Kinh tế Việt Nam năm 2014 qua 10 sự kiện nổi bật

ngày 01/01/2015

Toàn cảnh bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2014 sẽ được thể hiện qua 10 sự kiện kinh tế nổi bật sau.
 
1.Lạm phát thấp kỷ lục trong vòng 10 năm
 
Mức tăng 4,09% của chỉ số tiêu dùng bình quân cả năm 2014 được xem là con số lạm phát thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Nhiều ý kiến lo ngại rằng đây chính là kết quả của việc giảm tổng cầu của nền kinh tế xã hội và thậm chí có thể dẫn tới hiện tượng giảm phát.
 
Tuy nhiên nhiều chuyên gia về kinh tế lại đánh giá đây là một con số đáng mừng bởi nó thể hiện sự thành công của Việt Nam trong việc kiểm soát lạm phát với những chính sách quản lý về tài khóa, tiền tệ và thắt chặt chi tiêu trong thời gian vừa qua.
 
Mặt khác, chỉ số CPI bình quân mỗi tháng của năm 2014 vẫn tăng đều 0,15% vàtốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam vẫn đạt mức 5,9% - cao hơn so với chỉ tiêu Quốc hội đã đề ra (5,8%).
 
2.Nợ công sát ngưỡng an toàn

Năm 2014, nợ công dự tính có thể ở mức 60,3% GDP, tăng hơn 6% so với nợ công của năm 2013 là 54,2% GDP.Trong khi đó chiến lược quản lý nợ công đến năm 2020 của Chính phủ đưa ra ngưỡng an toàn là 65% GDP thì nhiều dự báo cuối năm 2015 nợ công đã lên ở mức 64% GDP.
 
Vì vậy các chuyên gia kinh tế cho rằng, Nhà nước đã tiêu hết dư địa về nợ công cho 6 năm tới và trong tương lai nếu Chính phủ không có những giải pháp để tiến hành cải cách sao cho phù hợp, hiệu quả và kịp thời thì việc Việt Nam vỡ nợ là hoàn toàn có thể xảy ra.
 
3.Thu hút vốn đầu tư nước ngoài tăng hơn kế hoạch

Tính chung cả các dự án cấp mới và tăng vốn trong 12 tháng năm 2014, các nhà đầu tư nước ngoài đã đăng ký đầu tư vào Việt Nam trong năm 2014 là 20,23 tỷ USD, tăng 19% so với kế hoạch là 17 tỷ USD.
 
Tính đến ngày 15/12/2014, ước tính các dự án FDI đã giải ngân được 12,35 tỷ USD, tăng 7,4 % so với cùng kỳ năm 2013 và tăng 2,9% so với kế hoạch năm 2014. Ba lĩnh vực gồm: công nghiệp chế biến, chế tạo; kinh doanh bất động sản; xây dựng thu hút được nhiều vốn đầu tư nước ngoài nhất.
 
Bên cạnh đó Việt Nam cũng đang tiếp nhận thêm những làn sóng gia tăng đầu tư của hàng loạt tập đoàn công nghệ và sự đổ bộ của các “đại gia” bán lẻ. Các chuyên gia cho rằng Việt Nam đang đón nhận làn sóng đầu tư lớn thứ 3, sau hai thời kỳ đỉnh cao là 1991-1997 và 2005-2008.
 
4.Xuất siêu liên tiếp 3 năm vượt ngưỡng 150 tỷ USD

 
Bộ Công thương ước tính, tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu cả nước năm 2014 đạt 150 tỷ USD; tăng 13,6% so với năm 2013, xuất siêu đạt 2 tỷ USD. Các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực vẫn thuộc về khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài như điện thoại các loại và linh kiện điện tử; hàng dệt, may; giày dép và các loại máy móc, thiết bị phụ tùng. Đáng chú ý là xuất khẩu khu vực doanh nghiệp trong nước đang có nhiều bước chuyển tích cực.
 
Tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt trên 148 tỷ USD, tăng 12,1% so với năm trước. Trong đó nhóm hàng cần cho sản xuất, tiêu dùng trong nước cũng như các mặt hàng nhập khẩu phục vụ gia công, xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI tiếp tục tăng trưởng khá, chiếm tỷ trọng 88,3% tổng kim ngạch nhập khẩu.
 
Nhóm hàng cần kiểm soát nhập khẩu vẫn đang được kiểm soát tốt. Tuy nhiên, một số mặt hàng thuộc nhóm hàng hạn chế nhập khẩu như điện thoại di động, ô tô nguyên chiếc dưới 9 chỗ vẫn tăng mạnh.

5.Tồn kho bất động sản giảm

Năm 2014, thị trường bất động sản tiếp tục trên đà phục hồi với số lượng giao dịch gia tăng. Phân khúc thị trường căn hộ quy mô vừa và nhỏ (dưới 70m2) giá bán khoảng trên dưới 1 tỷ đồng/căn vẫn là phân khúc thị trường chủ đạo.
 
Tình hình tồn đọng, nợ xấu trong bất động sản được tháo gỡ dần. Các chủ đầu tư đã tập trung cung ứng sản phẩm phù hợp với nhu cầu, khả năng tài chính của người tiêu dùng và đưa ra nhiều gói khuyến mại hấp dẫn hơn. Theo thống kê, lượng bất động sản tồn thời gian qua đã giảm 14,7% so với năm 2013.
 
Ở gói hỗ trợ thị trường bất động sản trị giá 30.000 tỷ đồng được Chính phủ đưa ra từ 2013, đến hết năm 2014 với nhiều thủ tục nới lỏng thêm đã có thêm khách hàng vay được tiền từ gói hỗ trợ này nhưng chưa thực sự giải ngân mạnh.
 
Bên cạnh đó Quốc hội cũng đã thông qua điều luật Việt Kiều và người nước ngoài được mua nhà tại Việt Nam, từ đó giúp ngành bất động sản có thêm nhiều nguồn khách hàng dồi dào và tiềm năng trong thời gian tới.
 
6.Mặt bằng lãi suất giảm mạnh, tỷ giá ổn định
Ảnh minh họa
Năm 2014 Ngân hàng Nhà nước đã có những thành công đáng kể trong công tác điều tiết tiền tệ để kiểm soát lạm phát, ổn định nền kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng ở mức hợp lý.
 
Lãi suất huy động và cho vay đều giảm từ 1,5 - 2%/năm so với cuối năm 2013. Theo đó, lãi suất huy động còn 4 - 5,5%/năm, lãi suất cho vay từ 7 - 10%/năm - là mức thấp nhất trong khoảng 10 năm trở lại đây.
 
Trong năm 2014, Ngân hàng Nhà nước đã hạ trần lãi suất tiền gửi và các lãi suất chủ chốt, giúp cho các doanh nghiệp và người dân dễ dàng hơn trong việc tiếp cận với vốn vay để phục hồi việc kinh doanh, sản xuất.
 
Tỷ giá và thị trường ngoại hối về cơ bản ổn định, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp đều được đáp ứng đầy đủ, kịp thời. Bên cạnh đó thị trường vàng không có nhiều biến động, Ngân hàng Nhà nước không phải tổ chức đấu thầu bán vàng miếng hay phải sử dụng ngoại tệ của quỹ bình ổn tỷ giá và giá vàng để nhập khẩu vàng trên thị trường quốc tế.
 
7.Giá xăng giảm mạnh

Giá dầu thế giới liên tiếp giảm, trong đó tháng 12 giảm xuống mức thấp kỷ lục trong vòng 5 năm qua là 60 USD/thùng và tác động mạnh mẽ lên giá xăng dầu trong nước. Chỉ tính riêng trong nửa cuối năm 2014, giá xăng đã được điều chỉnh giảm liên tục 12 lần và tổng cộng mức giảm là hơn 7.000 đồng/lít. Đến nay, giá xăng là 17.880 đồng/lít và là mức thấp trong vòng 3 năm qua.
 
