Hôm nay (23-6), bệnh nhân 91 bước sang ngày điều trị thứ 97 tại bệnh viện (BV). Đây là ca bệnh Covid-19 nặng nhất, nằm viện lâu nhất nước ta với chi phí điều trị lên đến nhiều tỉ đồng.
Nhiễm bệnh từ ổ dịch
Bác sĩ (BS) Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM, nhớ lại ngày 16-3, phi công Vietnam Airlines (43 tuổi) thực hiện chuyến bay từ Hà Nội đến TP HCM và ngược lại. Hoàn tất chuyến bay, anh lưu trú tại TP HCM và tới một số địa điểm ăn uống, giải trí, trong đó có quán ăn Thái Lan ở phường Thảo Điền, quận 2. Đây là nơi khởi phát ổ dịch Covid-19 lớn nhất TP HCM với hàng chục người nhiễm bệnh cũng như tái nhiễm sau đó.
Ngày 18-3, viên phi công được chuyển đến BV Bệnh Nhiệt đới TP HCM trong tình trạng sốt cao liên tục, suy hô hấp nặng. Kết quả chụp X-quang phổi cho thấy phổi bị tổn thương mô kẽ, phế nang lan tỏa hai phế trường.
Ngày 20-3, các xét nghiệm xác định anh dương tính với virus SARS-CoV-2. Ba ngày sau, khi phóng viên Báo Người Lao Động vào BV - nơi đang điều trị cho 4 ca mắc Covid-19 nặng, "anh phi công" là chủ đề chính mà các BS, điều dưỡng Khoa Nhiễm D bàn đến. Hôm ấy, bệnh nhân 91 vẫn còn tỉnh táo, vẫn ăn uống bình thường. "Anh ấy đã ăn hết đĩa mì xào hải sản" - BS chuyên khoa II Nguyễn Thanh Phong, Trưởng Khoa Nhiễm D, nói với chúng tôi.
Mồ côi, không gia đình không chỉ là thiệt thòi lớn của bệnh nhân 91, mà còn là trở ngại lớn trong công tác điều trị. Những ngày đầu nhập viện, anh không buồn ăn uống, phần vì không hợp khẩu vị các món ăn Việt Nam, phần vì mệt, phần do cả tâm lý. Các BS, điều dưỡng cố thuyết phục, hỏi anh muốn ăn gì, anh đều từ chối trả lời.
"Những lúc như thế này, một món ăn người thân nấu cho sẽ rất có ý nghĩa với bệnh nhân hoặc chúng tôi có thể hỏi người thân để chuẩn bị bữa ăn hợp khẩu vị với anh ấy. Nhưng anh ấy chỉ có một mình" - điều dưỡng trưởng của Khoa Nhiễm D, chị Phạm Thị Tuyến, cho biết.
Thay người thân, các BS, điều dưỡng tìm mọi cách để anh ổn định tâm lý, ăn uống ngon miệng. Hỏi anh không được, một nữ điều dưỡng nảy ra ý gọi đến Vietnam Airlines, tìm các đồng nghiệp của anh. Cuối cùng, một đồng nghiệp nữ cùng tổ bay đã cho địa chỉ một quán ăn nấu kiểu Âu mà anh ưa thích.
Mỗi lần lấy mẫu xét nghiệm rất khó khăn, dù lấy mẫu phết mũi hay lấy máu bệnh nhân đều không hợp tác, BV phải thuyết phục rất nhiều lần. Tuy nhiên, sau này, cảm động trước sự chăm sóc ân cần của đội ngũ y - BS, điều dưỡng, bệnh nhân bắt đầu hợp tác để các thầy thuốc khám chữa bệnh. "Nhưng đến khi cởi mở hơn với nhân viên y tế thì cũng là lúc bệnh bắt đầu có dấu hiệu trở nặng, suy hô hấp tăng dần, phải hỗ trợ thở ôxy qua đường mũi. Bệnh nhân hoàn toàn nằm một chỗ, nuôi ăn qua đường tĩnh mạch và các nhân viên y tế cũng phải chuyển sang chế độ chăm sóc đặc biệt" - BS Phong nhớ lại.
Một ê-kíp từ BV Chợ Rẫy tức tốc mang thiết bị tối tân sang chi viện cho BV Bệnh Nhiệt đới. Bệnh nhân được can thiệp ECMO (thiết bị tuần hoàn ngoài cơ thể, tim phổi nhân tạo bên ngoài). Thiết bị này được xem như cơ hội cuối cùng để hồi sinh những ca bệnh khó qua khỏi.
Lằn ranh sinh tử
Covid-19 là bệnh dịch mới nổi trên thế giới với tốc độ lây lan chóng mặt. Tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội), 1 nhân viên y tế đã bị lây nhiễm Covid-19 trong lúc chăm sóc bệnh nhân. Điều này tác động tâm lý rất lớn đến những nhân viên y tế đã nhiều ngày cách ly gia đình để chống dịch.
