Lớp học đặc biệt của bà giáo 82 tuổi

ngày 20/11/2014

Dù đã 82 tuổi nhưng bà giáo Hồ Hương Nam vẫn ngày ngày đến lớp dạy chữ cho những đứa trẻ có số phận kém may mắn.
 
Bà giáo Hồ Hương Nam (Hà Nội) không còn xa lạ với nhiều người khi năm 2014 bà được bầu chọn là “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2014 vì đã lập ra “Lớp học tình thương” cho những đứa trẻ có số phận kém may mắn.

Danh hiệu này đối với bà Nam không quá quan trọng bởi `Bà chỉ tâm niệm làm việc tốt thì cần âm thầm, lặng lẽ thì mới có ý nghĩa. Nếu làm bất kỳ việc gì mà cứ nghĩ đến thành tích thì sẽ không thực hiện được. Sự quan tâm của nhà nước dành cho bà và trẻ em khuyết tật khiến bà có thêm nghị lực để tiếp tục giảng dạy`.
Bà giáo Hương Nam tận tình giảng dạy trẻ em khuyết tật. (Ảnh: Q.T)
Bà giáo Hồ Hương Nam sinh ra và lớn lên tại thành phố Huế. Sau hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954, bà ra Hà Nội nhưng đến năm 1955 đi dạy học. Nhiều năm cống hiến cho giáo dục, bà có nhiều sáng kiến được tặng thưởng nhiều bằng khen, giấy khen.

Trong thời gian còn đang giảng dạy trong Trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám,(Hà Nội) bà Nam luôn mong muốn đưa chữ đến cho người khuyết tật.

Đến năm 1997 khi vừa nghỉ hưu, bà mở lớp học tình thương và đến từng nhà vận động phụ huynh đưa con đến lớp. Khó khăn đầu tiên là không có địa điểm mở lớp. Bà giáo phải mượn trụ sở tuần tra của cụm dân cư để mở lớp học. Sau đó trụ sở tuần tra dỡ bỏ để xây dựng nhà văn hóa, lớp học phải chuyển sang một phòng học của nhà trẻ. Khi có lớp học rồi, bà Nam phải đến từng nhà vận động phụ huynh gửi con, em mình vào lớp học tình thương.

Những sự cố xảy ra với lớp học nhiều như cơm bữa. Nhiều em học sinh đang học lăn ra ngủ hoặc chạy lung tung trong lớp, thậm chí có em còn đi vệ sinh ngay trong lớp...

Để dạy cho học sinh câm điếc, bà Nam đã phải lặn lội ra một trung tâm ở quận Thanh Xuân (Hà Nội) để học ngôn ngữ ký hiệu trong 15 ngày. Trong lớp học đó, bà Nam là học viên lớn tuổi nhất và cũng tốt nghiệp loại xuất sắc.
Lớp học tình thương của bà giáo Hồ Hương Nam.
Đến năm 2002, Hiệu trường trường THCS An Dương (Quận Tây Hồ, Hà Nội) đã đề nghị bà chuyển về trường và bố trí riêng một phòng học rộng làm chỗ dạy học. Khi vào trường An Dương, Ban giám hiệu nhà trường tạo điều kiện tốt cho lớp học, cơ sở vật chất đầy đủ, nhà trường tạo điều kiện quan tâm giúp đỡ.

Lúc đầu, không phải gia đình nào cũng tin tưởng đưa con tới lớp nhưng bà vẫn quyết tâm thực hiện. Ngày ngày, bà vẫn đến lớp đều đặn.

Các em học sinh học ngày càng tiến bộ, ngày càng nhiều học sinh khuyết tật được đến lớp học tình thương. Lớp học tình thương từ khi chỉ có 2 học sinh đã dần tăng lên 18 học sinh em.

Với tình thương và lòng yêu nghề của mình, sau gần 17 năm mở lớp tình thương, bà Hồ Hương Nam đã dạy cho 30 học sinh. Nhiều em sau khi trưởng thành đã có công việc ổn định như đi phụ việc ở bệnh viện, làm ở cửa hàng hoa, nhiều em từ chỗ không biết chữ đã biết đọc, biết viết, tìm được việc làm, lập gia đình.
Bà giáo già với 17 năm dạy học miễn phí cho trẻ khuyết tật
Bà Nam đã 82 tuổi, cái tuổi đáng lẽ ra được an nhàn với con cháu nhưng bà Nam chưa bao giờ muốn dừng đến lớp. Bà tâm sự thêm: `Tôi lo một ngày tôi không đủ sức để đứng lớp dạy chữ cho trò được nữa. Tôi chỉ mong khi đó các tổ chức, cá nhân mở lớp như thế này để trẻ em khuyết tật đỡ thiệt thòi hơn`.

Hiện nay, ngoài công việc dạy học, bà Hồ Hương Nam còn tham gia rất nhiều các hoạt động xã hội khác như chi hội trưởng người cao tuổi, chi hội trưởng Hội khuyến học, CTV dân số, gia đình và trẻ em, tình nguyện viên phòng chống ma túy...

Bà Hương Nam chỉ mong có sức khỏe để làm những công việc có ích cho cuộc sống. "Tuổi cao rồi, tôi không còn cống hiến được bao lâu nữa. Tôi chỉ mong sao toàn xã hội sẽ có sự quan tâm nhiều hơn nữa đối với những mảnh đời bất hạnh để các em đỡ thiệt thòi", bà chia sẻ thêm.

Theo VTC News

{fcomment}