Trong khi Việt Nam đang tìm cách kéo du khách quốc tế trở lại sau một thời gian dài sụt giảm nghiêm trọng thì du khách Việt lại nườm nượp kéo nhau du lịch nước ngoài.
Thống kê của Tổng cục Du lịch Hàn Quốc 11 tháng năm 2015, có hơn 151.100 lượt du khách Việt sang nước này và dự kiến cả năm sẽ tăng lên 170.000 lượt. Nhật Bản trong 3 năm gần đây, tốc độ tăng trưởng lượt khách Việt Nam cũng luôn ở mức bình quân 50%/năm.
“O bế” khách Việt
Theo phân tích của ông Phan Xuân Anh, cố vấn Công ty Du lịch Tân Hồng (chuyên đưa khách tàu biển đến Việt Nam), tâm lý khách Việt rất thích đi du lịch nước ngoài, việc tổ chức tour quốc tế cũng dễ hơn là đưa khách nước ngoài đến Việt Nam nên trong số hàng trăm hãng lữ hành ở TP HCM phần lớn bán tour outbound (nước ngoài). Số lượng doanh nghiệp lữ hành inbound (đưa du khách quốc tế đến Việt Nam) lại chỉ vài chục, chủ yếu là doanh nghiệp ngoại, các hãng lữ hành nội chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Thái Lan thu hút hàng trăm ngàn du khách Việt mỗi năm
“Muốn bán tour cho khách quốc tế đến Việt Nam cần tiềm lực tài chính mạnh, đủ tầm và đủ tâm huyết làm vì rất khó khăn, cạnh tranh rất gay gắt và tiền ký quỹ cũng rất lớn. Ngược lại, đội ngũ tiếp thị bán tour cho khách Việt đi nước ngoài lại áp dụng đủ hình thức khuyến mãi, cho trả chậm, trả góp với giá rẻ, vé máy bay ra nước ngoài cũng ngày một rẻ... Ngay chính sách của chúng ta cũng đang “động viên” người Việt xuất ngoại du lịch” - ông Xuân Anh dẫn chứng.
Trong khi đó, các nước cũng không ngừng “o bế” khách Việt khi nhận thấy thị trường rất tiềm năng này. Chẳng hạn, Malaysia, Singapore, Thái Lan… đưa hướng dẫn viên của họ sang Việt Nam học tiếng Việt nhằm để lại ấn tượng tốt cho du khách Việt hoặc có chính sách mua sắm, đồ ăn chuyên để phục vụ người Việt.
Đại diện một công ty lữ hành chuyên khách inbound kể một người bạn của ông làm du lịch ở Campuchia nói mỗi ngày nước này đón cả ngàn du khách Việt theo tour nên trong thực đơn của họ, 100 món thì hết 90 món là ẩm thực Việt. “Họ còn cho người sang nước mình học cách chiên chả giò, làm bánh... nên du khách cảm thấy rất thoải mái, không còn khó khăn về ăn uống khi đi du lịch nước ngoài” - vị đại diện này dẫn chứng.
Hay như ở Singapore, chỉ cần qua khám bệnh là có người tư vấn bằng tiếng Việt, họ còn tổ chức đội ngũ chuyên phục vụ các nhóm khách hàng riêng. Malaysia, Thái Lan chuyên về nông nghiệp thì tổ chức tour cho du khách tham quan cách trồng cây, thăm vùng nông nghiệp công nghệ cao, đặc biệt là lượng khách Việt đến từ khu vực đồng bằng sông Cửu Long sang học hỏi kinh nghiệm.
Tiêu biểu hơn như Hàn Quốc, do biết người Việt thích xem phim Hàn nên trong tour nào cũng quảng bá nơi diễn ra bộ phim, đánh đúng vào tâm lý và mở tour đến những địa danh đó.
Nhìn chung, ngành du lịch các nước đang chẻ nhỏ thị trường du khách Việt theo nhiều đối tượng chuyên ngành khác nhau, mục đích duy nhất là thu hút lượng khách càng nhiều càng tốt.
Lấy lòng các hãng lữ hành Việt Nam
Nhiều công ty du lịch cho biết thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản đang nổi lên là điểm đến hấp dẫn du khách hàng đầu trong khu vực với giá tour ngày càng rẻ, nhiều tour giảm chỉ còn một nửa so với năm ngoái. Theo đại diện Công ty Dịch vụ lữ hành Saigontourist, mức tăng trưởng bình quân của tour outbound trong năm nay khoảng 15% nhưng riêng thị trường Nhật, Hàn Quốc con số này khoảng 30%.
