Nguy cơ chìm phà Vàm Cống ở TP.HCM

ngày 03/04/2021

Phà Vàm Cống tại bến phà Vàm Cống (sông Hậu, nối hai tỉnh An Giang - Đồng Tháp) trước khi được đưa về TP.HCM. Ảnh: HẢI DƯƠNG

Đại diện Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích Thanh niên xung phong (Công ty TNXP) cho biết: Gần năm tháng đưa phà Vàm Cống về TP.HCM, đến nay phà vẫn chưa thể hoạt động. Nguyên nhân vì giá trị của phà chưa được các bên hạch toán cụ thể và làm thủ tục quản lý tài sản, đưa vào khai thác.

Phà đang bị hư hỏng nặng

Theo Công ty TNXP, đến nay phương tiện đã hết hạn đăng kiểm và trong tình trạng hư hỏng nặng. Thân vỏ bị mục rỉ, rách thủng trầm trọng gây ra tình trạng nước xâm nhập vào hầm máy làm hư hỏng các hệ thống thiết bị. Công ty TNXP đã bố trí nhiều máy bơm túc trực thoát nước ngày đêm. Tuy nhiên, nếu tình trạng trên kéo dài, phương tiện có thể bị chìm bất cứ lúc nào.

Vì vậy, công ty này mong TP sớm có chỉ đạo đơn vị liên quan giao chính thức cho công ty để có phương án duy tu, sửa chữa phương tiện, đảm bảo đủ điều kiện an toàn kỹ thuật và sớm đưa vào hoạt động. Được biết hồi tháng 11-2020, phà Vàm Cống 200 tấn được dịch chuyển về TP.HCM. Phà đang được neo đậu tại khu vực thuộc Công ty cổ phần Đóng tàu An Phú (quận 7).

UBND TP giao Sở GTVT phối hợp với Sở Tài chính tiếp nhận tài sản công theo quy định. Tuy nhiên, Sở GTVT cho rằng sở không có chức năng tổ chức quản lý, vận hành phương tiện phà. Vì vậy, Sở GTVT đã kiến nghị UBND TP xem xét, giao Sở Tài chính nghiên cứu, hướng dẫn thực hiện việc hạch toán tài sản và quản lý, vận hành tài sản theo hướng chuyển giao cho Công ty TNXP quản lý. Trong trường hợp vượt thẩm quyền, đề nghị Sở Tài chính tham mưu văn bản UBND TP kiến nghị Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện.

Sớm hướng dẫn hạch toán tài sản

Theo Sở Tài chính, để khai thác vận hành phương tiện phà 200 tấn D200, Sở GTVT có thể áp dụng phương thức quản lý vận hành quy định tại điểm c khoản 1 Điều 35 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công “Thuê đơn vị có chức năng quản lý vận hành”.

Việc lựa chọn đơn vị có chức năng vận hành phà được thực hiện theo pháp luật về đấu thầu, trong khi hai phà Bình Khánh và Cát Lái đều do Công ty TNXP quản lý và mục đích ban đầu của UBND TP khi điều phà 200 tấn này về để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. Do đó, nếu áp dụng phương thức thuê đơn vị có chức năng vận hành nêu trên sẽ khó thực hiện.

Mặt khác, theo điểm 4 điều 1 Nghị định số 32 của Chính phủ thì doanh nghiệp nhà nước tiếp nhận tài sản từ nơi khác chuyển đến được đầu tư bằng vốn có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước, doanh nghiệp căn cứ vào quyết định điều chuyển tài sản của cấp có thẩm quyền và biên bản bàn giao tài sản, thực hiện ghi tăng vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Tuy nhiên, theo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công thì việc điều chuyển tài sản công chỉ được thực hiện giữa cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam, tổ chức chính trị xã hội thuộc TP, không quy định việc điều chuyển tài sản cho doanh nghiệp, trừ trường hợp do Thủ tướng Chính phủ quyết định. Để đảm bảo việc quản lý phà 200 tấn theo đúng quy định và phù hợp với tình hình thực tế, mới đây Sở Tài chính kiến nghị Bộ Tài chính hướng dẫn trình tự thủ tục, thẩm quyền, phương thức hạch toán tài sản và quản lý vận hành tài sản theo hướng chuyển giao cho Công ty TNXP quản lý.

Nguồn PLO