Giấc mơ Mỹ và con đường tới thành công từ hai bàn tay trắng của ông chủ thương hiệu Forever 21

ngày 16/11/2016

Forever 21 là chuỗi bán lẻ thời trang nổi tiếng thế giới, lọt top 122 công ty tư nhân lớn nhất nước Mỹ do tạp chí Forbes bầu chọn năm ngoái. Với trụ sở ở Los Angeles, California, công ty có hơn 790 cửa hàng trên toàn thế giới và đạt doanh thu tới 4,4 tỉ USD năm 2015. Được thành lập từ năm 1984, Fashion 21 (tiền thân của Forever 21) thuộc sở hữu của một người Hàn Quốc nhập cư.

Giấc mơ đất Mỹ

Năm 1981, không thể chống chọi với thời kỳ khó khăn tại Hàn Quốc, Do Won Chang và vợ - Jin Sook - đã di cư sang Mỹ cùng gia đình. Họ tới Los Angeles vào một ngày thứ bảy khi Won Do mới 22 tuổi. Ngay khi đặt chân tới đất Mỹ, ông lập tức tìm mọi cơ hội việc làm. Công việc đầu tiên của ông là rửa bát và chuẩn bị đồ ăn trong bếp cho một quán café gần nhà.

“Họ trả cho tôi đúng bằng mức lương tối thiểu, khoảng 3 USD mỗi giờ. Chừng đó không đủ sống”, Won Do nhớ lại. Mới kết hôn, Won Do còn phải lo cho cả gia đình. Vì thế, ông làm thêm 8 giờ nữa ở một trạm xăng và sau đó dọn dẹp tại một văn phòng nhỏ cho đến tận nửa đêm. Vợ ông, Jin Sook, tiếp tục công việc cắt tóc như khi ở Hàn Quốc.

Trong thời gian làm việc tại trạm xăng, Won Do để ý rằng, những người giàu có và đi xe sang trọng đều làm trong ngành bán lẻ, thời trang. Lúc đó, ông nảy ra ý tưởng xin việc trong một cửa hàng thời trang. Won Do đã làm việc chăm chỉ như thể đó chính là cửa hàng của mình. Công việc này dạy ông rất nhiều điều: “Tôi coi cửa hàng như công việc của chính mình vậy. Ông chủ rất quý tôi”.

Hai vợ chồng Jin Sook và Do Won Chang

Hai vợ chồng Jin Sook và Do Won Chang

Từ cửa hàng Fashion 21 đến chuỗi bán lẻ Forever 21

Sau 3 năm sống tại Mỹ, vợ chồng Won Do tiết kiệm được 11.000 USD. Năm 1984, họ quyết định đầu tư một của hàng quần áo nhỏ với tên Fashion 21 tại Los Angeles. Năm đầu tiên hoạt động, Fashion 21 đã thu được 700.000 USD nhờ tận dụng hàng xả kho, mua hàng trực tiếp từ các hãng sản xuất với số lượng lớn, giá thành rẻ. Doanh thu của cửa hàng cao gấp nhiều lần so với người chủ hàng quần áo cũ (khoảng 30.000 USD mỗi năm).

Việc kinh doanh thuận lợi đến nỗi, cứ 6 tháng vợ chồng Won Do lại mở thêm cửa hàng mới. Sau đó, họ đổi tên chuỗi cửa hàng thành Forever 21. Trong suốt thời kỳ khủng hoảng tài chính năm 2008, nhờ nguồn tiền mặt dồi dào, Won Do tiếp tục mở thêm nhiều cửa hàng và tạo ra hơn 7.000 việc làm chỉ trong một năm.

Ngày nay, Forever 21 bán cả quần áo nam, nữ và phụ kiện thời trang. Các cửa hàng của họ có mặt tại Mỹ, Canada, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc và Philippines. Còn trụ sở vẫn nằm tại Los Angeles (California).

"Forever 21 cung cấp những sản phẩm bắt kịp xu hướng với giá vừa phải. Khách hàng thích mua sắm tại đây hơn là Wal-Mart, Target hay Kohl`s, vì họ có trải nghiệm tốt. Các cửa hàng được thắp đèn khắp nơi, bày đầy sản phẩm và cách bày trí khiến người mua có cảm giác rất trẻ trung, hiện đại", Michael Stone - CEO hãng tư vấn và nhượng quyền thương hiệu Beanstalk nhận xét.

 

Trong cuộc họp thường niên với nhân viên, ông Do Won Chang tuyên bố: “Tôi đến đây với 2 bàn tay trắng và luôn biết ơn nước Mỹ vì đã cho tôi nhiều cơ hội đến vậy. Tôi muốn trả ơn họ”. Ông cho biết, kế hoạch của công ty không chỉ tập trung vào doanh thu, lợi nhuận mà còn muốn tạo thêm nhiều việc làm nữa.

Hiện tại, Forever 21 vẫn là một công ty gia đình. Chang làm CEO, Jin Sook làm Giám đốc Bán hàng. Hai con gái của họ cũng đóng vai trò chủ chốt trong công ty. Người con lớn - Linda làm Giám đốc Marketing, còn Esther quản lý thương hiệu.

"Các con tôi cần phải học được từ những nỗ lực bố mẹ chúng đã bỏ ra để gây dựng công ty. Còn ai có thể trông coi tài sản của anh tốt hơn chính gia đình anh chứ", Chang cho biết.

Năm 2014, giá trị tài sản của gia đình Chang đạt 5 tỉ USD. Hiện nay, Chang Won Do xếp thứ 222 trong danh sách những người giàu nhất thế giới với tài sản 33 tỉ USD và những người giàu nhất ở Mỹ do Forbes bầu chọn năm 2015.

Bên cạnh thành công rực rỡ, Forever 21 cũng vướng phải nhiều cáo buộc về vi phạm bản quyền. Đồng thời, sự cạnh tranh của các cửa hàng online khiến lượng khách mua hàng sụt giảm. Họ đã đóng cửa nhiều cơ sở trong suốt năm qua.

“Ngành may mặc hiện gặp nhiều khó khăn. Các cửa hàng online cạnh tranh mạnh với chúng tôi. Tuy nhiên, chúng tôi cũng đã chuẩn bị hoạt động thương mại điện tử của mình. F21 đang lên kế hoạch mở rộng trên toàn cầu và sẽ vượt qua khó khăn”, ông chủ Chang Won Do thừa nhận.

Gia đình là số 1

Ông chủ F21 chia sẻ, gia đình là điều quan trọng nhất. Khi được hỏi về ý nghĩa Giấc mơ Mỹ đối với ông, Chang Won Do trả lời: “Khi người ta nói đến Giấc mơ Mỹ, họ muốn nói về mơ ước một cuộc sống tốt đẹp hơn. Với tôi, gia đình mới là quan trọng nhất. Nếu kinh doanh thành công mà gia đình thất bại, tôi cũng chẳng thấy vui vẻ gì”.