Vì sao Trung Quốc quyết trừng phạt các ngân hàng?

ngày 28/06/2013

"Dạy một bài học".

 

Cứ nhìn vào số liệu cho vay và huy động của Ngân hàng Dân Sinh Trung Quốc (Minsheng Banking Corp.) là hiểu tại sao NHTW nước này lại mạnh tay đến vậy.

Khi NHTW từ chối bơm tiền mặt vào thị trường tiền tệ, lãi suất liên ngân hàng tăng vọt. Các NHTM vốn quen vay với lãi suất 3% đột ngột thấy mức lãi chào nay vọt lên 25%.

Động thái này của NHTW gửi một thông điệp rõ ràng mà đau đớn tới các ngân hàng đang quá phụ thuộc vào nguồn vốn ngắn hạn: rửa tay đi!

Trong vài năm vừa qua, NH Dân Sinh đã dùng một số phương thức cho vay nhằm tăng lợi nhuận, bao gồm tận dụng triệt để hợp đồng mua lại đảo ngược (reverse repo) nhằm che dấu số vốn đang cho vay.

NH này đã tăng gần gấp đôi huy động vốn bằng công cụ đầu tư lợi suất cao (còn gọi là "sản phẩm quản lý tài sản", WMP). Số WMP ngân hàng Dân Sinh đã bán trong năm 2012 tăng 43% lên hơn 1 nghìn tỷ Nhân dân tệ (162,73 triệu USD).

Cách vay mượn đáng lo ngại này của Dân Sinh chính là thứ nghiệp vụ NHTW Trung Quốc đang muốn nhổ bỏ.

"Kinh doanh theo kiểu vay mượn trên thị trường liên ngân hàng như mấy năm gần đây đã đến hồi kết, và mọi thứ bắt đầu đảo ngược," Citigroup viết trong một nghiên cứu về NH Dân Sinh hôm thứ Tư vừa qua.

Số liệu về cho vay của Dân Sinh cho thấy họ cần thu hồi tới 40% dư nợ cho vay để đáp ứng nhu cầu tiền mặt ngắn hạn, so với chỉ 0% ở các ngân hàng lớn nhất Trung Quốc.

Giới đầu tư lập tức trừng phạt Dân Sinh. Cổ phiếu niêm yết tại Thượng Hải của ngân hàng này đã rớt 16,7% từ giữa tuần trước, cuốn trôi 6 tỷ USD giá trị thị trường.

Một số nhà phân tích cho rằng bên bán đã hơi quá tay.

Ngân hàng đầu tư Jefferies (xếp hạng "mua" đối với cổ phiếu Dân Sinh) cho rằng ban quản trị ngân hàng có khả năng quản lý rủi ro. "Dân Sinh không dành cho những người yếu tim, nhưng lợi nhuận đủ bù đắp rủi ro," Jefferies viết trong một nghiên cứu.

Bản thân NH Dân Sinh tuyên bố lãi suất liên ngân hàng tăng vọt không ảnh hưởng tới hoạt động của họ và NH này tự tin có thể kiểm soát rủi ro tín dụng dù kinh tế có tăng trưởng chậm lại. Trong bản công bố thông tin gửi SGDCK Hong Kong, Dân Sinh tuyên bố sẽ tổ chức họp báo với nhà đầu tư về chất lượng tài sản của ngân hàng.

 

Bán khống

 

Các tay bán khống đang đặt cửa cổ phiếu Dân Sinh rơi tiếp. Tại ngày 25/6, 61,8% tổng số cổ phiếu Dân Sinh có thể đem cho vay trên SGDCK Hong Kong đã bị bán khống, so với tỷ lệ trung bình chỉ khoảng 15,3%.

Dân Sinh hiện là ngân hàng lớn thứ 9 Trung Quốc tính theo tổng tài sản. NH này niêm yết tại Hong Kong từ năm 2009 và là ngân hàng tư nhân duy nhất trong top 10 NHTM lớn nhất.

Vào lúc đó, Bắc Kinh đang ép ngân hàng bơm tiền cứu các doanh nghiệp đang vật lộn vì khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Kích thích tài khóa đẩy lạm phát dâng cao, khiến chính phủ lại chuyển sang thắt chặt cung tiền từ đầu năm 2010. Kết quả là ngân hàng bắt đầu tìm kiếm các cơ chế cho vay mới và khách hàng tìm kiểm các sản phẩm cho lợi suất cao hơn so với trần lãi suất 3% theo quy định.

Với giá trị thị trường khoảng 36 tỷ USD, Dân Sinh được xếp vào loại trung. Ngân hàng này chỉ là một trong hàng ngàn tổ chức tín dụng vừa và nhỏ đang tìm cách cấp tín dụng cho các công ty Trung Quốc.

Để làm được điều đó, ngân hàng có thể huy động từ nhiều nguồn: tiền gửi khách hàng; vay các ngân hàng khác; phát hành trái phiếu và phát hành cổ phiếu.

Tới cuối năm 2012, nguồn vốn liên ngân hàng kỳ hạn dưới 1 năm của Dân Sinh chiếm 29% tổng nợ, tỷ lệ cao nhất rong số các ngân hàng Trung Quốc.

Nói cách khác, gần 1/3 tiền của Dân Sinh tới từ cho vay ngắn hạn các ngân hàng khác, vừa rủi ro, vừa đắt đỏ.

 

Reverse repo

 

Dân Sinh còn đáng lo vì ngân hàng sử dụng cách cho vay với tên gọi hợp đồng mua lại đảo ngược (reverse repo).

Khi ngân hàng cho doanh nghiệp vay, doanh nghiệp sẽ phát hành một hối phiếu chiết khấu làm tài sản bảo đảm cho một ngân hàng thứ ba giữ vai trò bảo đảm thanh toán.

Vì rủi ro của ngân hàng cho vay là với ngân hàng bảo đảm kia chứ không phải người vay, nên khoản tín dụng này có thể xếp vào loại "giao dịch liên ngân hàng" có hệ số rủi ro chỉ 20-25% so với 100% nếu cho vay theo cách thông thường.

Làm hệ số rủi ro nhỏ lại rất quan trọng vì chỉ những khoản vay có hệ số rủi ro 100% mới được cộng vào để tính tỷ lệ cho vay trên huy động. Ngân hàng bị giới hạn tỷ lệ này ở mức 75%.

Do đó, reverse repo cho phép ngân hàng dấu bớt rủi ro, khiến tỷ lệ cho vay trên huy động thực tế vượt xa mức trần.

Theo Barclays, năm 2012 Dân Sinh đã tăng sử dụng công cụ này tới 376% và hiện chiếm 23% tổng tài sản ngân hàng, cao thứ hai trong số các ngân hàng Trung Quốc được nghiên cứu.

"Từ năm 2010, chúng tôi nhận thấy cho vay liên ngân hàng đã tăng mạnh, trong đó một phần là repo, và đà tăng này tăng rủi ro dây chuyền từ các ngân hàng nhỏ," ông Qiang Liao từ tổ chức xếp hạng tín nhiệm Standard & Poor's cho biết.

 

Trần Trung

Theo Trí Thức Trẻ/The Economist