Năm 2022, Mỹ tiếp tục đứng đầu bảng về số lượng công ty giá trị nhất toàn cầu

ngày 31/12/2022

Mỹ là nơi đặt trụ sở của 61 trong số 100 công ty có giá trị vốn hóa lớn nhất toàn cầu và tiếp tục giữ vị trí số một trong bảng xếp hạng năm 2022 do công ty tư vấn EY công bố ngày 29/12. Năm ngoái, Mỹ cũng giữ vị trí đầu bảng với 62 công ty.

Tập đoàn công nghệ Apple đứng đầu bảng xếp hạng công ty có giá trị vốn hóa lớn nhất toàn cầu năm 2022. Ảnh: AFP/TTXVN

Sự thống trị của các công ty Mỹ trên thị trường toàn cầu trong năm nay trở nên rõ nét hơn khi trong top 10 công ty có giá trị vốn hóa lớn nhất có đến 9 công ty có trụ sở ở "xứ cờ hoa". Tập đoàn công nghệ Apple đứng đầu với giá trị thị trường là 2.100 tỷ USD. Tiếp theo là tập đoàn dầu mỏ Saudi Arabia, Saudi Aramco, với giá trị vốn hóa 1.900 tỷ USD. Đây là lần đầu tiên Saudi Aramco đứng vị trí thứ 2 bảng xếp hạng, trở thành công ty duy nhất trong top 10 không có trụ sở ở Mỹ. Vị trí thứ 3 và thứ 4 lần lượt thuộc về 2 tập đoàn công nghệ Microsoft và Alphabet của Mỹ với giá trị vốn hóa là 1.800 tỷ USD và 1.100 tỷ USD.

Thụy Sĩ giữ vị trí thứ 5 trong bảng xếp hạng với 3 trong số 100 công ty có giá trị vốn hóa lớn nhất toàn cầu. Theo phóng viên TTXVN tại Geneva (Thụy Sĩ), tập đoàn Nestlé được định giá 321,2 tỷ USD, xếp thứ 23, trong khi các công ty dược phẩm Roche và Novartis lần lượt xếp thứ 32 và 45.

Trong khi vị trí của Thụy Sĩ vẫn ổn định nhờ 3 đối thủ nặng ký kể trên, thì sự hiện diện chung của châu Âu trong bảng xếp hạng đã giảm dần. Trước cuộc khủng hoảng tài chính hơn một thập niên trước, 46 trong số 100 công ty hàng đầu là của châu Âu. Năm nay, không có công ty nào từ "Lục địa Già" lọt vào top 10. Và trong top 100, chỉ có 15 công ty có trụ sở tại châu Âu, so với 19 công ty ở châu Á.

Vốn hóa thị trường châu Âu lớn nhất hiện nay là tập đoàn hàng xa xỉ LVMH của Pháp, ở vị trí thứ 15. Pháp là quê hương của tổng cộng 5 công ty trong bảng xếp hạng. Đức đã bị loại hoàn toàn, trong khi Vương quốc Anh có 4 đại diện trong top 100 công ty.

Trung Quốc và Đặc khu Hành chính Hong Kong (Trung Quốc) cho thấy mức tăng trưởng tốt nhất, với tổng số 15 công ty hiện nằm trong top 100, tăng so với 10 công ty một năm trước đó. Ấn Độ có 2 công ty lọt top 100, trong khi Nhật Bản có 1 công ty.

Năm 2022 chứng kiến các công ty công nghệ mất dần chỗ đứng. Tính đến cuối năm, chỉ có 21 công ty công nghệ lọt vào top 100, giảm so với con số 28 của một năm trước đó. Trong khi đó, các công ty trong lĩnh vực “năng lượng” và “công nghiệp” có mức tăng mạnh nhất. EY cho biết có 8 và 9 công ty theo thứ tự từ hai lĩnh vực này hiện có mặt trong top 100, tăng so với năm công ty trong năm ngoái.

Nguồn: baotintuc.vn