Sau cơn sốt lan đột biến vào khoảng tháng 7/2020, gần đây những thương vụ chuyển nhượng, đấu giá hàng chục, hàng trăm tỷ đồng từ Quảng Ninh, Hà Nam, Sơn La vào đến tận Tây Nguyên, Bình Dương lại khiến cơn sốt lan đột biến bùng lên mạnh mẽ.
Nếu như năm ngoái những vụ chuyển nhượng lan đột biến chỉ dao động vài tỷ đồng thì đầu năm nay nhiều giao dịch lên đến hàng chục, hàng trăm tỷ.
'Lướt sóng' lan đột biến kiếm lời như mua bán đất
Ngày 15/3, thông tin cuộc mua bán lan đột biến giữa vườn lan var Đất mỏ (thị xã Đông Triều, Quảng Ninh) và 4 cá nhân gây xôn xao dư luận với trị giá gần 300 tỷ đồng. Đáng chú ý, một cây lan Ngọc Sơn Cước được cho là đã bán thành công với giá 250 tỷ đồng. Dù mới đây nhất, chủ vườn lan var Đất đỏ đã xác nhận với Zing thương vụ 250 tỷ này không phải với một cây, mà là bao gồm cả vườn lan 5.000 cây được nhân giống từ cây Ngọc Sơn Cước mua cách đây 2 năm của người dân ven đường, giao dịch vẫn dấy lên tranh luận về mức độ siêu lợi nhuận này.
Trước đó, một cuộc giao dịch lan phi điệp đột biến ở TP Đồng Xoài (Bình Phước) có giá trị 45 tỷ đồng và cuộc giao dịch lan phi điệp 5 cánh trắng Bảo Duy ở Hà Nam với giá gần 19 tỷ đồng cũng khiến nhiều người "choáng váng".
Theo giới chơi lan, đây là chiêu trò của những người trong nghề kinh doanh lan đột biến “thổi” lên sau một thời gian thị trường trầm lắng.
Theo khảo sát, hiện nay giá bình quân một kie lan đột biến dao động từ vài triệu đến hàng chục triệu đồng, thậm chí hàng tỷ đồng. Đơn cử, đối với lan phi điệp 5 cánh trắng Phú Thọ, một kie dài 5-10cm có giá 1,2-1,7 triệu đồng/cm; 5 cánh trắng Hiển Oanh có giá 5,8-6,8 triệu đồng/cm.
Đặc biệt, lan đột biến Ngọc Sơn Cước được rao bán ở mức vài tỷ đồng, trong đó: Lúa non (nhận tiền trước, trả kie sau) có giá 3,2-3,5 tỷ đồng; kie 2-5 cm giá 2,7-3 tỷ đồng/cm; kie 5-7,5 cm giá 1,8-2,7 tỷ đồng/cm; kie 7,5-10 cm giá 1,3-1,8 tỷ đồng/cm.
Theo ông Nguyễn Đức, một người chơi lan lâu năm ở Hà Tĩnh cho biết giá lan ngày càng cao chứng tỏ sự thành công của những kẻ đầu cơ, thổi giá tự diễn xuất mua bán giá cao với nhau. "Nhiều người hám lợi, cả tin đổ xô bỏ nghề vay tiền đầu tư. Gọi là đầu tư nhưng thực chất là bỏ ra số tiền lớn mua đi, rồi bán lại, “lướt sóng” kiếm lời như mua bán đất", ông nói.
Tuy nhiên, dưới góc độ của một số người chơi lan, những thương vụ mua bán tiền tỉ là có thật. "Bản thân tôi từng chứng kiến một sự kiện chuyển nhượng ở Thái Bình tổ chức công khai, người mua chuyển tiền, người bán giao hoa", anh Tuấn ở Hà Nam chia sẻ.
Anh Tuấn cũng là người mới chơi lan được hơn một năm nay, hiện tại vườn của anh có hơn 15 mặt hoa lan đột biến. Theo anh, tùy vào độ quý hiếm của từng loại mà lan đột biến sẽ có mức giá khác nhau.
