Lo ngại trẻ dậy thì quá sớm

ngày 28/04/2022

Thông thường, bé gái dậy thì trước 8 tuổi, bé trai trước 9 tuổi được cho là dậy thì sớm nhưng hiện nay có những bé đang học mầm non cũng có dấu hiệu dậy thì

Phát hiện con gái 3 tuổi rưỡi ra huyết trắng, đau ngực, ngực nổi to kèm quầng thâm bất thường, chị V.H.Y (30 tuổi, ngụ tỉnh Bình Dương) liền đưa con đến Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP HCM) thăm khám. Chị Y. cho biết do con của một người anh cũng dậy thì sớm nên khi phát hiện dấu hiệu trên, chị nghĩ con mình cũng dậy thì sớm.

Dậy thì sớm ở trẻ mầm non

"Tại bệnh viện, con tôi được chỉ định siêu âm tử cung thì phát hiện trong độ tuổi dậy thì, thử hoóc-môn thì estrogen cao gấp đôi bình thường. Tuy nhiên, đến lần thứ 3 tái khám, phát hiện bé có nang trong tử cung, hoóc-môn estrogen giảm. Do đó, bé phải tiếp tục thực hiện thêm các xét nghiệm để loại trừ ung thư đồng thời có phương án điều trị phù hợp" - chị Y. chia sẻ.

Đây chỉ là một trong nhiều trường hợp trẻ dậy thì sớm ở độ tuổi mầm non được phát hiện và điều trị tại bệnh viện. TS-BS Huỳnh Thị Vũ Quỳnh, Trưởng Khoa Thận nội tiết Bệnh viện Nhi Đồng 2, cho biết tỉ lệ trẻ dậy thì sớm ngày càng tăng, phần lớn những trường hợp mắc bệnh đều không có nguyên nhân cụ thể.

Chị V.H.Y (30 tuổi, ngụ tỉnh Bình Dương) đang chăm sóc con gái (3 tuổi rưỡi) điều trị nội trú tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP HCM) vì dậy thì sớm

Theo TS Quỳnh, số trẻ dậy thì sớm đến bệnh viện thăm khám tăng gấp đôi, trong đó, đa số trẻ dậy thì sớm ở nhóm nhỏ hơn 8 tuổi. Cụ thể, trước đây, mỗi tháng chỉ khoảng 20-30 ca dậy thì sớm có chỉ định điều trị thì nay khoảng 50-60 ca, mỗi năm có khoảng 600-700 trẻ dậy thì sớm.

"Tỉ lệ dậy thì sớm ở bé gái cao gấp khoảng 10 lần bé trai. Thông thường, bé gái dậy thì trước 8 tuổi, bé trai trước 9 tuổi được cho là dậy thì sớm. Những biểu hiện dậy thì sớm của trẻ không quá khó để nhận biết. Đối với bé gái, dấu hiệu đầu tiên là ngực phát triển, sau đó xuất hiện lông mu, lông nách, huyết trắng, có kinh; còn với bé trai, tinh hoàn phát triển nhiều, dương vật lớn, vỡ giọng, mặt nổi mụn. Trong thời gian này, chiều cao của các bé phát triển nhanh" - TS Quỳnh nói.

TS Quỳnh lưu ý thêm với bé gái, dấu hiệu kinh nguyệt có trước 11 tuổi mới được xem là dậy thì sớm. Lý giải nguyên nhân dậy thì sớm ở trẻ, TS Quỳnh cho biết có 2 loại dậy thì sớm ở trẻ, gồm dậy thì sớm trung ương và dậy thì sớm ngoại biên. Với dậy thì sớm trung ương thường là vô căn, tức là không có nguyên nhân cụ thể. Bên cạnh đó, yếu tố nguy cơ của dậy thì sớm thường gặp ở những trường hợp vô căn như béo phì. Bởi mô mỡ tiết ra chất kích thích trục hạ đồ tuyến yên, tuyến sinh dục hoạt động sớm. Ngoài ra còn có nguyên nhân di truyền, tiếp xúc với những chất trong môi trường như PPA (chén, dĩa, bình sữa trong nhựa dẻo); mỹ phẩm, dầu gội đầu, sữa tắm, các sản phẩm sơn móng tay, móng chân mà bé vô tình tiếp xúc cũng gây dậy thì sớm.

