Đàn lợn nái thoát dịch cho lãi 'khủng'

ngày 12/10/2020

Thụ tinh đúng lúc giúp lợn đẻ nhiều con.

Vừa gặp tôi, anh Phạm Văn Tiệp ở thôn Viên Quang, xã Quang Hưng, Phù Cừ (Hưng Yên) đã hào hứng khoe ngay: May quá, đàn lợn nái nhà em thoát dịch, nên từ đầu năm đến nay, “lãi mẹ đẻ lãi con” được gần 3 tỷ đồng, đủ trả lỗ chăn nuôi lợn thịt 3 năm rồi. Nếu không có gì thay đổi, từ nay đến tết Nguyên đán, em sẽ có hơn 1 tỷ đồng “bỏ ống”. Chăn nuôi gần 20 năm, chưa bao giờ được phấn khích và hồi hộp như mấy tháng qua”.

Đang vui thì đứt dây đàn, còn đang hoan hỉ với những “trái ngọt” vừa hái được, thì đột nhiên Tiệp chùng xuống – ký ức xưa hiện về! Trong câu chuyện lúc trầm lúc bổng, Tiệp kể: "Em chăn lợn từ năm 2001, theo phương châm lấy ngắn nuôi dài, lấy công làm lãi. Mới đầu chỉ thả 30-40 con trong chuồng hở, cho ăn bán công nghiệp (mua dinh dưỡng đậm đặc từ nhà máy, phối trộn với cám ngô, cám gạo).

Nguồn lãi thu được sau mỗi lứa xuất chuồng, đều dành cho tái sản xuất mở rộng. Chi tiêu sinh hoạt rất chi là dè xẻn, mọi sở thích, thú vui đều gác lại.

Tiết kiệm là vậy, mà cũng phải mất 12 năm, em mới có được hệ thống chuồng trại khép kín, nuôi thường xuyên 2.000 con lợn thịt và 200 đầu lợn nái, cho lãi ổn định trên, dưới 2 tỷ đồng mỗi năm. Em nghĩ, cứ đà này chẳng mấy lúc đời được lên “tiên”.

Nào ngờ! Chỉ 2 lần: bão giá và dịch tả lợn Châu Phi, lợi nhuận bấy lâu tích cóp được, lại rời nhà “đội nón” ra đi bằng sạch. Toàn bộ đàn lợn thịt 2.000 con, một số phải mang đi chôn lấp, còn lại bán chạy được hết nhưng giá thì rẻ như cho.

Xót vì đàn “máy cái”, mua vào đã 14-15 triệu đồng 1 con mẹ, 40-50 triệu đồng 1 con bố, chưa kể công nuôi dưỡng mấy năm, em đã quyết định để lại, được ăn cả, ngã về không, nhất là bét! Rồi trời cũng không phụ lòng người kiên nghị, đàn heo nái 200 con của em vẫn an toàn tới nay.

Nhờ vậy, ngay khi dịch tả lợn Châu Phi tạm thời lắng dịu (tháng 11/2019), em liều mạng cho phối giống trở lại, lợn con sinh ra, một phần (khoảng 500 con) để nuôi làm lợn thịt, phần còn lại bán ra thị trường làm con giống thương phẩm.

Theo đó, từ đầu đến năm nay, quân bình mỗi tháng, em xuất chuồng được trên 10 tấn thịt lợn hơi, 100 con giống thương phẩm".

Khu nuôi đàn lợn giống bố mẹ.

Khi được hỏi, sao không tái đàn hết công suất chuồng trại, để được lãi nhiều hơn, Tiệp bộc bạch cho hay: Còn đang nghe xem, giá lợn có xuống dưới giá 60.000 đồng/kg? Dịch tả lợn Châu Phi có tái phát không. Bởi hiện giờ con giống đang rất đắt. Nếu mở rộng chăn nuôi, bất ngờ giá lợn giảm sâu hoặc dính tả Châu Phi thì lại công toi.

Nói về bí quyết nuôi lợn đạt lãi cao, Tiệp cho hay: Phải tuân thủ nghiêm ngặt qui trình chăn nuôi an toàn sinh học và phải có đàn bố, mẹ cho chủ động nguồn giống chất lượng tốt, giá thành hạ.

Để có nguồn giống chất lượng tốt, nên mua con bố mẹ, ông bà từ các cơ sở sản xuất có uy tín như Trại Bành Tỷ (Bến Tre) hoặc CP Việt Nam.

Để hạ giá thành con giống, phải thụ tinh sao cho bình quân mỗi nái mẹ đẻ được từ 12-15 con/lứa trở lên, đây được coi là khâu kỹ thuật quan trọng nhất, quyết định sự thành bại của trang trại. Muốn lợn đẻ nhiều con như đã nêu, cần theo dõi con nái trước và sau cai sữa 5 ngày.

Đàn lợn nuôi thương phẩm.

Theo đó, trong 5 ngày trước cai sữa, phát hiện thấy lợn ì, thì 12 tiếng sau cho phối giống; trong 5 ngày sau cai sữa, thấy lợn ì lúc nào, phối ngay lúc đó. Kiểm tra lợn nái ì bằng cách, đặt tay nên lưng nái, thấy đuôi cong lên, toàn thân đứng yên, không nhúc nhích. Chú ý, lợn con sau sinh phải bấm răng, cắt đuôi và bổ sung vi lượng sắt (Fe), để chúng không cắn vú lợn mẹ, giảm tiêu hao năng lượng và tăng hồng cầu, mã đẹp.

Thật lòng với tôi, Tiệp cho biết: "Chăn nuôi lợn qui mô từ 2.000 con trở lên, lợi nhuận mỗi năm được 1-2 tỷ đồng là bình thường. Bởi đầu tư cho một trang trại chăn nuôi lớn như vậy, ai cũng phải vay nợ tới chục tỷ đồng. Ngoài ra, chưa kể rủi ro dịch bệnh và giá cả thị trường lên, xuống bất thường, nuôi lợn mấy năm vừa qua là một ví dụ".

Hiện tại, để có thể bảo đảm an toàn cho đàn lợn, Tiệp vẫn duy trì cấm trại 100%; chỉ những người có nhiệm vụ mới được ra vào trang trại; mua cám công nghiệp từ các doanh nghiệp có cam kết bảo đảm chất lượng; thực hiện vệ sinh tiêu độc chuồng trại 2 lần/ngày (sáng và tối)…


Nguồn: Báo Nông Nghiệp