Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2016, nhiều học sinh các trường ở TPHCM tiếp tục “né” môn Sử, thậm chí có trường không có học sinh nào chọn môn này để thi.
Hội đồng thi THPT 2015 môn Lịch sử chỉ có vài thí sinh dự thi. Ảnh: Hồng Vĩnh
Kỳ thi THPT Quốc gia 2016 với ba môn bắt buộc là Toán, Văn, Anh văn và một môn tự chọn trong số các môn Sinh, Sử, Địa, Lý, Hóa. Dù đến 30/4, học sinh mới kết thúc hồ sơ đăng ký dự thi THPT Quốc gia 2016 nhưng thời điểm này, cơ bản các trường THPT đã nắm được danh sách học sinh đăng ký và chọn môn thi tương đối chính xác.
Tại THPT Nguyễn Hữu Thọ (quận 4) năm nay có 388 học sinh lớp 12 nhưng chỉ có 16 em chọn môn Sử trong khi số lượng đăng ký các môn khác lần lượt là Lý 269 em, Hóa 169 em, Địa 39 em. Trường THPT Lê Thánh Tôn (quận 7) cũng chỉ có 23 em chọn môn này trong tổng số gần 400 học sinh lớp 12. Còn trường THPT Nguyễn Khuyến (quận Tân Bình) có 15 em đăng ký môn Sử trong tổng số 700 học sinh. Tương tự, trường THPT Ngôi Thời Nhiệm (quận 9) có 30 học sinh chọn môn Sử trên tổng số 200 học sinh lớp 12…
Ông Phạm Đức Hùng, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Du, quận 10 cho biết, nhà trường khá bất ngờ vì không có học sinh nào chọn môn Sử để thi THPT Quốc gia. “Học sinh đăng ký thi môn Sử trong những năm qua tại trường liên tục giảm. Năm trước trường có 10 em chọn môn này thi còn năm nay không có em nào trong khi trường có đến 400 học sinh lớp 12”, ông Hùng nói. Về các môn thi còn lại, trường THPT Nguyễn Du có 66 em đăng ký thi môn Địa, khoảng 70 em thi môn Sinh, còn lại tập trung đăng ký thi các môn Hóa và Lý.
Trong khi đó, năm thứ hai liên tiếp trường THPT Thành Nhân, quận Tân Phú không có học sinh đăng ký thi môn Sử. Ông Nguyễn Đình Độ, Phó hiệu trưởng trường cho biết: “Trường có 180 học sinh lớp 12, nhưng không có em nào chọn môn Sử để thi”.
“Né” vì khó học?!
Ông Nguyễn Đình Độ, Phó hiệu trưởng trường THPT Thành Nhân, cho rằng cách thi và việc làm sau khi ra trường là nguyên nhân dẫn đến nhiều thí sinh “né” môn Sử. Môn Sử được học sinh đánh giá là khó học hơn các môn học khác nên Sử không được ưu tiên. “Nhu cầu việc làm sau khi ra trường, tâm lý của phụ huynh lẫn học sinh vẫn cho rằng học khối Xã hội cơ hội việc làm lẫn thu nhập ít hơn so với học khối Tự nhiên. Bên cạnh đó, ba môn bắt buộc là Toán, Văn, Anh văn nên nếu học sinh chọn Khối A thì chỉ cần học thêm môn Lý còn nếu chọn khối C thì phải học thêm hai môn là Sử và Địa…”, ông Độ lý giải.
Giáo viên dạy Sử tại một trường THPT TPHCM không có học sinh nào chọn thi môn Sử trong kỳ thi sắp tới cho biết, từ khi để học sinh tự chọn môn thi thì môn Sử luôn bị đẩy ra rìa. “Nguyên do các em sợ môn Sử là vì môn này nhiều sự kiện, phải học nhiều trong khi các môn khác có công thức dễ nhớ hơn. Ngoài ra, cơ hội chọn trường, chọn ngành của các em khối Tự nhiên nhiều hơn”, giáo viên này nói.
Nguồn 24h
-
Bột ngọt và hội chứng nhà hàng Trung Quốc.
-
Man Utd chuẩn bị trận đấu công phu thế nào?
-
Khi nào thí sinh được quyền thay đổi nguyện vọng đăng ký xét tuyển đại học?
-
Hermann Hesse và những hành trình tuổi trẻ
-
Doanh nghiệp dè dặt chuẩn bị hàng Tết
-
HTC 10 nhận đơn đặt hàng, giá 18,5 triệu đồng
-
Ảnh CR7 vui vẻ bên `bồ tin đồn` hot nhất tuần
-
TP.HCM: Chìm tàu khách, 8 người mất tích
-
Những khoảnh khắc ấn tượng khép lại kỳ thi vào lớp 10 giữa đại dịch
-
Lịch sự kiện và tin vắn chứng khoán ngày 28/06