Mặt bằng lãi suất cho vay sẽ ổn định

ngày 30/11/2015

“Ngân hàng Nhà nước chưa có kế hoạch giảm trần lãi suất cho vay mặc dù lạm phát tháng 11 tiếp tục ở mức thấp”, đây là khẳng định của Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước - bà Nguyễn Thị Hồng.

Mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm

Mặt bằng cho vay ngắn hạn hiện đã giảm về mức 7-9%/năm, song trung và dài hạn vẫntrên 10% và một số doanh nghiệp nhỏ vẫn phải vay với mức 11-12%/năm. Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận xét, dù mặt bằng lãi suất cho vay ngắn hạn đã giảm song nếu so với mức lạm phát chưa tới 2%, thì mức cho vay hiện tại từ 7- 10%/năm, thậm chí một số khoản vay doanh nghiệp phải gánh lãi suất 10 - 12%/năm, là quá cao. “Yếu tố lạm phát thấp của năm 2015 chủ yếu là do tác động của giá dầu thế giới, trong khi đây lại là vấn đề khó lường, không thể chủ quan” - bà Hồng nói.

Mặt bằng lãi suất cho vay sẽ ổn định - 1

Cụ thể, mặt bằng lãi suất cho vay phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 6-7%/năm đối với ngắn hạn, các ngân hàng thương mại Nhà nước tiếp tục áp dụng lãi suất cho vay trung và dài hạn phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 9-10%/năm. Lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường ở mức 6,8-9%/năm đối với ngắn hạn; 9,3-11%/năm đối với trung và dài hạn. Lãi suất cho vay bằng USD cũng ổn định, hiện phổ biến ở mức 3-6,7%/năm; trong đó lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến ở mức 3-5,5%/năm, lãi suất cho vay trung, dài hạn ở mức 5,5-6,7%/năm.

Bên cạnh đó, trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp đồng bộ các biện pháp và công cụ chính sách tiền tệ, sẵn sàng bán ngoại tệ can thiệp khi cần thiết nhằm đảm bảo cân đối cung cầu ngoại tệ, xóa bỏ các kỳ vọng sai lệch về tỷ giá để ổn định thị trường ngoại tệ và tỷ giá trong biên độ cho phép.

“Điều chỉnh gì cũng phải năm 2016”

Trước đó, TS.Trần Du Lịch đã kiến nghị Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất từ đầu năm 2016. Theo đó, với lạm phát 2% hiện nay, nên giảm lãi suất chovay trung dài hạn từ mức 9 - 10%/năm hiện nay xuống còn 7%/năm. Tuy vậy, TS.Trần Du Lịch cũng cho rằng, việc giảm lãi suất được hay không còn phụ thuộc rất nhiều vào sự cạnh tranh giữa ngân sách với thị trường.

Còn theo chuyên gia tài chính ngân hàng - ông Nguyễn Trí Hiếu, "khi lãi suất trái phiếu chính phủ còn cao (Chính phủ đi vay với lãi suất 6%/năm, cao hơn lãi suất huy động ngân hàng), thì rất khó giảm lãi suất cho vay trong năm nay, nên Ngân hàng Nhà nước có điều chỉnh gì về tỷ giá, lãi suất nhiều khả năng cũng phải năm 2016 mới thực hiện được”.

Cũng liên quan đến vấn đề lãi suất và tỷ giá, nhiều tổ chức kinh tế cũng dự báo, nhập siêu và lạm phát tăng vào cuối năm là những yếu tố sẽ tạo áp lực khiến lãi suất và tỷ giá sẽ được điều chỉnh nhưng nhiều khả năng sẽ “rơi” vào năm 2016.

Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) đưa ra dự báo, trong hai tháng cuối năm, nhập siêu có thể gia tăng do nhu cầu nhập khẩu hàng hóa tăng. Theo BVSC, mức thâm hụt cán cân thương mại trong cả năm nay có thể đạt mức 5-5,5 tỷ USD (hiện là 4,1 tỷ USD). Ngân hàngHSBC thì đánh giá, kinh tế Việt Nam đang tiếp tục tăng trưởng ổn định. Đến thời điểm này, lạm phát thấp và triển vọng thuận lợi của giá năng lượng toàn cầu sẽ cho phép Ngân hàng Nhà nước giữ lãi suấtổn định. Tuy nhiên, nếu tăng trưởng mạnh hơn, tiền lương tăng, sẽ thúc đẩy lạm phát cơ bản trong năm 2016. “Một khi áp lực giá cả tăng lên trong năm tới, chúng tôi cho rằng, Ngân hàng Nhà nước có thể tăng lãi suất thêm 0,5% trong quý III/2016, đưa mức lãi suất thị trường mở từ 5% như hiện nay lên 5,5%”, báo cáo của HSBC cho biết.

Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, thời gian qua có một vài ngân hàng điều chỉnh tăng, giảm nhẹ lãi suất huy động nhưng lãi suất cho vay bằng Việt Nam đồng (VNĐ) vẫn ổn định. Theo đó, mặt bằng lãi suất huy động bằng VNĐ phổ biến ở mức 0,8-1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 4,5-5,4%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5,4-6,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6,4-7,2%/năm. Đối với lãi suất huy động bằng USD tại các tổ chức tín dụng, hiện phổ biến ở mức 0,25%/năm đối với tiền gửi của cá nhân và 0%/năm đối với tiền gửi của tổ chức. Đáng chú ý, mặc dù có nhiều ý kiến lo ngại việc tăng lãi suất huy động sẽ làm tăng lãi suất cho vay, tuy nhiên, báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, lãi suất cho vay bằng VNĐ vẫn ổn định.

Nguồn 24h