Giữa muôn vàn khó khăn, các y - BS BV Bệnh Nhiệt đới TP HCM liên tiếp trải qua những tình huống cam go, nhiều lần như muốn đứng tim. TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới, kể rằng kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 của viên phi công "nhảy múa" liên tục, lúc âm tính, lúc dương tính khiến các BS bối rối. Bệnh nhân rối loạn đông máu, tràn khí màng phổi, cả BV thức trắng đêm theo dõi, chăm sóc. Sau đó, diễn tiến bệnh nặng hơn với các biến chứng suy hô hấp cấp tiến triển nhanh, vi huyết khối, xuất huyết - rối loạn đông máu nặng, suy đa tạng, nhiễm trùng phổi, nhiễm trùng máu... kéo dài suốt 50 ngày. Bệnh nhân không thích ứng với thuốc chống đông đang có ở thị trường Việt Nam, Bộ Y tế đã phải cho phép nhập khẩu thuốc chống đông tương thích từ nước ngoài.
Nhiều thời điểm, tính mạng bệnh nhân "ngàn cân treo sợi tóc". Các chuyên gia đầu ngành đã phải "cân não" giành giật sự sống cho bệnh nhân với tinh thần "còn nước còn tát". "Tất cả những kỹ thuật tối tân của hồi sức cấp cứu đều được áp dụng cho bệnh nhân này với mục đích duy nhất không để bệnh nhân tử vong. Chưa có ca bệnh nào mà BV phải 3 lần thay màng ECMO. Có lúc phổi bệnh nhân đông đặc chỉ còn 10%, phương án ghép phổi đã được Bộ Y tế tính tới" - BS Châu nhớ lại.
Quá trình điều trị cho ca bệnh này BV Bệnh Nhiệt đới đã tạm ứng hơn 3 tỉ đồng, 20 y - BS thay phiên túc trực theo dõi, điều trị. Sau đó, tia hy vọng lóe lên khi bệnh nhân xét nghiệm âm tính virus SARS-CoV-2. Từ ngày 7-5, các biến chứng giảm dần, phổi hồi phục từ 10% lên 20%, chức năng hô hấp cải thiện, được tập cai dần các máy thở, ECMO và giảm dần thuốc an thần để dần tỉnh lại. Theo chỉ đạo của Bộ Y tế, bệnh nhân được chuyển qua BV Chợ Rẫy nhằm chuẩn bị phương án ghép phổi.
Nhà cung cấp bảo hiểm cho bệnh nhân đã gửi xác nhận chuyển khoản đến BV Bệnh Nhiệt đới TP HCM, chi trả toàn bộ viện phí giai đoạn điều trị tại BV (từ ngày 18-3 đến 22-5) với tổng số tiền 3,5 tỉ đồng.
Hội chẩn quốc gia về phương án xuất viện
Chiều 22-6, cuộc hội chẩn quốc gia lần thứ 5 về tình hình sức khỏe bệnh nhân 91 đã diễn ra tại điểm cầu Trung tâm điều hành chẩn đoán, điều trị bệnh nhân nặng mắc Covid-19 tại Bộ Y tế kết nối với các BV: Chợ Rẫy, Bệnh Nhiệt đới TP HCM, Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bạch Mai, Việt Đức, Trung ương Huế, Đà Nẵng.
PGS-TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế, Trưởng Tiểu ban Điều trị, cho biết Đại sứ quán Anh đã đến thăm và nắm được nguyện vọng của bệnh nhân mong muốn về quê nhà. Tuy nhiên, hội đồng chuyên môn cho rằng việc đưa bệnh nhân về nước chỉ thực hiện khi bảo đảm đủ sức khỏe ra khỏi phòng hồi sức, an toàn trong quá trình vận chuyển và sự chuẩn bị tiếp nhận bệnh nhân của BV quê hương phi công người Anh.
Báo cáo của BV Chợ Rẫy cho biết bệnh nhân hiện tỉnh, dung nạp thức ăn tốt, các xét nghiệm đánh giá nhiễm trùng của bệnh nhân âm tính. Bệnh nhân đã cai hoàn toàn máy thở từ ngày 21-6, tự thở khí phòng 24/24 giờ. Chức năng phổi phục hồi gần 90%. Đánh giá sơ bộ cho thấy bệnh nhân tỉnh táo hoàn toàn, tiếp xúc tốt, giao tiếp tốt bằng lời nói, sức cơ 2 tay bình thường, sức cơ 2 chân cải thiện 4/5, tự xoay trở trên giường, tự ngồi dậy được, chịu lực hai tay trên khung tập tự đứng dậy. Về chức năng tiêu hóa, bệnh nhân tự ăn uống qua miệng. Chức năng thận đã hồi phục, chức năng tim, gan tốt, men tụy bình thường. Các BS tiến hành cho bệnh nhân tập vật lý trị liệu ngày 2 lần.
Theo BS điều trị cho bệnh nhân 91, những ngày qua, tâm lý của bệnh nhân vui buồn thường xuyên, có lúc khóc, các nhân viên y tế phải động viên, dỗ dành. BV Chợ Rẫy đã đề xuất cho bệnh nhân xuất khoa, ra khỏi khu vực hồi sức cấp cứu, chuyển phục hồi chức năng để tiếp tục hồi phục.
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn khẳng định bệnh nhân có đủ điều kiện ra khỏi Khoa Hồi sức tích cực, có thể hít thở khí trời, tình trạng cơ lực chân tay đã cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, để bảo đảm điều kiện an toàn tốt nhất cho người bệnh, Tiểu ban Điều trị đề nghị BV Chợ Rẫy tiếp tục sử dụng các biện pháp hồi sức để nâng cao hơn nữa thể trạng, luyện tập hít thở tốt hơn, bảo đảm dinh dưỡng và tăng cường điều trị vết loét tại Khoa Hồi sức tích cực.