Nâng cấp đại học tràn lan, hàng trăm nghìn cử nhân thất nghiệp

ngày 28/01/2015

Hàng loạt trường đại học nâng cấp lên đại học, cao đẳng trong khi chất lượng đào tạo không đảm bảo đã khiến hàng trăm nghìn cử nhân không có việc làm.
 
Nâng cấp đại học ồ ạt

Trong những năm gần đây, việc nâng cấp, thành lập mới các trường ĐH, CĐ tăng nhanh chóng về số lượng nhưng chất lượng đào tạo không được như yêu cầu đề ra.

Điều này đã dẫn đến tình trạng hơn 162.000 cử nhân không xin được việc làm, chất lượng nguồn nhân lực không đáp ứng được nhu cầu xã hội.
ĐH Công nghệ giao thông vận tải
ĐH Công nghệ Giao thông vận tải mới được nâng cấp từ CĐ Giao thông vận tải
Đã có không ít các chuyên gia giáo dục cho rằng, số lượng trường đại học, cao đẳng ở nước ta hiện nay được thành lập quá nhiều, đặc biệt là đại học công.

Bên cạnh đó, có không ít các trường trung cấp “đội mũ” cao đẳng, trường cao đẳng “đội mũ” đại học dẫn đến chất lượng tuyển sinh đầu vào quá thấp, hoạt động không hiệu quả, gây lãng phí trong việc sử dụng ngân sách cũng như nguồn nhân lực.
 
Theo thông tin Bộ GD-ĐT, tính đến tháng 6/2014, tổng số các trường đại học, cao đẳng là 433, trong đó, số trường công lập là 347 trường, số trường ngoài công lập là 86 trường.

Trao đổi về vấn đề này, PGS-TS Bùi Anh Tuấn cho biết từ năm 2007-2013, cả nước đã nâng cấp, thành lập mới 133 trường đại học, cao đẳng. Trong đó, số trường trung cấp được nâng cấp lên cao đẳng là 59 trường, số trường cao đẳng được nâng cấp lên đại học là 49 trường.

Có lẽ chính việc thành lập ồ ạt các trường đại học, cao đẳng không theo quy hoạch là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng 162.000 cử nhân sau khi tốt nghiệp không có việc làm.

Do tâm lý chuộng bằng cấp nên khoảng 10 năm trở lại đây, giáo dục Việt nam đã xảy ra hiện tượng nhiều trường trung cấp, cao đẳng sau 3 - 5 năm thành lập lại đua nhau lập đề án xin nâng cấp lên thành trường cao đẳng, đại học

Rất nhiều địa phương trên cả nước muốn “bằng chị, bằng em” cũng xin mở ồ ạt các trường đại học. Tuy nhiên, nhiều trường khi được nâng cấp lại có nhiều ngành nghề không đúng với thực chất năng lực đào tạo dẫn đến chất lượng nguồn nhân lực không đáp ứng được yêu cầu xã hội.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ ra nhiều hạn chế trong lĩnh vực đào tạo nghề hiện nay (Ảnh: Phạm Thịnh)
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ ra nhiều hạn chế trong lĩnh vực đào tạo nghề hiện nay (Ảnh: Phạm Thịnh)
Ngày 22/1/2015, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ đạo Bộ LĐTB&XH phải đẩy mạnh giao quyền tự chủ đầy đủ cho các trường nghề công lập; mạnh dạn triển khai đề án xây dựng trường nghề chất lượng cao theo chuẩn quốc tế, công nhận bậc đào tạo kỹ sư, cử nhân thực hành.

Theo Phó Thủ tướng, để nâng chất lượng đào tạo đại học, cao đẳng hệ nghiên cứu, hàn lâm, phải đầu tư lâu dài vào những nhà khoa học đầu ngành, hệ thống phòng thí nghiệm… nhưng hệ thống trường nghề, thực hành có thể tập trung đổi mới rất nhanh khi gắn với doanh nghiệp, có thể thấy ngay hiệu quả.

