Ông chủ AirAsia và `cơn ác mộng` mang tên QZ8501

ngày 29/12/2014

Ông chủ của hãng hàng không giá rẻ AirAsia, một trong những người giàu nhất châu Á và và thành công trong việc kinh doanh ở nhiều lĩnh vực khác nhau, đang phải đối mặt với cơn ác mộng tồi tệ nhất của mình - chiếc máy bay mất tích QZ 8501.
 
Tony Fernandes được biết đến là một doanh nhân người Malaysia đã thành công trong nhiều lĩnh vực từ âm nhạc, bóng đá và cho đến dịch vụ du lịch. Chính ông cũng là người đã phải nỗ lực không ngừng trong suốt 13 năm qua để hồi sinh AirAsia từ những ngày khốn khó nhất và trở thành một hình mẫu lý tưởng về hàng không giá rẻ được cả thế giới ghi nhận.
Chân dung ôngTony Fernandes
Đi lên từ 1 ringgit và 2 chiếc máy bay
 
Vào thời điểm năm 2001, AirAsia đang là một hãng hàng không của công ty Nhà nước Malaysia, tuy nhiên lại lâm vào tình cảnh làm ăn thua lỗ và ngập trong nợ nần.
 
Khi đó Tony Fernandes chấp nhận ôm cả khoản nợ lên tới 11 triệu USD của AirAsia và mua lại hãng với giá tượng trưng là 1 ringgit (tiền Malaysia), tương đương với khoảng 0,26 USD lúc bấy giờ. Ít ai biết được rằng ông đã phải thế chấp ngôi nhà của mình để có được kinh phí cho AirAsia tiếp tục hoạt động và cả "gia tài" của AirAsia lúc đó cũng chỉ có duy nhất 2 chiếc Boeing 737.
Tony Fernandes là người đã hồi sinh hãng AirAsia
 
Hoạt động sau 1 năm với thông điệp "Now everyone can fly" tức "Giờ đây ai cũng có thể bay", AirAsia đã bắt đầu phục hồi trở lại và trở thành hãng hàng không giá rẻ được rất nhiều người ca ngợi. Khi bắt đầu có lãi, Tony Fernandes cũng lập tức lên kế hoạch để AirAsia có thể lấn sân ra toàn châu Á.
 
Đến năm 2007, AirAsia được tờ New York Times gọi là người tiên phong của ngành hàng không giá rẻ của Châu Á. Đến nay, AirAsia đã sở hữu tới 170 chiếc máy bay, đang đặt hàng thêm 322 chiếc và trở thành mạng bay năng động bậc nhất khu vực với 100 điểm đến thuộc 22 quốc gia.
 
Tâm niệm "nhân viên là thượng đế"
 
Đối với Fernandes, ông luôn tâm niệm rằng nhân viên mới là thượng đế, khách hàng chỉ đứng thứ 2. Theo ông khi nhân viên cảm thấy thoải mái và hài lòng về AirAsia thì họ mới tạo nên những giá trị tốt cho hãng và mang thương hiệu AirAsia đến với nhiều người hơn.
 
Fernandes từng chia sẻ: "Khi tuyển dụng, tôi không yêu cầu họ có kinh nghiệm, chỉ cần họ có đam mê, có nhiệt huyết và tham vọng là đủ".
 
Bên cạnh đó, ông cũng rất chú trọng việc chăm sóc đời sống tinh thần cho nhân viên khi thành lập hẳn một bộ phận riêng chuyên phụ trách và tổ chức các hoạt động vui chơi cho toàn công ty.
 
Ông nói: "Bạn có thể có nhiều tiền nếu bạn muốn, hoặc có tất cả các ý tưởng sáng tạo. Nhưng nếu không có con người, thì doanh nghiệp của bạn hãy quên đi hai chữ thành công”.
 
Những "chiêu độc" trong điều hành AirAsia
 
Tuy là ông chủ của AirAsia nhưng trước đó Fernandes chưa từng có kinh nghiệm gì về hàng không. Vì vậy ông thường xuyên có mặt tại các sân bay và các đường bay để có thêm những kinh nghiệm thực tế thay cho việc chỉ ngồi ở văn phòng đọc báo cáo hàng ngày.
 
Thậm chí trong một tháng sẽ có ít nhất từ một đến hai lần Fernandes trực tiếp làm việc tại các khoang máy bay để tiến hành thủ tục check-in cho khách và hướng dẫn cách sắp xếp và bốc dỡ hàng hóa như một tiếp viên hàng không bình thường.
Fernandes làm việc tại các khoang máy bay như tiếp viên hàng không
 
Để thuận tiện trong việc quản lý, Fernandes đã tiến hành chia AirAsia thành hai phần riêng biệt. Một bên là tập trung vào vé giá rẻ cho những chuyến bay đoạn đường ngắn. Một bên tập trung vào những chuyến bay dài xuyên lục địa.
 
