Những dấu hiệu đàn ông không được bỏ qua sau cuộc nhậu

ngày 09/01/2023

Sau khi uống nhiều đồ có cồn, một số người thường buồn ngủ, trường hợp khác lại chậm chạp lờ đờ, không tỉnh táo, thậm chí vật vã, nôn nhiều. Vì vậy, nhận biết các dấu hiệu bất thường để đưa người say đi viện rất quan trọng.

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Thiện, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc, say rượu là một dạng ngộ độc. Tùy từng người, số lượng, loại rượu tiêu thụ mà biểu hiện say ở mức độ khác nhau.

Cụ thể, ở mức độ nhẹ, người say thường không kiểm soát được cảm xúc, dễ tức giận, nổi nóng, đi đứng không vững… Nếu bị ngộ độc nặng, người bệnh nôn nhiều, vã mồ hôi, hôn mê, mạch nhanh, rối loạn nhịp thở, suy hô hấp, hạ huyết áp, hạ thân nhiệt. Nếu không được cấp cứu kịp thời, bệnh nhân có thể tử vong.

Ngộ độc rượu xảy ra khi người bệnh uống rượu quá mức đáp ứng của cơ thể, kể cả với "rượu xịn", rượu ngoại.

Theo TS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), ở người ít uống rượu (ethanol), các biểu hiện ngộ độc rượu cấp tính từ nhẹ đến nặng thường đi cùng với nồng độ rượu trong máu như sau:

Các biểu hiện ngộ độc rượu cấp tính. Nguồn: Bệnh viện Bạch Mai

Nếu người bệnh có một trong các dấu hiệu nặng, nguy hiểm sau đây, bác sĩ Nguyên khuyến cáo người nhà cần gọi vận chuyển cấp cứu, nhân viên y tế gần nhất, người hỗ trợ và đưa tới cơ sở y tế.

- Bất tỉnh, gọi hỏi không biết.

- Co giật.

- Tê, yếu chân tay một bên chân tay hoặc một bên mặt, nói ngọng trong khi đã tỉnh táo.

- Thở khò khè, ứ đọng đờm ở miệng họng, ho yếu. Thở yếu, nhịp thở không đều, thở chậm hoặc ngừng thở. Có thể hít sâu và nhịp thở nhanh.

- Da, môi, móng tay tím tái hoặc nhợt, lạnh.

- Không tự chủ vệ sinh, đi vệ sinh ra quần, tiểu ít (lượng nước tiểu ít hơn bình thường)

- Nhìn mờ, nhìn đôi (nhìn một vật thành hai).

- Nôn nhiều, đau bụng, bụng chướng.

- Mệt nhiều

Nếu người say ở tình trạng nhẹ hơn, gia đình không nên cho bệnh nhân tự đi lại một mình, không tự lái xe, không vận hành máy móc hay lao động khác. Cần cho bệnh nhân ăn đủ các chất tinh bột (cơm, cháo, mỳ,…), hoặc cho uống nước đường.

Đặt bệnh nhân nằm ngủ ở tư thế nằm nghiêng đầu và vai cao hơn, giữ ấm và có người theo dõi (đảm bảo thở đều, êm và hồng hào, gọi hỏi biết). Nếu thời tiết lạnh, cần cho bệnh nhân ủ ấm, tránh lạnh do rượu gây mất nhiệt, hạ thân nhiệt.

Chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân ngộ độc methanol tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Thành Dương

Đa số bệnh nhân ngộ độc thường uống rượu ethanol. Một số trường hợp nguy hiểm, để lại hậu quả nặng nề hơn là ngộ độc do methanol trong rượu.

TS Nguyên cho biết về nhận diện, methanol rất giống với rượu ethanol thông thường, thậm chí còn ngọt, dễ uống hơn. Khi mới uống, bệnh nhân cũng có cảm giác giống với say rượu nên dễ bị nhầm lẫn.

Tuy nhiên, khoảng 1-2 ngày sau uống, bệnh nhân sẽ có biểu hiện mờ mắt, lơ mơ, thở nhanh và thở sâu giống như khó thở do nhiễm toan chuyển hóa (do có quá nhiều acid formic được chuyển thành từ methanol), co giật, hôn mê. Khi đến viện, hầu hết trường hợp này đã tổn thương não, mù mắt và tụt huyết áp, ở trong tình trạng nguy kịch.

Nguồn: vietnamnet.vn