“Việt Nam dẫn đầu trong Hội thi tay nghề ASEAN 2014 nhưng chất lượng lao động của ta vẫn còn khoảng cách với các nước ASEAN. Điều này buộc chúng ta phải phấn đấu đưa chất lượng nguồn nhân lực nước ta tiến tới thứ bậc giống như trong thi tay nghề ASEAN. Đây là nhiệm vụ dài hơi, nhưng phải nỗ lực thực hiện”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Bình luận về vấn đề này, GS Nguyễn Minh Đường- Ủy viên Hội đồng Quốc gia giáo dục và Phát triển nhân lực của Chính phủ nhận định việc nâng cấp các trường một cách ồ ạt trước hết là do tâm lý của lãnh đạo các trường muốn được nâng cấp để có vị thế cao hơn, “oai hơn”, một mặt khác có thể đào tạo đa cấp, tuyển sinh được nhiều đối tượng người học hơn.

“Bên cạnh đó, các tỉnh cũng muốn địa phương mình có nhiều trường đại học, cao đẳng để không thua kém các tỉnh khác. Một mặt khác, cũng cần thấy rằng với tâm lý chuộng bằng cấp, phụ huynh và học sinh cũng đều muốn có một tấm bằng cao hơn mà ít quan tâm đến năng lực của mình cũng như khả năng tìm việc làm sau khi tốt nghiệp”, GS Nguyễn Minh Đường lý giải.

GS Đường cho rằng việc nâng cấp hàng loạt các trường như trong thời gian vừa qua đã khiến chất lượng đào tạo giảm sút do đầu tư bị phân tán trong khi các nguồn lực rất hạn hẹp, đặc biệt là đội ngũ giáo viên sẽ càng thiếu và yếu.

Một mặt khác, việc nâng cấp ồ ạt các trường còn làm phá vỡ quy hoạch mạng lưới các cơ sở đào tạo và quy hoạch đào tạo dẫn đến việc đội ngũ nhân lực được đào tạo ngày càng mất cân đối.

Trao đổi với VTC News, TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ giáo dục đại học cho rằng lãnh đạo các địa phương có xu hướng chạy theo “cái danh” có trường đại học nên đề xuất thành lập, nâng cấp ồ ạt trong thời gian vừa qua.

“Khi chúng ta cho thành lập rồi thì khi trường không tuyển được sinh viên thì nhà nước cũng không thể đóng cửa trường vì không có cơ chế cụ thể, rõ ràng về việc này”.

Vì vậy, TS Khuyến đề xuất Bộ GD-ĐT cần đưa ra các chuẩn quốc gia là cái tối thiểu phải có để có thể thành lập trường.

“Không đạt thì không được mở trường. Có thể mở trường nhưng nếu trường tuyển sinh không hiệu quả thì có thể ra quyết định đóng cửa trường”, TS Khuyến nói.

Để làm được việc này, TS Khuyến cho rằng cần có tổ chức kiểm định độc lập tránh việc Bộ GD-ĐT “vừa đá bóng, vừa thổi còi” sẽ tạo ra cơ chế “xin cho”.

Nâng cấp rồi yếu đi

Trong hội nghị tuyển sinh đầu năm 2014, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận từng thẳng thắn thừa nhận: “Chúng ta không chấp nhận việc một trường trung cấp đang hoạt động tốt, sẵn sàng nâng cấp để trở thành trường cao đẳng yếu.

Sau một thời gian phục hồi, có thể đứng được bằng "hai chân" mình rồi lại “nhấp nhổm” muốn trở thành trường đại học. Thực tế vừa qua cho thấy, chúng ta luôn có nhiều trường không mạnh, và cả hệ thống luôn ở trong trạng thái không ổn định, bất an”.
Đào tạo nghề
Đào tạo nghề ở Việt Nam đang tồn tại nhiều bất cập
Vì vậy, cuối tháng 3/2014, Bộ GD-ĐT đã có văn bản gửi các Bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để điều chỉnh, sắp xếp lại mạng lưới các trường ĐH, CĐ trên địa bàn hoặc thuộc quyền quản lý.

