Kinh doanh tang lễ thay đổi nhờ công nghệ

ngày 06/08/2014

Video di chúc được tạo ra nhờ ứng dụng trên điện thoại, chi phí tang lễ được trả bằng Bitcoin và bạn chỉ tốn 1.000 USD để đưa tro cốt người quá cố lên vũ trụ.

Theo hãng nghiên cứu Ibis World, ngành công nghiệp tang lễ tại Anh hiện có 1.500 doanh nghiệp với hơn 20.000 lao động. Mỗi năm, ngành này thu về hơn 3,3 tỷ USD. Con số này được dự đoán tăng 4,7% cuối năm nay, khi cuộc chiến giành đất chôn đang dần đẩy chi phí tang lễ lên cao. Các hãng công nghệ vì thế cũng không bỏ qua cơ hội thâm nhập thị trường lớn đầy lợi nhuận này.

1. Làm video di chúc

your-last-will-3378-1407233826.jpg

Your Last Will là một ứng dụng trên iPhone cho phép người dùng tạo di chúc dưới dạng video. Họ có thể tạo và tải lên các đoạn video cá nhân, tự xuất mã vạch QR để quét bằng điện thoại, sau đó đưa mã này cho một người đáng tin.

Khi bạn qua đời, người này sẽ đăng nhập vào ứng dụng qua mã QR, nhận email chứa đường dẫn đến đoạn video di chúc. Đường dẫn này sẽ được tự động gửi đến những người nhận trong danh sách người dùng đã chọn.

Hãng sản xuất thừa nhận tại một số quốc gia, di chúc video không thể thay di chúc văn bản. Tuy nhiên, với một khoản phí đi kèm, Your Last Will sẽ giúp bạn nộp video lên cơ quan chức năng để xem xét tính pháp lý.

Wolfgang Gabler - CEO Your Last Will cho biết trên BBC: "Sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp nữa hoạt động trong mảng này. Mục tiêu của chúng tôi là giúp mọi người giải quyết những vấn đề quan trọng một cách dễ dàng và thoải mái".

2. Mai táng trên vũ trụ

celetis-9590-1407233826.jpg

Một số công ty có dịch vụ rất sáng tạo. Celestis (Mỹ) sử dụng tên lửa để đưa tro cốt của người chết lên vũ trụ. Năm 1997, chuyến bay mai táng đầu tiên đã đưa người tạo ra loạt phim Star Trek - Gene Roddenberry và nhà tâm lý học Timothy Leary lên vũ trụ.

Kể từ đó, công ty này đã bổ sung thêm rất nhiều dịch vụ. Một chuyến đi vòng quanh quỹ đạo Trái Đất có giá gần 5.000 USD, nhưng nếu đi quanh quỹ đạo mặt trăng, giá này là 12.500 USD.

Năm 2016, họ dự định ra mắt dịch vụ Voyager, đưa người chết đến nơi chưa ai từng tới trước đó. Sử dụng công nghệ cánh buồm mặt trời để nạp năng lượng cho chuyến bay, con tàu có thể di chuyển vĩnh viễn trong vũ trụ.

Người thân có thể theo dấu vị trí người đã khuất theo thời gian thực trên website của Celestis. Bổ sung tiểu sử của người đã khuất và lấy DVD quá trình phóng lên không trung cũng sẽ được cung cấp trong gói dịch vụ.

"Chúng tôi không cho rằng dịch vụ của mình quá đắt đỏ. Giá thấp nhất chỉ là 1.000 USD, trong khi giá trung bình cho một tang lễ tại Mỹ là 8.000 USD", Charles Chafer - CEO Celestis cho biết trên BBC.

3. Trả tiền tang lễ bằng bitcoin

Kadhim Shubber - biên tập viên tại website tin tức Bitcoin - CoinDesk cho biết anh không ngạc nhiên khi biết người ta trả tiền tang lễ bằng Bitcoin. Tiền ảo này đã được sử dụng rộng rãi trong ngành y tế tại nhiều nơi, trong đó có London. "Nói chung thì tôi thấy những người đã thích Bitcoin rồi sẽ sẵn sàng trả bằng Bitcoin bất kỳ lúc nào có thể", anh nói.

4. Dịch vụ tang lễ trên Internet

Ngành công nghiệp tang lễ truyền thống đang ngày càng công nghệ hóa, Hiệp hội Giám đốc các Công ty Tang lễ quốc gia Anh (NAFD) cho biết. "Các công ty tang lễ đang ngày càng dùng nhiều ứng dụng để phục vụ cho công việc. Chúng tôi cũng hợp tác với một công ty chuyên cung cấp ứng dụng cho các thành viên", người phát ngôn của NAFD cho biết.

Tổ chức này có dịch vụ Forever Online, cho phép người thân và bạn bè thông báo với mọi người về người quá cố trên Internet. Hãng Cemneo còn cho ra phần mềm tra cứu về các công ty tang lễ, nghĩa trang và đài hỏa táng.

Dù vậy, NAFD cho biết phần lớn các tang lễ vẫn được lên kế hoạch trong các cuộc gặp mặt trực tiếp giữa gia đình và công ty. Nói cách khác, tang lễ bây giờ vẫn rất truyền thống.

Tuy nhiên, có lẽ sẽ không lâu nữa, con người sẽ đặt dịch vụ qua smartphone, xem video di chúc trên máy tính bảng, đưa tro cốt người quá cố lên vũ trụ và quan sát họ đi quanh Trái Đất bằng smart TV thay vì tới nghĩa trang.

Hà Thu

{fcomment}