Năm 2018: Quản lý thương mại điện tử của cơ quan thuế còn nhiều bất cập

ngày 19/03/2018

Theo bà Mạnh Thị Tuyết Mai, Trưởng phòng Chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp, Vụ Chính sách (Tổng cục Thuế): thời gian qua cơ quan thuế đã từng bước triển khai thu thuế giao dịch thương mại điện tử nhưng quá trình triển khai gặp nhiều vướng mắc.

So với giao dịch theo phương thức truyền thống, giao dịch điện tử nhanh chóng và tiện dụng hơn rất nhiều. Nhờ có sự hỗ trợ của các thiết bị thông minh, các kênh thanh toán đa dạng, người mua và người bán dễ dàng kết nối và thực hiện giao dịch mà không bị ảnh hưởng bởi khoảng cách địa lý. Trên thế giới mỗi ngày có đến hàng trăm triệu giao dịch được thực hiện thông qua các trang thương mại điện tử, trò chơi trực tuyến, quảng cáo trực tuyến, nội dung số,… Qua đó đem lại cho các doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh qua mạng Internet nguồn doanh thu ổn định và ngày càng gia tăng.

Trong khi đó, dưới góc độ quản lý nhà nước, việc quản lý các giao dịch điện tử, trong đó có vấn đề quản lý và thu thuế phát sinh từ các giao dịch này vẫn là một vấn đề còn khá mới mẻ đối với các cơ quan nhà nước. Trên thực tế các cơ quan có thẩm quyền còn tỏ ra khá lung túng trong việc quản lý, hướng dẫn kê khai và nộp thuế đối với các đối tượng có liên quan, dẫn đến phát sinh những kẽ hở để các doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh qua mạng Internet lợi dung, gây thất thoát nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

Nhiều khó khăn trong quản lý thuế

Chia sẻ ý kiến về vấn đề này, bà Mạnh Thị Tuyết Mai, Trưởng phòng Chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp, Vụ Chính sách (Tổng cục Thuế) cho hay, đối tượng tham gia kinh doanh thương mại điện tử (TMĐT) ở Việt Nam bao gồm các doanh nghiệp hoạt động theo pháp luật Việt Nam (doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp đầu tư nước ngoài); các tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh hoặc có thu nhập tại Việt Nam thì được gọi chung là nhà thầu nước ngoài; các hộ và các nhóm cá nhân khác…

Về hình thức, kinh doanh TMĐT bao gồm TMĐT giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, TMĐT giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng, TMĐT giữa doanh nghiệp với cơ quan nhà nước  và TMĐT giữa người tiêu dùng và người tiêu dùng. Trong quá trình phát triển TMĐT ở các nước nói chung và Việt Nam nói riêng, hiện nay xuất hiện một số tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý thuế.

Đầu tiên là việc cấp giấy phép kinh doanh còn gặp vướng mắc do hoạt động TMĐT hay một số hoạt động TMĐT chưa có trong danh mục ngành nghề kinh doanh. Mặc dù theo quy định của pháp luật hiện hành thì các tổ chức, cá nhân được phép kinh doanh những ngành nghề mà pháp luật không cấm ví dụ như kinh doanh ngành tiền điện tử, tiền ảo, tài sản kỹ thuật số, cung cấp dịch vụ quảng cáo trên các ứng dụng phần mềm, kết nối vận tải bằng phương tiện điện tử nên đã gây khó khăn cho cơ quan quản lý thuế trong việc phân loại những ngành nghề kinh doanh để xác định nghĩa vụ nộp thuế.

Thứ hai là vấn đề về hóa đơn giấy, hiện Việt Nam đang sử dụng hóa đơn giấy là chủ yếu cho các giao dịch thương mại điện tử. Hóa đơn giấy chiếm tỷ lệ đến 91,8%, còn lại là hóa đơn điện tử. Đồng thời, hiện nay chưa có chế tài bắt buộc các doanh nghiệp phải sử dụng hóa đơn điện tử. Do đó cơ quan thuế gặp khó khăn trong việc quản lý kê khai. Hiện nay, cơ quan quản lý thuế đang trình Chính phủ một đề án về triển khai sử dụng hóa đơn điện tử. Khi đề án được thông qua sẽ góp phần tăng hiệu quả việc quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT.

Thứ ba là khó khăn trong việc xác định đúng bản chất giao dịch để đánh thuế hoạt động kinh doanh TMĐT nhất là trong nền kinh tế chia sẻ ví dụ như loại hình kinh doanh của Uber, Grab thì hiện nay vẫn đang còn tranh cãi nhiều chưa có quyết định cuối cùng về việc đây là loại hình kinh doanh gì.

