Ngân hàng khéo léo giải quyết `tâm tư` của khách hàng

ngày 26/03/2015

Mối quan hệ giữa người vay và đơn vị cho vay luôn là mối quan hệ phức tạp, tiềm ẩn nhiều rủi ro khó lường trước và khi có mâu thuẫn xảy ra, các bên đều có những lý lẽ riêng để bảo vệ quyền lợi của mình, tuy nhiên cách giải quyết thế nào để hài hòa lợi ích 2 phía.
 
Đứng về mặt pháp lý, ngân hàng được ra đời nhằm mục tiêu mang đến khoản đầu tư ổn định và an toàn cho những người có đồng vốn nhàn rỗi và mang đến giải pháp tài chính cho những người đang cần tiền để đầu tư kinh doanh hay để phục vụ cho mục đích cá nhân.

Với một số lượng hùng hậu và đa dạng các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực tài chính như hiện nay thì khách hàng, người gửi tiền và người vay tiền, là những đối tượng hưởng lợi chính từ những chính sách lôi kéo và cạnh tranh của các công ty hoạt động trong lĩnh vực tài chính, đặc biệt là các ngân hàng.

Bên cạnh đó, sự điều hành sát sao và những chế tài xử lý kịp thời của cơ quan quản lý nhà nước đã tạo hành lang pháp lý vững chắc để bảo vệ quyền lợi của đôi bên.

Giao dịch giữa ngân hàng với khách hàng là giao dịch dân sự, phổ biến và được quy định rõ ràng, chịu sự ảnh hưởng của những quy định chung của nhà nước cũng như các quy định riêng của tổ chức đó. Mặc dù vậy, những giao dịch này không vì thế mà bớt phức tạp và hạn chế được những rủi ro phát sinh.

Sự phức tạp nảy sinh chính từ mâu thuẫn lợi ích giữa các bên. Khi cùng đặt bút ký vào một thỏa thuận liên quan đến việc cung cấp/ sử dụng dịch vụ, hai bên đều muốn quyền lợi của mình được đảm bảo và đều mong muốn quá trình thực hiện sẽ diễn ra suôn sẻ.
 

Cũng có trường hợp bên cho vay (ngân hàng) hoặc phía người vay lợi dụng lòng tin, sự buông lỏng trong quản lý và cả sự thiếu hiểu biết của bên kia để trục lợi cho cá nhân/ đơn vị mình.

Tuy nhiên, điều này hiếm khi là xuất phát điểm của một giao dịch mà thường chỉ phát sinh khi một trong hai bên nhận thấy quyền lợi của mình bị ảnh hưởng hoặc muốn dùng những biện pháp không lành mạnh để gây áp lực cho bên còn lại, nhằm gia tăng quyền lợi của mình.

Với trường hợp ngân hàng VPBank và khách hàng Nguyễn Trọng Tấn, hai bên đã ký Hợp đồng tín dụng kiêm Khế ước nhận nợ và khách hàng hiện đang cho rằng cán bộ ngân hàng không tư vấn cụ thể dẫn đến việc khách hàng cảm thấy quyền lợi của mình bị ảnh hưởng.

Không khó để ngân hàng trưng ra những bằng chứng chứng minh cho cái lý của mình, bởi việc lưu lại những hồ sơ thể hiện đầy đủ quá trình giao dịch giữa hai bên là quy định bắt buộc trong hệ thống nội bộ mỗi ngân hàng cũng như là tài liệu để báo cáo cơ quan quản lý sau này.

Hơn nữa, ngân hàng chắc cũng không dại gì mà làm trái với những quy định của nhà nước, hoặc đề ra những quy định riêng cố tình gây khó khăn cho khách hàng, bởi lẽ thị trường này vốn đã nổi tiếng về độ khốc liệt trong cạnh tranh và mức độ phức tạp trong việc giải quyết xung đột lợi ích.
Với trường hợp này, VPBank đã chọn phương án giải quyết khá kịp thời và hợp lý, trong điều kiện dung hòa quyền lợi của cả hai bên. Dù không trực tiếp tiếp nhận phàn nàn của khách hàng nhưng thay vì đôi co với khách hàng trên các phương tiện truyền thông, VPBank đã ngay lập tức cử một đoàn cán bộ về thăm hỏi cũng như tìm hiểu nguyện vọng của khách hàng.

Một đại diện ngân hàng cho biết, “rất may ban lãnh đạo ngân hàng đã có sự chỉ đạo kịp thời và với tiêu chí là đặt quyền lợi của khách hàng lên trên hết. Nếu không được tiếp xúc trực tiếp với khách hàng ngày hôm nay thì rất có thể chúng tôi đã có những đánh giá thiếu khách quan và thiếu thiện chí đối với những thông tin nhận được trong mấy ngày qua.

Chúng tôi cũng đã đề xuất với ban lãnh đạo ngân hàng về những động thái hỗ trợ cụ thể trong thời gian tới, để cá nhân anh Tấn cảm nhận được sự quan tâm của ngân hàng VPBank đối với trường hợp của anh và rộng hơn nữa là những khách hàng của VPBank cảm thấy yên tâm khi gửi gắm niềm tin vào ngân hàng.”
Anh Tấn (Áo phông kẻ ngang) chụp ảnh lưu niệm với đoàn cán bộ ngân hàng VPBank tại nhà riêng (xã Hồng Thái, huyện Kiến Xương, Thái Bình)

VPBank không phải là ngân hàng đầu tiên bày tỏ thiện chí trong việc giải quyết xung đột lợi ích với khách hàng, nhưng cách giải quyết đầy tính nhân văn và không mang màu sắc khoa trương, hình thức của ngân hàng này khiến cho những người trong cuộc và dư luận có quyền tin vào một nền kinh tế thị trường với quy luật cạnh tranh khắc nghiệt sẽ tạo ra những doanh nghiệp làm ăn thực sự đàng hoàng, uy tín để quyền lợi người dân luôn được đảm bảo. 

Nguồn VTC News