Kêu khó với nghị định xăng dầu mới

ngày 20/09/2014

Hóa đơn, chứng từ về mặt tài chính xuất ra rồi nhưng nếu giá tăng hoặc giảm đột ngột thì phải làm sao?

Tại hội nghị phổ biến Nghị định 83/2014 (thay thế Nghị định 84 về kinh doanh xăng, dầu) do Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (VINPA) tổ chức ngày 19-9, ông Phan Thế Ruệ, Chủ tịch Hiệp hội VINPA, nêu nhiều băn khoăn. “Tôi đồng tình về việc giữ quỹ bình ổn xăng dầu nhưng quỹ này phải trích quỹ như thế nào và quản lý như thế nào cho hiệu quả? Tôi thấy trong nghị định ghi rất chung chung là trích lập quỹ và xả quỹ thường xuyên, liên tục nhưng thế nào là thường xuyên, liên tục? Nếu cho xả thường xuyên và liên tục là chết rồi. Tôi nghĩ khi dùng từ này cơ quan soạn thảo chắc có phương án nhưng hiện tôi chưa biết phương án đó là gì. Và dù có phương án nào đi nữa thì vẫn phải rõ ràng, minh bạch” - ông Ruệ nói.

Ông Nguyễn Văn Tiu, Tổng đại lý Công ty Xăng dầu Tự Lực 1, cho rằng với nghị định này nếu không có thông tư hướng dẫn thì rất khó để thi hành. “Nếu là đại lý như chúng tôi thì chi phí sẽ rất mắc vì nguyên tắc đại lý chỉ được hưởng hoa hồng. Vậy liên quan đến hàng hóa xuất khỏi kho thì sẽ như thế nào? Hóa đơn, chứng từ về mặt tài chính xuất ra rồi nhưng nếu giá tăng hoặc giảm đột ngột thì phải làm sao? Từ trước đến nay chúng tôi đều mua đứt bán đoạn nên nếu Nghị định 83 không có hướng dẫn thì sẽ không khác gì Nghị định 84” - ông Tiu nêu ý kiến. Cũng theo ông Tiu, thời gian để nghị định mới có hiệu lực chỉ còn một tháng nữa, đây cũng là thử thách đối với thương nhân phân phối khi phải làm nhiều hồ sơ, thủ tục…

Kêu khó với nghị định xăng dầu mới - 1

Sắp tới đây, thị trường xăng dầu sẽ có nhiều giá và tạo được sự cạnh tranh. Ảnh: HTD

Không hài lòng với việc nghị định không đề cập đến các biện pháp chế tài những trường hợp vi phạm, ông Trần Minh Hà - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Dầu khí TP.HCM nêu ý kiến: “Nếu có quy định mà không có chế tài xử phạt thì không hợp lý. Như vậy, với các đơn vị vi phạm thì sẽ xử lý kiểu gì?”.

Một doanh nghiệp (DN) kinh doanh xăng dầu lo ngại việc nghị định mới quy định khá cứng nhắc về cơ sở hạ tầng, “Điều này sẽ khiến DN rơi vào thế bị động. Trong việc thuê hạ tầng, Nhà nước không nên bắt ép DN là phải thuê bao nhiêu năm. Tại sao chúng tôi lại không được thuê kho của đơn vị khác trong khi đó là phương án tối ưu với chúng tôi?” - vị này đặt câu hỏi.

Ghi nhận ý kiến của các đại biểu, Hiệp hội Xăng dầu cho biết sẽ tiếp thu và trình lên liên bộ Tài chính - Công Thương xem xét để việc triển khai thực hiện Nghị định 83/2014 được thuận lợi.

Giá dầu giảm, giá xăng giữ nguyên

Chiều 19-9, liên bộ Tài chính - Công Thương có công văn yêu cầu các DN dầu đầu mối điều chỉnh giảm giá bán lẻ một số mặt hàng dầu. Từ 15 giờ, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) chính thức giảm giá dầu. Theo đó, dầu diesel 0,05S giảm 270 đồng/lít xuống còn 21.500 đồng/lít; dầu hỏa giảm 250 đồng/lít xuống còn 21.670 đồng/lít; dầu madut 3,5S có mức điều chỉnh thấp nhất là 120 đồng về mức giá mới là 18.100 đồng/kg.

Đây là đợt giảm giá nhiên liệu thứ năm liên tiếp kể từ tháng 8. Trước đó, ngày 9-9 giá các loại xăng cũng đã được điều chỉnh giảm 30 đồng mỗi lít.

TRÀ PHƯƠNG

Có nhiều điểm cải tiến mới

Nghị định 83 đã có điểm tiến bộ khi đưa thị trường xăng dầu Việt Nam tiệm cận với khu vực và thế giới. Cụ thể là nghị định mới quy định DN được quyền tự quyết khi giá cơ sở tăng từ 1%-3%, nếu từ 3%-7% phải xin ý kiến liên bộ Tài chính - Công Thương, nếu cao hơn 7% phải xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ. Đây là một thay đổi lớn so với quyền tự quyết 7% của Nghị định 84 cũ. Như vậy mỗi lần tăng giá thì tối đa DN cũng chỉ được tăng 400-500 đồng/lít nên sẽ không gây sốc cho người dân và nền kinh tế.

Trong tương lai thị trường xăng dầu sẽ có nhiều giá và tạo được sự cạnh tranh rất tốt.Người tiêu dùng sẽ không phải lo có chuyện các DN kinh doanh xăng, dầu cùng bắt tay làm giá.

ÔngPHAN THẾ RUỆ,Chủ tịch Hiệp hội VINPA

{fcomment}