“Đối với Hiệp hội taxi thì loại hình kinh doanh của Uber, Grab gọi là hoạt động vận tải taxi công nghệ, còn đối với phía Bộ GTVT thì coi đây là loại hình Kinh doanh vận tải theo hợp đồng. Như chúng ta đã biết tùy theo loại hình mà mức thuế sẽ có sự chênh lệch. Chính vì hiện nay các cơ quan vẫn đang còn tranh cãi về loại hình Kinh doanh của Uber, Grab nên việc quản lý thuế cũng gặp nhiều khó khăn theo”, bà Mạnh Thị Tuyết Mai nói.

Thứ tư là quản lý thu thuế nhà thầu đối với các giao dịch thương mại xuyên biên giới ví dụ như mô hình cung cấp dịch vụ đặt phòng trực tuyến , mô hình du lịch, khách sạn trực tuyến .

Thứ năm là khó quản lý đối với hoạt động bán hàng cũng cấp dịch vụ sản phẩm số trên website, các trang mạng xã hội ví dụ như là những doanh nghiệp sử dụng website quảng bá sản phẩm hàng hóa kết hợp bán hàng trực tuyến trực tiếp cho người tiêu dùng là cá nhân nhưng không xuất hóa đơn bán hàng.

Việc bán hàng, quảng cáo còn sử dụng qua điện thoại, tin nhắn nên cơ quan thuế khó kiểm soát với các nhóm này, không kiểm soát được doanh thu. Ví dụ có bộ phận người bán hàng trên các trang FB hay Zalo của hộ hoặc cá nhân thì cơ quan thuế gặp khó khăn khi các đơn vị cho thuê máy chủ chưa hợp tác đầy đủ với cơ quan thuế về cung cấp thông tin các doanh nghiệp vận hành các website bán hàng. Khó khăn này do cơ chế bảo mật thông tin của khách hàng mà các website đang thực hiện.

Đồng thời, theo bà Mạnh Thị Tuyết Mai, hiện xuất hiện tình trạng đối với loại hình quảng cáo trực tuyến như Google, Facebook thì nhiều tổ chức, cá nhân không kê khai nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp. Trong lĩnh vực du lịch thì nhiều cơ sở cung cấp dịch vụ lưu trú thường ký hợp đồng bán hàng phòng trọ cho các đối tác nước ngoài là các công ty du lịch quốc tế, các trang mạng đặt phòng trực tuyến. Mặc dù các cơ sở này hoạt động kinh doanh theo quy định pháp luật Việt Nam nhưng không kê khai nộp thuế đầy đủ theo quy định.

Giải pháp nào chống thất thu thuế TMĐT?

Theo bà Mai, thời gian qua cơ quan thuế đã từng bước triển khai thu thuế giao dịch TMĐT nhưng quá trình triển khai gặp nhiều vướng mắc như đã nêu ở trên. Để giải quyết tình trạng thất thu thuế, khó quản lý thuế TMĐT, bà Mai cho rằng cơ quan thuế cần tập trung tuyên truyền phổ biến để khuyến khích doanh nghiệp cũng như là người nộp thuế tự giác kê khai nộp thuế thu nhập.

Đối với riêng vấn đề bán hàng trên Facebook  thì trong thời gian qua, Cục Thuế Hà Nội, Cục Thuế TPHCM cũng đã bắt đầu triển khai đến hàng chục nghìn tài khoản đề nghị các chủ tài khoản đến tự kê khai nộp thuế. Bên cạnh đó, đại diện đến từ Tổng cục Thuế còn cho biết hiện cơ quan này đang phối hợp cơ quan báo chí, truyền thông, ban ngành liên quan, ngân hàng thương mại, các công ty chuyển phát, công ty bưu chính để tuyên truyền cá nhân tổ chức thực hiện đầy đủ nghĩa vụ kê khai, nộp thuế theo quy định.

“Còn đối với hoạt động mới phát sinh tương tự như Uber thì Bộ Tài chính có văn bản hướng dẫn kê khai nộp thuế nhà thầu và khấu trừ số thuế phải nộp trước khi trả cho các tài xế. Chúng tôi cũng phối hợp các nhà mạng để xác định địa điểm kinh doanh, giao hàng, phối hợp hội đồng tư vấn thuế các vùng để đưa các cá nhân vào diện quản lý thuế”, bà Mai cho hay.

Cuối cùng, theo đại diện Tổng cục thuế, đơn vị hiện đang cùng Bộ Tài chính nghiên cứu xây dựng Luật quản lý thuế sửa đổi trong đó có một chương nói về quản lý thuế đối với giao dịch TMĐT.Luật này đề xuất trình chính phủ, dự kiến sẽ thông qua trong năm 2019 và dự kiến có hiệu lực từ 1/1/2020.

(Theo einvoice)