Sau khi tốt nghiệp Đại học Nông Lâm TP Hồ Chí Minh, anh Nguyễn Văn Đồng (Hà Tĩnh) đã về quê lập nghiệp. Trải qua nhiều công việc không thành công, anh quyết định xây nhà nuôi chim yến đem lại thu nhập khủng.
Kỹ sư trẻ từ bỏ phố thị về quê nuôi chim yến
Sinh ra tại Bình Dương nhưng sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Nông Lâm TP Hồ Chí Minh vào năm 2009, anh Nguyễn Văn Đồng (SN 1986) đã quyết định trở về quê ở thôn Thống Nhất, xã Nam Điền (huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) để lập nghiệp.
Chia sẻ với PV Infonet, anh Đồng kể: Ban đầu, anh về làm mô hình cao su cho Lâm trường Thạch Hà. Một thời gian sau thấy không phát triển được nên xin nghỉ ở nhà chăn nuôi vịt, rồi kinh doanh thêm mặt hàng hải sản như bán tôm cá, mắm, ruốc... Tuy nhiên, kinh tế cũng không khấm khá được.
Đến năm 2018, qua nghiên cứu tài liệu và tìm hiểu trên mạng Internet, thấy nghề nuôi chim yến đem lại hiệu quả kinh tế cao. Sản phẩm từ loài chim này giàu giá trị dinh dưỡng, được người tiêu dùng ưa chuộng. Bên cạnh đó, công sức bỏ ra không nhiều, trên địa bàn Hà Tĩnh số người nuôi còn rất ít.
Sau khi đi Thanh Hóa tìm hiểu mô hình nuôi chim yến của một người bạn học rất thành công, anh Đồng quyết định chuyển sang nghề nuôi loại chim trời này.
Từ ngôi nhà cũ, anh Đồng cải tạo lại rồi xây thêm một dãy liền kề làm nơi trú ngụ cho yến.
Đã nhiều lần kinh doanh thất bại, nguồn vốn gần như đã cạn kiệt, trong khi đó, chi phí ban đầu để nuôi chim yến lại rất lớn. Đang loay hoay tìm giải pháp thì anh Đồng được biết Trung tâm ứng dụng KHKT và bảo vệ cây trồng vật nuôi huyện Thạch Hà đang triển khai dự án ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình nuôi thử nghiệm chim yến.
May mắn là với mô hình này, người nuôi chỉ cần đối ứng ngôi nhà, còn lại toàn bộ vật tư như thiết bị máy móc, công nghệ dẫn dụ, nội thất cho chim trú ngụ, làm tổ, đến các khâu kỹ thuật... đều do Trung tâm chịu trách nhiệm.
Như bắt được vàng, anh Đồng đã vay mượn 400 triệu đồng rồi thuê một ngôi nhà cũ để cải tạo lại, đồng thời xây thêm một dãy liền kề theo cấu trúc của nhà nuôi chim để làm nhà cho yến ở. Với toàn bộ diện tích 300m2 này có thể làm chỗ cho khoảng 10.000 con chim yến sinh sống.
Tuy nhiên, nhà nuôi yến có đặc điểm không được quá sáng hoặc quá tối, nhiệt độ trong nhà phải duy trì từ 27 - 29 độ C, độ ẩm 80 - 90%; xung quanh nhà phải đặt ống thông gió, sát mái nóc của phòng lượn phải trừ ô cửa đủ rộng cho yến bay vào.
Anh Đồng cho biết, mới đầu chỉ có rải rác vài đôi tìm đến, nhưng càng ngày yến càng dẫn nhau về nhiều. Chiều chiều, ngắm nhìn đàn yến bay lượn trước khi vào tổ, lòng anh trào lên một niềm vui khó tả.
Đến năm 2019, thấy có nhiều thuận lợi, anh Đồng đã đầu tư phát triển thêm một nhà mới, diện tích khoảng 300m2, với chi phí gần 700 triệu đồng.
Nhà nuôi yến phải có cửa thông gió, sát mái của phòng lượn phải trừ ô cửa đủ rộng cho yến bay vào, đồng thời lắp đèn siêu sáng để xua đuổi chim cú và camera giám sát ngay tại cửa vào.
Thu nhập cao từ nuôi yến
Anh Đồng chia sẻ, “việc nuôi yến, về bản chất là mình đang góp phần bảo vệ và phát triển loài chim quý hiếm.