Trong văn bản này nêu rõ: "Bộ GD-ĐT sẽ dừng tiếp nhận hồ sơ đề nghị nâng cấp và thành lập mới trường ĐH, CĐ…”.

Bộ GD-ĐT đã rà soát lại mạng lưới các trường đại học, cao đẳng đang hoạt động, trường đã có quyết định thành lập, những dự án đã có chủ trương thành lập.

Việc rà soát này nhằm đảm bảo cân đối quy hoạch đã được điều chỉnh mạng lưới trường đại học, cao đẳng của Thủ tướng Chính phủ; tập trung củng cố, tăng cường các điều kiện để đảm bảo chất lượng và triển khai hiệu quả các đề án thành lập trường.

Vụ trưởng Vụ giáo dục đại học cho biết Bộ GD-ĐT phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương cùng chia sẻ trách nhiệm trong quản lý, giám sát tiến độ thực hiện các trường đã có quyết định thành lập; hỗ trợ các trường củng cố, đảm bảo các điều kiện hoạt động theo cam kết trong đề án thành lập trường.

Ngoài ra, Bộ GD-ĐT cũng sẽ xem xét, rà soát những đề án đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý nâng cấp, thành lập trường.

Thực hiện Nghị quyết 50/2010/QH12 của Quốc hội, Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục thanh tra, kiểm tra và xử lý những trường ĐH, CĐ không đảm bảo chất lượng.

Đối với những trường đã được thành lập, nâng cấp nhưng không triển khai những yêu cầu theo như cam kết hoặc không đưa ra những giải pháp khắc phục khó khăn thì Bộ GD-ĐT cũng sẽ báo cáo với Thủ tướng Chính phủ thu hồi quyết định nâng cấp, thành lập mới các trường này theo đúng quy định của pháp luật.

Cùng với đó, tháng 6/2014, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo hạn chế tối đa việc nâng cấp, cho phép thành lập thêm các trường ĐH, CĐ.

Trước quyết định này, một lãnh đạo của một trường cao đẳng ngoài công lập còn tỏ tiếc nuối khi cho rằng đã mất cơ hội lên đại học trong vài năm tới. Không ít trường trung cấp, cao đẳng cũng phải tiếc nuối vì mấy năm trước việc nâng cấp quá “dễ dàng”.

Tuy vậy, dư luận chưa thực sự yên tâm trong việc giữ kỷ cương siết chặt cho phép nâng cấp, thành lập trường ĐH, CĐ, vì chỉ trong vòng mấy tháng gần đây, một loạt các trường đại học liên tiếp được thành lập.

Có thể kể ra đây: ngày 24/7, thông qua Dự án thành lập Trường ĐH Thủ đô Hà Nội trên cơ sở nâng cấp Trường CĐ Sư phạm Hà Nội.

Tháng 9/2014, một loạt trường đại học nữa cũng được ra đời như: Học viện Khoa học và Công nghệ thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; Trường ĐH Khánh Hòa được thành lập gộp từ Trường CĐ Sư phạm Nha trang và Trường CĐ Văn hóa – Nghệ thuật Du lịch Nha Trang; thành lập Trường ĐH Luật trên cơ sở khoa Luật thuộc ĐH Huế.

Dư luận vẫn mong muốn một sự chỉ đạo cương quyết hơn, trách nhiệm hơn trong việc cho phép thành lập, nâng cấp các trường đại học; tập trung nâng dần chất lượng đào tạo, để sinh viên ra trường “ngẩng cao đầu” cầm tấm bằng tốt nghiệp tự tin đi xin việc.

Nguồn VTC News