Giá xăng giảm là thông tin tốt, sẽ giúp các doanh nghiệp giảm bớt chi phí đầu vào. Tuy nhiên, điều lo lắng là giá dầu thế giới giảm mạnh sẽ khiến Việt Nam hụt thu ngân sách từ xuất dầu thô. Theo tính toán, khi giá dầu ở dưới mốc 100 USD/thùng, cứ mỗi thùng dầu giảm 1 USD, ngân sách sẽ thất thu khoảng 1.000 tỷ đồng.
 
Bên cạnh đó các loại giá khác như giá cước vận tải, giá thị trường tiêu dùng vẫn chưa có dấu hiệu giảm theo giá xăng, giá điện cũng đang “nhấp nhổm” sẽ tăng trong thời gian tới mặc dù giá dầu vẫn đang có chiều hướng tiếp tục giảm.
 
8.Thị trường chứng khoán có kết quả khả quan
 
Dựa trên Báo cáo tổng kết năm 2014 của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, các chuyên gia kinh tế vẫn đánh giá thị trường chứng khoán Việt nam năm 2014 có kết quả khả quan hơn so với năm trước.
 
Báo cáo tổng kết năm 2014 của Ủy ban cho biết, chỉ số VN-Index tăng 9%, chỉ số HNX-Index tăng 24% so với cuối năm 2013. Mức vốn hóa trong năm đạt 1,128 triệu tỉ đồng (tăng 179 nghìn tỉ đồng so với cuối năm 2013), tương đương 31,5% GDP.
 
Thanh khoản thị trường có sự cải thiện rõ rệt.Quy mô giao dịch bình quân mỗi phiên đạt 5.500 tỉ đồng, tăng gấp đôi so với năm 2013 còn tổng giá trị niêm yết tăng 19%.
 
Số công ty niêm yết hoạt động có lãi tăng 5% so với cùng kỳ năm 2013; tổng lợi nhuận sau thuế của toàn bộ công ty niêm yết trong 9 tháng đầu năm 2014 tăng 6,1%. Tài khoản nhà đầu tư đạt khoảng 1,37 triệu, tăng 6% so với cuối năm 2013.
 
9.Phát hành thành công 1 tỷ USD trái phiếu Chính phủ

Đầu tháng 11, Bộ Tài chính vừa phát hành thành công 1 tỉ USD trái phiếu Chính phủ ra thị trường quốc tế nhằm tái cơ cấu các khoản vay nước ngoài lãi suất cao. Nhờ điều kiện thị trường diễn biến thuận lợi, lô trái phiếu có mức lãi suất cố định 4,8% một năm, thấp hơn mức dự kiến là 5,125%, và là mức suất thấp nhất từ trước đến nay.
 
Đợt đấu thầu thứ 228 tại Sở GDCK Hà Nội ngày 30/12 đã kết thúc 1 năm huy động vốn thành công trên thị trường trái phiếu với tổng cộng 241.000 tỷ đồng và vượt chỉ tiêu của Kho bạc Nhà nước đề ra là gần 3%.
 
Mặt bằng lãi suất trúng thầu năm nay tại các kỳ hạn đều thấp hơn năm ngoái trên dưới 2%. Bên cạnh đó kỳ hạn huy động cũng thay đổi khi năm 2013 kỳ hạn là 2 năm thì đã chuyển thành 3,5 hay 15 năm vào năm 2014.
 
10.Hoàn tất đàm phán hai hiệp định thương mại tự do

Năm 2014, Việt Nam đã kết thúc đàm phán hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương với Hàn Quốc và FTA với Liên minh Hải quan Nga - Belarus - Kazakhstan, đồng thời đạt được thỏa thuận về định hướng kết thúc đàm phán FTA với Liên minh châu Âu (EU).
 
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng tham gia đàm phán ba FTA khu vực, gồm Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP); hiệp định thương mại tự do Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP); và FTA với Hiệp hội Thương mại Tự do châu Âu (EFTA).

Theo VTC News