Mỗi một tổ yến mà chúng tôi thu hoạch, đồng nghĩa với việc có thêm một đôi chim yến ra đời rồi trưởng thành. Mỗi năm 2 căn nhà của tôi thu hoạch khoảng 3.500 tổ yến thì có 3.500 đôi chim mẹ và ít nhất cũng nở được 3.000 đôi chim non”.
Cũng theo anh Đồng, ở các tỉnh miền Nam có thời tiết ấm áp, chim yến thường sinh sản quanh năm, nhưng ở Hà Tĩnh, do mùa đông giá lạnh kéo dài nên mỗi năm chỉ thu hoạch được 2 vụ, vào tháng 5 và tháng 8.
Vì vậy, bình quân mỗi năm, 2 căn nhà của anh Đồng thu hoạch được khoảng 30 kg tổ yến, giá bán 1kg khoảng 25 triệu đồng, đem lại tổng doanh thu khoảng 750 triệu đồng. Sau gần 3 năm triển khai nuôi yến, anh Đồng đã chi trả được toàn bộ số tiền vay mượn đầu tư xây dựng khoảng trên 1,1 tỷ đồng.
Hệ thống loa máy để tạo âm thanh dẫn dụ yến về không thể thiếu trong mỗi ngôi nhà nuôi yến.
"Nuôi yến nhanh tăng đàn nhưng cũng gặp nhiều rủi ro như thời tiết quá lạnh sẽ làm yến bị chết; các loại chim ăn thịt như cú mèo, diều hâu, bồ cắt, rắn, tắc kè... luôn rình rập. Vì thế phải có hệ thống sưởi ấm, lắp đèn siêu sáng để xua đuổi chim cú và camera giám sát ngay tại cửa vào.
Để giữ yến trong nhà vào mùa Đông giá rét, chàng Kỹ sư nông nghiệp cho biết, năm ngoái đã từng triển khai kế hoạch tạo thức ăn cho yến từ loài ruồi lính đen nhưng chưa thành công.
Tuy nhiên, xét về góc độ kinh tế, nghề nuôi chim yến trong nhà vẫn đem lại hiệu quả cao hơn hẳn so với các ngành nghề chăn nuôi khác. Bởi đây là loài chim sống tự nhiên, không mất tiền giống, không tốn thức ăn, không cần nhiều công chăm sóc", anh Đồng cho hay.
“Trong tương lai không xa, nếu phát triển được nghề nuôi yến và biết quảng bá sản phẩm thì nghề nuôi yến ở Hà Tĩnh sẽ cho hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều ngành nghề khác”, anh Đồng nhận định.
Chia sẻ kinh nghiệm nhận diện sản phẩm tổ yến khi khai thác, anh Đồng cho biết: “Trong quá trình khai thác phải dùng chiếc gương chuyên ngành để rọi vào tổ. Nếu thấy tổ yến có màu trắng trong, sạch sẽ và trống không, tức là tổ mới làm, phải để lại cho yến đẻ trứng. Còn những tổ đã ngả màu trắng đục, có các mụn vỏ trứng lẫn tí phân màu đen sạm là chim đã ra ràng, lúc này mới thu hoạch”.
Một tổ yến đã đến kỳ thu hoạch.
Anh Đồng cũng tiết lộ, chờ cho dịch bệnh yên ổn, anh dự định sẽ ra nước ngoài đầu tư nuôi yến. Qua khảo sát thì thời tiết ở nhiều nơi ổn định hơn, hệ thông thức ăn tự nhiên rất phong phú, vật liệu xây dựng rẻ, gỗ làm nhà chim cũng sẵn, thu nhập sẽ cao hơn.
Nguồn: infonet.vietnamnet.vn
-
Sếp doanh nghiệp thuộc Bộ Tài chính cũng hết thời đi xe công
-
Vàng giảm giá do biến động trên thị trường chứng khoán Hoa Kỳ
-
Kỹ sư ô tô Hàn Quốc thi chế tạo xe concept độc lạ
-
Châu Âu đòi phạt Apple 19 tỉ USD, Mỹ lên tiếng bảo vệ
-
Đâu là địa chỉ mua đèn LED tuýp máng rời Vianco chất lượng?
-
Lợi, hại khi trở thành nhân viên trụ cột
-
Luật pháp về nhà đất sẽ có nhiều thay đổi quan trọng
-
Rò rỉ thông tin thời điểm, giá bán một số mẫu xe sang
-
Miss Grand International 2017: Ấn tượng Đất và người Quảng Bình
-
Vắc xin viêm phổi có phòng được virus corona?