang rất không ổn.

Ông Thịnh cho biết, trước cơ kia Bộ NN-PTNT có ra quy định bán thịt trong vòng 8 giờ, phải có bảo quản lạnh nhưng lại phải dừng.

Tuy nhiên, ông Thịnh cũng khuyên, trước khi nhà nước có biện pháp quản lý, người dân cần tự bảo vệ mình trước. Khi đi mua thịt, để nhận biết các loại thịt đã bị ôi thiu cần phải sờ, phải ngửi.

“Các loại thịt ôi thiu sờ vào sẽ thấy nhớt nhớt, đưa lên mũi ngửi thấy có mùi hôi khó chịu, màu sắc cũng không được tươi. Với những loại thịt này cần phải tránh mua. Không thì đi mua thịt vào sáng sớm, thịt mới lấy ở lò mổ về sờ thịt còn ấm nóng”, ông Thịnh nói.

Nguồn VTC News