Kiến nghị tăng thuế thuốc lá cao hơn đề xuất

ngày 26/09/2014

Đa số các đại biểu đều đồng tình với việc tăng thuế suất đối với các mặt hàng bia, rượu, thuốc lá.

Sáng 25/9, Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật thuế tiêu thụ đặc biệt với nhiều nội dung quan trọng.

Báo cáo trước Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết chính sách điều tiết của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt hiện hành mức điều tiết đối với 13 nhóm trong tổng số 16 nhóm hàng hóa, dịch vụ chịu thuế tiếp tục phù hợp với sự phát triển của kinh tế, xã hội trong những năm tới.

"Đối với 03 nhóm hàng hóa là thuốc lá, bia và rượu, cần điều chỉnh tăng thuế suất để nâng cao tác dụng hạn chế tiêu dùng", ông Dũng nói.
Khách hàng lựa chọn các nhãn hàng bia nhập khẩu được bán trong siêu thị (Ảnh:ThanhĐạm/Tuổi trẻ)
Ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội cho biết đa số ý kiến nhất trí với quy định của Dự thảo luật về mức tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá.

Tuy nhiên, đề nghị điều chỉnh lộ trình tăng thuế suất như sau: tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt từ 65% lên 70% từ ngày 01/01/2016 đến 31/12/2017 (thay vì 31/12/2018) và tăng từ 70% lên 75% áp dụng từ ngày 01/01/2018 (thay vì 01/01/2019).

Ông Hiển cũng cho biết thêm, hiện nay tình trạng buôn lậu thuốc lá đang ngày càng ra tăng, công tác phòng chống chưa hiệu quả ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh trong nước.

“Để tránh gây tác động lớn đến hoạt động sản xuất, thì lộ trình và mức tăng thuế như đề xuất trên là hợp lý”, vị Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội nói.

Bên cạnh đó, một số đại biểu đề nghị cần nâng thuế suất ở mức cao hơn nhằm thực hiện tốt hơn chiến lược phòng chống tác hại của thuốc lá đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Tờ trình của Chính phủ và báo cáo của các Tổ chức y tế thế giới (WHO), các cơ quan của Bộ Y tế cho thấy, thuốc lá là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh về ung thư, tim mạch, phổi, khí quản, vòm họng,... tạo gánh nặng về chi phí khám chữa bệnh cho hệ thống chăm sóc sức khỏe của người dân và xã hội.

Bên cạnh đó, vấn đề này cũng như ảnh hưởng đến năng suất lao động của xã hội.
Ông Phùng Quốc Hiển cho rằng lộ trình và mức tăng thuế như đề xuất của Bộ Tài chính là hợp lý
Việt Nam đang là một trong những nước có số người sử dụng thuốc lá thuộc hàng cao nhất thế giới (tỷ lệ người hút thuốc lá ở độ tuổi từ 15 tuổi trở lên là 47,4% đối với nam giới).

Hiện nay, Việt Nam đã ký kết tham gia Công ước Khung về Kiểm soát Thuốc lá (FCTC) từ ngày 17/3/2005; đã ban hành Luật phòng chống tác hại của thuốc lá và Chiến lược Phòng, chống tác hại thuốc lá đến năm 2020, theo đó mục tiêu giảm tỷ lệ người hút thuốc lá đối với nam giới từ 47,4% xuống 39% vào năm 2020.

Mặt khác, giá bán lẻ và thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá ở nước ta đang ở mức thấp so với các nước trong khu vực và trên thế giới.

“Do đó, cần thiết phải điều chỉnh tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá ở mức cao hơn (85% và lộ trình trong 2 năm). Việc tăng thuế suất trên sẽ không tác động xấu đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, góp phần tăng thu ngân sách nhà nước đáng kể và giảm tỷ lệ số người hút thuốc lá”, ông Hiển nêu quan điểm.

Đối với mặt hàng bia, Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách cũng đồng tình với quy định của Dự thảo luật tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt có lộ trình 3 năm.

Ông Hiển cũng đề nghị thời điểm thi hành từ ngày 01/01/2016 thay cho thời điểm 01/7/2015 như đề xuất của Chính phủ.

Theo đó: từ ngày 01/01/2016 tăng từ 50% lên 55%; từ ngày 01/01/2017 tăng lên 60%; từ ngày 01/01/2018 tăng lên 65%, nhằm giảm việc lạm dụng bia gây tác hại đến sức khỏe người dân và trật tự an toàn xã hội.

Đồng thời, việc này giúp các doanh nghiệp sản xuất trong nước có thời gian để ổn định sản xuất, điều chỉnh chiến lược kinh doanh một cách hợp lý.

Đối với rượu, Thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách đồng tình với quy định của Dự thảo luật tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với: Rượu từ 20 độ trở lên tăng thuế suất từ 50% lên 65% (áp dụng thuế suất như rượu từ 40 độ trở lên đã thực hiện trước ngày 01/01/2010); đối với rượu dưới 20 độ áp dụng thuế suất 35% (tăng 10%).

Một số đại biểu đề nghị Chính phủ nghiên cứu, điều chỉnh về nồng độ cồn của rượu dưới 20 độ xuống dưới 14 độ, vì hiện nay nồng độ cồn của bia thấp nhưng lại phải chịu thuế suất cao hơn rất nhiều so với rượu dưới 20 độ, trong khi nhiều dòng rượu dưới 20 độ lại có nồng độ tương đương với bia. Theo đó, điều chỉnh hai dòng rượu là: rượu từ 14 độ trở lên và rượu dưới 14 độ.

Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách đề nghị Chính phủ cần tổng kết, đánh giá tính khả thi trong thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu nấu trong dân cư.

Đồng thời, tăng cường các biện pháp chống buôn lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng đối với mặt hàng rượu.

Về thuế suất đối với thuốc lá, bia, rượu, Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội có công văn gửi Ủy ban Tài chính Ngân sách đề nghị: Rượu từ 20 độ trở lên: tăng từ 50% lên 70%; rượu dưới 20 độ: tăng từ 25% lên 40%; bia: tăng từ 50% lên 70%; thuốc lá: đến năm 2015 tăng từ 65% lên 75% và đến năm 2018 tăng lên 90%.

Đồng tình với những nội dung báo cáo thẩm tra đã chỉ ra, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng lộ trình đưa ra đối với việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với các mặt hàng thuốc lá, bia, rượu là hợp lý để đảm bảo ổn định sản xuất trong nước.

Nguồn: VTC News

{fcomment}