Với phương châm "tiết kiệm tối đa mọi chi phí", ông đã tích cực phát triển hình thức đặt vé qua mạng, bán thức ăn và đồ uống trên máy bay, tập trung cho các chuyến bay tầm ngắn... để từ đó giúp AirAsia có chi phí vận hành thấp nhất thế giới và mang đến cho khách hàng những chuyến bay giá rẻ hơn hẳn so với các hãng hàng không khác.
 
Người đàn ông giàu nhất châu Á
 
Fernandes được tờ Forbes đưa vào danh sách những người đàn ông giàu nhất Châu Á và đứng ở vị thứ 28 khi sở hữu tài sản 650 triệu USD tính đến tháng 2/2014.
Ông Fernandes là người sáng lập ra chuỗi khách sạn Tune
The Telegraph cũng xếp Fernandes ở vị trí thứ 17 trong danh sách những doanh nhân giàu có nhất trong ngành du lịch khi ông là người đã sáng lập ra chuỗi khách sạn Tune nay còn có mặt ở cả Anh, Úc và Viễn Đông.
 
Từ giám đốc âm nhạc đến bầu sô bóng đá
 
Fernandes sinh ra tại Kuala Lumpur vào năm 1964 và mang trong mình hai dòng máu Malaysia và Anh. Sau khi tốt nghiệp Trường Kinh tế London, ông đã làm kiểm toán viên và sau đó là chuyên viên kiểm soát tài chính cho Virgin Records của Richard Branson.
 
Sau đó ông lại trở thành giám đốc điều hành của công ty Warner Music chi nhánh tại Malaysia và giữ chức vụ phó chủ tịch Warner Music Group khu vực Đông Nam Á cho tới khi ông lên nắm quyền tại AirAsia.
Fernandes đã mua CLB Queens Park Ranger vào năm 2011
Bên cạnh việc kinh doanh, chủ AirAsia còn đầu tư không ít vào bóng đá Anh khi ông là một fan hâm mộ của CLB West Ham.
 
Vị doanh nhân mê bóng đá này cũng nhiều năm tài trợ cho trọng tài của giải ngoại hạng Anh. Bản thân ông có những mong muốn đưa các tài năng trẻ Malaysia sang các CLB Anh mà ông sở hữu để đào tạo.
 
Tuyển thủ Malaysia hiện nay là tiền đạo Safee Sali đã từng được Fernandes đưa sang CLB Cardiff học tập nhưng bất thành.Ông vẫn luôn mong muốn trong thời gian sắp tới sẽ đưa thêm nhiều tài năng trẻ của đất nước Malaysia sang Anh học bóng đá.
 
Và "cơn ác mộng" của Fernandes
 
Trong lịch sử suốt 13 năm hoạt động, AirAsia chưa từng xảy ra bất kỳ một sự cố lớn nghiêm trọng nào cho đến sáng sớm ngày 28/12, khi chiếc Airbus 320 của AirAsia mang số hiệu QZ8501 chở hơn 150 hành khách từ Indonesia tới Singapore đã hoàn toàn mất liên lạc.
 
Ngay khi nhận được tin xấu, Fernandes đã nhanh chóng gửi lời chia buồn về các hành khách có mặt trên chuyến bay QZ 8501 đã mất tích trên các trang mạng xã hội và thông báo rằng ông đang trên đường để đến gặp thân nhân của họ.
Những dòng chia sẻ của ông Fernandes trên Tweet
Ông đã viết trên trang Tweet cá nhân của mình: "Đây thực sự là cơn ác mộng tồi tệ nhất của tôi". Ông cũng không quên chia sẻ nỗi đau thương với nhân viên của Air Asia - đội ngũ ông vẫn luôn coi là thượng đế của mình: " Nhưng đừng bỏ cuộc. Tất cả những nhân viên AirAsia của tôi đều là những ngôi sao mạnh mẽ nhất và luôn là tốt nhất. Hãy tiếp tục cầu nguyện. Hãy tiếp tục cố gắng hết mình vì tất cả khách hàng của chúng ta. Tôi sẽ sớm gặp lại các bạn".
 
Được biết trên chuyến bay có 155 hành khách, hai phi công, một nhân viên kỹ thuật và bốn tiếp viên. Có những báo cáo cho thấy sau khi bay được 41 phút, phi công đã xin thay đổi đường bay để tránh một cơn bão.
 
"Cơn ác mộng" của ông Fernandes dự báo có thể sẽ lặp lại thảm họa lịch sử MH370 của hãng hàng không Malaysia vào đầu năm nay. Và chắc hẳn ông Fernandes sẽ phải rất khó khăn để có thể vượt qua được cú sốc này.

Theo VTC News