Lãi suất nóng từng ngày, Ngân hàng Nhà nước kiên định không nới room tín dụng

ngày 30/07/2022

Thanh khoản không còn dồi dào, lãi suất tăng từng ngày cộng thêm áp lực điều chỉnh lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) khiến NHNN càng chặt chẽ hơn trong điều hành room tín dụng.

Từ đầu năm tới nay, lãi suất của khối ngân hàng TMCP tư nhân đã tăng 0,5 - 1%/năm. Ảnh: Đức Thanh

Thêm sức nóng phả vào thị trường lãi suất

Không nằm ngoài dự đoán, Fed vừa tiếp tục phải tăng lãi suất để đối phó với lạm phát tăng cao kỷ lục ở nước này. Tính từ đầu năm tới nay, đã có trên 70 ngân hàng trung ương trên thế giới tăng lãi suất.

Tại Việt Nam, lãi suất điều hành vẫn được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giữ nguyên, song lãi suất trên thị trường đã tăng khá mạnh. Việc Fed liên tiếp tăng lãi suất tiếp tục gây áp lực cho lãi suất.

Từ đầu năm đến nay, lãi suất của khối ngân hàng TMCP tư nhân đã tăng 0,5-1%/năm. Ngay trước thềm phiên họp tăng lãi suất của Fed, sau 2 năm giữ nguyên lãi suất huy động, Vietcombank bắt đầu nâng nhẹ lãi suất huy động lên 0,1%/năm. Trước dó, Agribank và BIDV cũng có động thái tương tự.

Trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất cho vay qua đêm cũng tăng lên mức 4,29%/năm, gấp hơn 10 lần so với đầu tháng 6/2022. Trong khi đó, NHNN cũng chuyển từ trạng thái hút ròng cuối tháng 6 sang trạng thái bơm ròng. Trên kênh thị trường mở, chỉ trong hai phiên giao dịch đầu tuần này, NHNN đã bơm ra thị trường 25.000 tỷ đồng, lãi suất đấu thầu kỳ hạn 1 tuần phiên ngày 26/7 tăng lên 3,8% thay vì mức 2,5% phiên trước đó.

Mặc dù lãi suất trên thị trường có xu hướng tăng (cả huy động lẫn cho vay), song NHNN không có chủ trương tăng lãi suất điều hành, cố giữ mặt bằng lãi suất ổn định để hỗ trợ phục hồi tăng trưởng.

Ông Phạm Chí Quang, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) khẳng định, nửa đầu năm nay, trong bối cảnh nhiều ngân hàng trung ương chuyển sang thắt chặt chính sách tiền tệ và tăng nhanh lãi suất cùng với áp lực lạm phát trong nước gia tăng, NHNN đã nỗ lực điều hành đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ để giữ nguyên các mức lãi suất điều hành, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp, có điều kiện giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng phục hồi sản xuất - kinh doanh.

Trong 6 tháng cuối năm, Ngân hàng Nhà nước sẽ theo dõi lạm phát và lãi suất thị trường để linh hoạt và kịp thời điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến cân đối vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ. Đồng thời, NHNN khuyến khích các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động để ổn định, phấn đấu giảm lãi suất cho vay.

Mặc dù làn sóng tăng lãi suất trên thế giới không ngừng gia tăng, song giới chuyên gia cho rằng, NHNN chưa cần tăng lãi suất điều hành. TS. Cấn Văn Lực, Kinh tế trưởng BIDV cho rằng, Việt Nam không có yếu tố lạm phát chi phí đẩy (lạm phát do bơm tiền), nên NHNN có tăng lãi suất điều hành cũng không làm giảm lạm phát, lại còn đi ngược với chủ trương của Chính phủ về hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế.

“Tăng lãi suất hiện nay có thể làm kinh tế suy thoái, mà lại có thể không cứu được lạm phát, vì lạm phát hiện nay chủ yếu do chi phí đẩy, đứt gãy chuỗi cung ứng. Tăng lãi suất chưa chắc là thuốc đặc trị mà còn gây phản ứng phụ”, ông Lực nhấn mạnh.

Trong báo cáo mới đây của VinaCapital, ông Michael Kokalari, chuyên gia Kinh tế trưởng VinaCapital nhận định, khó có khả năng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tăng lãi suất chính sách trong năm nay do lạm phát ở Việt Nam vẫn còn khiêm tốn.

Thêm thận trọng trong điều hành tín dụng

Trong bối cảnh tín dụng phục hồi mạnh và lãi suất liên tục tăng, NHNN dường như càng có cớ để kiên định không nới room tăng trưởng tín dụng năm nay, bất chấp sức ép lớn từ các ngân hàng thương mại cũng như cộng đồng doanh nghiệp bất động sản.

Theo tính toán của SSI Research, tổng room tín dụng mà NHNN đã cấp cho các ngân hàng đầu năm nay khoảng 11,1%. Như vậy, room tín dụng vẫn còn dư địa 3% và có thể sẽ được NHNN sớm phân bổ cho một số ngân hàng ngay trong quý III/2022. Tổng định hướng tăng trưởng tín dụng 14% của cả năm sẽ không thay đổi.

Ông Phạm Chí Quang cho rằng, áp lực lạm phát trong nước đang tăng cao. Trong khi đó, chính sách tiền tệ vừa phải hỗ trợ phục hồi kinh tế, mặt khác phải kiểm soát lạm phát, đảm bảo an toàn hoạt động của tổ chức tín dụng và giữ ổn định mặt bằng lãi suất thị trường. Chưa kể, theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB), tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam thuộc hàng cao nhất thế giới. Chính vì vậy, Vụ Chính sách tiền tệ cho biết, NHNN chưa thay đổi định hướng tăng trưởng tín dụng 14%, đồng thời chỉ đạo tổ chức tín dụng hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

NHNN sẽ tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng kinh doanh bất động sản

Lãnh đạo NHNN từng nhiều lần khuyến nghị, doanh nghiệp bất động sản không nên dựa quá nhiều vào tín dụng ngân hàng, mà phải đa dạng hóa nguồn vốn. Theo ông Phạm Chí Quang, thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng chảy vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro trong đó có đầu tư, kinh doanh bất động sản; khuyến khích tổ chức tín dụng tập trung nguồn vốn tín dụng cho phân khúc nhà ở thương mại giá rẻ, nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân.

Nguồn: baodautu.vn