Nhiều tổ chức tín dụng bị Ngân hàng Nhà nước 'tuýt còi'

ngày 11/09/2019

Mới đây nhất, Cơ quan Thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có công văn gửi đến các tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam về việc cảnh báo cho vay cầm cố sổ tiết kiệm không có phương án sử dụng vốn vay.

Theo NHNN, qua công tác thanh tra, giám sát cho thấy có hiện tượng một số Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho khách hàng vay vốn có đảm bảo bằng cầm cố sổ tiết kiệm mà không có phương án sử dụng vốn vay theo quy định tại Thông tư 39/2016, vi phạm quy định của NHNN về sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt để giải ngân vốn vay.

Cũng theo văn bản, Ngân hàng Nhà nước cho biết, "sẽ xử lý nghiêm các tổ chức tín dụng cố tình vi phạm các quy định trên".

Thực tế, khi vào trang web tìm kiếm Google và gõ cụm từ “cho vay bằng sổ tiết kiệm” thì có khoảng 9.390.000 kết quả liên quan đến nội dung này xuất hiện chỉ sau 0,38 giây. Có rất nhiều ngân hàng cũng quảng cáo hình thức cho vay này. Đơn cử như DongAbank giới thiệu chương trình vay cầm cố sổ tiết kiệm, Techcombank cũng đưa ra chương trình vay cầm cố sổ tiết kiệm tại quầy, Top 15 ngân hàng cho vay thế chấp sổ tiết kiệm nhanh và dễ…

Bản thân khách hàng cũng rất chuộng hình thức cho vay thế chấp bằng sổ tiết kiệm. Bởi lẽ, khi có việc gấp cần dùng đến tiềnlớn nhưng sổ tiết kiệm lại chưa đến kỳ tất toán thì việc cầm cố sổ tiết kiệm với mức chênh lệch lãi suất chỉ trên dưới 2%có lợi hơn rất nhiều so với phải rút sổ tiết kiệm mà chịu lãi không kỳ hạn.Chưa kể là thủ tục vay bằng hình thức này rất nhanh chóng và thuận tiện.

Cách đây không lâu, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải gửi văn bản cảnh báo đến các tổ chức tín dụng, chi nhánh NH nước ngoài đã điều chỉnh tăng lãi suất huy động bằng VNĐ nhanh và khá lớn ở một số kỳ hạn hoặc triển khai các sản phẩm chứng chỉ tiền gửi với mức lãi suất cao.

Vì nhà điều hành cho rằng, động thái tăng lãi suất này tiềm ẩn nhiều rủi ro ảnh hưởng đến sự ổn định và phát triển lành mạnh của hệ thống NH, tạo ra diễn biến và tâm lý tiêu cực trên thị trường, có nguy cơ dẫn đến cuộc đua về lãi suất huy động giữa các tổ chức tín dụng, gây bất ổn trên thị trường tiền tệ.

Tiếp đến, Ngân hàng Nhà nước vừa lại có công văn đưa ra hàng loạt yêu cầu, nhắc nhở các ngân hàng kiểm soát rủi ro trong đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt lưu ý mục đích cơ cấu nợ hay vào công ty bất động sản.

Yêu cầu này được đưa ra khi Ngân hàng Nhà nước nhận thấy số dư đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của một số ngân hàng chiếm tỉ trọng lớn trong tổng tài sản và tiếp tục tăng, đặc biệt số dư đầu tư trái phiếu vào lĩnh vực xây dựng, bất động sản lớn. Trong khi đó, thị trường bất động sản chưa phục hồi vững chắc, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn.

Đáng chú ý, có một số ngân hàng đầu tư trái phiếu với mục đích khác ở mức cao và biến động lớn, khó kiểm soát, trong đó có đầu tư trái phiếu với mục đích cơ cấu lại nợ của tổ chức phát hành trong năm 2019.


Nguồn: Báo PLO