Khi lan đột biến không còn là thú chơi
Giá lan đột biến ngày càng cao cộng thêm một số "gương" làm giàu nhanh chóng từ hoa lan khiến nhiều người càng "phát sốt" lao vào đầu tư. Họ vay nợ người thân, bạn bè, ngân hàng với hy vọng giấc mơ làm giàu nhanh từ lan đột biến.
"Lan đột biến không còn là thú chơi, đam mê đơn thuần mà việc kinh doanh hoa lan đột biến gene đang trở thành trào lưu với sự tham gia của nhiều thành phần xã hội", anh Tuấn nhận xét.
"Có 100 triệu đồng thì mình nên đầu tư loại lan nào được?" một tài khoản H.T đăng bài trong nhóm cộng đồng người chơi lan. Hay một tài khoản khác tìm người chung vốn đầu tư: "Tìm người cùng nhau khởi nghiệp 5 cánh trắng Hiển Oanh, lúc mua đã 98 triệu đồng, một kie 21 cm, chưa tính thân già và mầm gốc".
Thực tế, "cơn sốt" lan đột biến và khoản lợi nhuận rất lớn từ nhiều người bán vẽ ra khiến cộng đồng kinh doanh, khởi nghiệp lan var bùng nổ. Từ nửa cuối năm 2020 đến đầu 2021 đã có thêm hàng trăm, hàng nghìn vườn lan lớn, nhỏ được mở ra.
Anh Ngọc Hà, chủ vườn lan ở Bắc Ninh cho biết khi có các tin đồn bông hoa này bông hoa kia rất tiềm năng về kinh tế, những người mới chơi thường dễ bị thu hút. Ví dụ, họ quảng cáo 1 cm hoa lan đột biến được bán với giá 2 triệu đồng, chỉ sau vài tháng bán lại lời cả trăm triệu đồng.
"Mục đích nhằm thu hút những người hám lợi, những người chơi lan thiếu kinh nghiệm tham gia đầu tư, góp vốn vào các hoạt động giao dịch hoa lan đột biến", anh chia sẻ.
Tuy nhiên, nếu chỉ là lời đồn hoặc nghệ thuật tạo tin đồn của một nhóm bán hàng trên thị trường tạo nên hiệu ứng cơn “sốt ảo” thì những người đầu tư theo cảm tính bị thua lỗ là điều khó tránh khỏi.
Do đó, đầu tư, làm giàu từ lan đột biến không phải là điều đơn giản. "Trước tiên bạn phải hiểu về hoa lan, phân tích kỹ vẻ đẹp, độ ổn định của bông qua các năm, so sánh giá trị với bông ngang tầm", anh Hà nói.
Theo anh, người mới chơi nên tìm đầu tư những bông hoa đẹp đã có bề dày về sự ổn định giá như: 5 cánh trắng Phú Thọ, 5 cánh trắng Hiển Oanh, Hồng xòe... và nên đầu tư vừa phải trong khả năng, vừa chơi vừa tích lũy kinh nghiệm, quan hệ, uy tín.
Theo một số người chơi lan, mua lan đột biến để đầu tư sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro như cây bệnh chết, sai hoa (mua phải cây lừa đảo) hay lan rớt giá. "Do đó, người mới tham gia đầu tư nên tìm kiểu kỹ bởi hiện nay thị trường lan đột biến đang 'sốt' trở lại, nhiều người đang muốn đẩy giá lên cao, tung giá ảo kiếm lời", ông Tuấn Duy, chủ một vườn lan ở Hà Nam chia sẻ.
Mới đây, Tổng cục Thuế cũng đã chỉ đạo Cục Thuế các địa phương kiểm soát, giám sát xem doanh nghiệp hay cá nhân, có giao dịch lan đột biến thật không. Nếu là doanh nghiệp kinh doanh mua bán thì phải kê khai thuế. Trường hợp các tổ chức, cá nhân không thực hiện đăng ký, kê khai và nộp thuế, qua kiểm tra, phát hiện có giao dịch, kinh doanh hoa phong lan đột biến gen sẽ bị truy thu và xử phạt theo pháp luật thuế hiện hành.