Bác sĩ chuyên khoa I Cao Thị Lan Hương, Bệnh viện Trưng Vương (TP HCM), cho biết do nhiều tác động từ biến đổi môi trường, thói quen sinh hoạt, chăm sóc con cái... mà trẻ ngày nay có xu hướng dậy thì sớm hơn những thập niên về trước, điều này có thể gây tâm lý hoang mang, lo lắng đối với cha mẹ và ông bà - những thế hệ trước đây có độ tuổi dậy thì muộn hơn.

Điều trị sớm

TS Huỳnh Thị Vũ Quỳnh khuyên cha mẹ các bé khi phát hiện trẻ có những dấu hiệu dậy thì sớm thì cần đưa trẻ đến bệnh viện thăm khám để được thực hiện các xét nghiệm cần thiết và điều trị để không ảnh hưởng đến quá trình phát triển của trẻ.

Theo một số nghiên cứu, trẻ dậy thì sớm sẽ ảnh hưởng tâm lý tới giai đoạn sau này khi lớn lên. Bởi trẻ dậy thì sớm thường có tâm lý ngại ngùng, bất an vì những thay đổi của cơ thể. Do đó, cha mẹ, bác sĩ cần nâng đỡ tâm lý, giáo dục giới tính cho trẻ. Giải thích cho trẻ hiểu vì sao có sự thay đổi về cơ thể để trẻ không bị sốc. Ngoài ra, đối với một số trẻ mầm non, cần phải quan tâm, chăm sóc để tránh tình trạng trẻ bị lạm dụng tình dục.

TS Huỳnh Thị Vũ Quỳnh cho rằng trẻ cần được can thiệp, điều trị khi các triệu chứng dậy thì sớm phát triển nhanh. Trẻ ở trường hợp này sẽ được sử dụng chế phẩm ức chế dậy thì sớm. Đây là loại hoóc-môn được tiêm mỗi 3 tháng, 6 tháng; thậm chí, thời gian điều trị kéo dài đến 11-12 tuổi, khi ngưng điều trị thì sự phát triển dậy thì về lâm sàng và sinh học sẽ được lặp lại.

Tuy nhiên, cũng không được chủ quan bởi vẫn có khoảng 10%-20% trẻ dậy thì giả. Những trẻ này cũng có dấu hiệu dậy thì sớm nhưng rất có thể là mắc các bệnh lý về thận, não.

Còn bác sĩ Cao Thị Lan Hương nhấn mạnh rằng mục đích của điều trị dậy thì sớm là giúp trẻ cải thiện chiều cao, giảm nguy cơ quan hệ tình dục sớm và tránh bị lạm dụng tình dục. Đặc biệt, điều trị dậy thì sớm sẽ giúp kịp thời hỗ trợ tâm lý khi trẻ có những thay đổi về cơ thể.

Dù chưa có nghiên cứu xác định cụ thể về nguyên nhân gây ra tình trạng dậy thì sớm ở trẻ nhưng phụ huynh vẫn có một số biện pháp phòng ngừa như hạn chế cho trẻ ăn quá nhiều chất béo, thức ăn nhanh, đồ ăn đóng hộp, những loại thực phẩm chứa chất bảo quản, chất tạo màu vì những chất này dễ dẫn tới cốt hóa xương sớm, tăng tiết hoóc-môn giới tính.

"Cần xây dựng chế độ ăn khoa học, bảo đảm đầy đủ và hợp lý các chất dinh dưỡng; khuyến khích trẻ năng vận động để kích thích chiều cao phát triển tối đa" - bác sĩ Lan Hương lưu ý.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, tình trạng trẻ dậy thì sớm tăng gấp 35 lần so với 10 năm trước. Dậy thì sớm không chỉ ảnh hưởng đến thể chất mà trẻ còn chịu nhiều hệ lụy về cảm xúc, tâm lý và xã hội. Dậy thì sớm là căn bệnh tác động đến nội tiết ở trẻ em sau béo phì. Tỉ lệ mắc bệnh đang tăng qua từng năm.

Nguồn: https://nld.com.vn/suc-khoe/lo-ngai-tre-day-thi-qua-som-20220427200939823.htm