Nhà khoa học bắt bệnh "Hà Nội bẩn"

ngày 07/06/2013

 

Đã có rất nhiều chương trình, dự án cải thiện môi trường của thành phố Hà Nội được triển khai song hiệu quả được các nhà khoa học nhận định là không cao. Vì sao?

Dự án hay, nhưng thực hiện rất dở

 
PGS – TS Lưu Đức Hải, Chủ nhiệm Khoa Môi trường, trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐH QG Hà Nội) cho rằng, những năm qua Hà Nội là một trong những địa phương có sự phát triển rất mạnh, nên người dân được hưởng rất nhiều vấn đề về an sinh xã hội.

Nhưng hậu quả về môi trường mà người dân đang phải gánh chịu là rất lớn. Hàng loạt nhà cao tầng mọc lên san sát khiến người dân thiếu không gian xanh, thiếu ôxy để thở; xe cộ ngày càng đông nên bầu không khí bị ô nhiễm trầm trọng; môi trường nước càng ngày càng bẩn…“Do vậy để giải quyết những hậu quả do quá trình đô thị hóa gây ra, thành phố đã triển khai nhiều dự án để cải thiện môi trường như: Dự án đầu tư xây dựng lò đốt chất thải công nghiệp tại huyên Sóc Sơn, Sơn Tây; Các dự án xử lý nước thải sinh hoạt, chất thải rắn; Các dự án cải tạo những con sông bị ô nhiễm như Tô Lịch, Kim Ngưu…Trong đó, tôi đặc biệt đánh giá cao về Dự án phân loại rác thải tại nguồn 3R.

Song, muốn thực hiện tốt dự án, việc phân loại rác tại nguồn là bước quan trọng nhất. Vì, phạm trù giữa chất thải và tài nguyên nó rất gần nhau. Nếu ta bóc tách riêng được từng thứ rác ra thì đó là tài nguyên, còn nếu đổ chung vào một đống đơn thuần nó chỉ là rác, không có giá trị sử dụng. Nhưng qua thực tế triển khai, sự thành công của dự án mang lại là không cao”, PGS – TS Lưu Đức Hải khẳng định.

Tiến sỹ Lưu Hồng Minh, Trưởng khoa Xã hội học, Học viện Báo chí & Tuyên truyền, cũng tỏ ra thất vọng với dự án 3R. TS Minh cho biết, theo thỏa thuận của London và EU, họ sẽ hỗ trợ rất nhiều tiền để xử lý rác ở những bãi rác xung quanh Hà Nội. Tôi nghĩ, công nghệ và ý tưởng xử lý rác của họ rất tốt, nhưng việc có thực hiện được hay không nằm ở khâu trung gian (quá trình thu gom và chở rác ra bãi).

Ở khu tập thể, người dân phân loại rác tốt, ở bãi rác bằng công nghệ hiện đại người ta xử lý rác tốt. Nhưng quá trình thu gom rác, những nhân viên môi trường cứ đổ chung vào một xe thì rất phí công cho người dân và làm mất thời gian cho người xử lý.

“Tôi thấy dự án 3R là một ý tưởng rất tốt để cải thiện môi trường trong cộng đồng dân cư. Thời gian đầu thực hiện, ở cộng đồng, người dân đã thực hiện hành vi phân loại rác rất tốt. Nhưng đến khâu thu gom rác, những nhân viên vệ sinh môi trường lại đổ chung mọi thứ rác vào một xe. Làm như vậy, người dân rất bức xúc. Đấy chính là nguyên nhân dẫn đến việc dự án không thu lại kết quả gì”, Tiến sỹ Lưu Hồng Minh đánh giá.

Nhà khoa học bắt bệnh “Hà Nội bẩn”

 Thật ra có rất nhiều nhóm, cơ quan của nước ngoài muốn đứng ra xử lý vấn đề môi trường ở Hà Nội. Nhưng những người thực hiện công tác môi trường ở đây lại chưa thực sự có trách nhiệm với công việc của mình.

“Nếu ý thức không tốt, thì dù có dùng biện pháp nào, áp dụng công nghệ hiện đại đến đâu cũng không thể thực hiện thành công được” - Tiến sỹ Minh nhận định.

Cái đầu tiên phải chấn chỉnh là công việc dọn vệ sinh môi trường. Về mặt tổng quát, chính quyền phải thiết kế riêng bãi rác công cộng cho từng khu phố, khu dân cư. Đấy là một tiêu chuẩn, một điều kiện cần của một đô thị hiện đại. Khu vực thu gom rác công cộng phải có máy rửa, phải có chất khử trùng, làm sao phải làm cho quá trình thu gom rác thành một dây chuyền.

Bên cạnh đó, thành phố cần phải đầu tư nhiều hơn nữa về cơ sở hạ tầng, đồng thời giáo dục ý thức cho đội ngũ nhân viên môi trường và người dân. Đặc biệt, trong chiến lược phát triển kinh tế phải có kế hoạch quan tâm đến vấn đề môi trường, PGS-TS Lưu Đức Hải đề xuất.

Tại Hà Nội, cứ đến giờ cao điểm của giao thông, cũng là giờ những xe rác phi ra ngoài đường. Không những vậy, do các xe chở rác của thành phố toàn là xe nhỏ, cũ kỹ nên xe nào cũng ùn rác ra bên ngoài. Làm như thế rất không những rất cồng kềnh, mà mà còn ảnh hưởng đến người tham gia giao thông. Nếu vướng ở đâu, rác sẽ vương vãi ở đó, làm cho đường phố bẩn như lúc chưa dọnTiến sỹ Lưu Hồng Minh

Nguyễn Hòa
{fcomment}