Tại Công ty Du lịch Vietravel, lượng khách đi du lịch nước ngoài năm nay ở một số thị trường có sự tăng đột biến như Nhật, Hàn Quốc, Thái Lan, Mỹ, Canada, Úc, Dubai. Riêng thị trường Hàn Quốc, Nhật, mức tăng trưởng bình quân 25%-30% mỗi năm. Theo tìm hiểu, ngành du lịch Hàn Quốc, Nhật có rất nhiều hoạt động xúc tiến, quảng bá để “lấy lòng” các hãng lữ hành Việt Nam. Như việc ghi nhận và vinh danh các công ty có đưa khách đến, chia sẻ chi phí quảng bá tour Nhật, Hàn cho khách lẻ, khách đoàn. Tổng cục Du lịch những nước này thường xuyên có những buổi gặp gỡ, tiếp xúc tìm kiếm cơ hội hợp tác giữa lữ hành Việt với đại diện các thành phố, hãng hàng không, đơn vị du lịch của nước họ.
Ý KIẾN TS Nguyễn Đức Chí, Viện trưởng Viện du lịch, trường ĐH Kinh tế TP HCM: 1 miếng bánh đãi nhiều khách Cách quảng bá của Việt Nam hiện nay giống như “nhà có một cái bánh đãi khách mà già, trẻ gì cũng được mời ăn”. Một clip quảng bá du lịch 2-3 năm mới thay đổi một lần nhưng cũng chỉ những hình ảnh lặp lại, giống nhau cho từng thị trường du khách, trong khi mỗi nước có văn hóa khác nhau và họ cần cách tiếp thị, xúc tiến khác nhau. Trong khi đó, chỉ riêng nhà nước, cụ thể ở đây là Tổng cục Du lịch, cũng không thể làm hết việc quảng bá hình ảnh du lịch mà cần sự chung tay của các doanh nghiệp, hiệp hội. Ở các nước, vai trò của hiệp hội du lịch cũng rất quan trọng khi họ trực tiếp làm công tác quảng bá, xúc tiến hình ảnh du lịch. Ông Lã Quốc Khánh, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP HCM: Phải thay đổi cách xúc tiến Cách làm của ngành du lịch một số nước rất chuyên nghiệp và cầu thị. Một lần, Tổng cục Du lịch Hàn Quốc tại Việt Nam (KTO) mời tôi đến dự sự kiện và nhờ đánh giá cách làm của họ, đồng thời góp ý xem cần điều chỉnh thêm gì cho phù hợp. Họ xin góp ý trực tiếp, rất cầu thị. Chính sự góp ý của người khác mới thúc đẩy phát triển, còn nếu lúc nào cũng hài lòng với chính mình, bao nhiêu năm cũng vẫn thế thì rất khó phát triển. Xúc tiến ở Nhật phải khác ở Anh, mỗi thị trường cảm xúc của du khách khác nhau nhưng Việt Nam lại đang quảng bá kiểu na ná nhau từ Đông Bắc, Bắc Á, châu Âu. Với cách làm này, ngành du lịch trong nước vẫn èo uột mãi. Cần phải soi rọi chính mình, phải đánh giá lại hiệu quả của mình để điều chỉnh chứ không phải năm trước làm sao năm sau lại làm y như vậy được! Ông Tomaso Andreatta, Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham): Chính sách trọng điểm: Miễn visa Ngành du lịch và lữ hành chiếm tỉ trọng lớn trong cơ cấu việc làm, đóng góp không nhỏ vào tăng trưởng GDP của Việt Nam. Tổng giá trị đóng góp của ngành du lịch vào tăng trưởng GDP (bao gồm tác động từ đầu tư, chuỗi cung ứng và tác động hiệu ứng của thu nhập) trong năm 2013 là 9,6% và năm 2014 là 9,3%. Đóng góp trực tiếp của ngành du lịch và lữ hành vào GDP dự kiến sẽ tăng 6,6%/năm nhưng đáng tiếc là ngành này thường bị xem nhẹ. Để thu hút khách quốc tế đến Việt Nam, chính sách visa (thị thực) hấp dẫn nên được đưa thành chính sách trọng điểm của Chính phủ bởi chính sách này có tác động rất lớn đến lượng khách quốc tế. Thực tế, Việt Nam đang có chính sách visa nghiêm ngặt đòi hỏi du khách đến từ các quốc gia phải xin thị thực trước khi đi du lịch hoặc xin cấp thị thực tại cửa khẩu hoặc lúc nhập cảnh với chi phí tương đối cao. Điều này đang cản trở những du khách tự do có khả năng tiêu dùng cao hơn đến với Việt Nam. Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch nên mở rộng danh mục các quốc gia được miễn thị thực, kéo dài thời hạn và cho phép nhập cảnh trở lại trong thời hạn 30 ngày nếu du khách xuất trình thông tin chuyến bay rời Việt Nam trong thời gian này. Những biện pháp này sẽ tăng khả năng cạnh tranh của Việt Nam, thu hút đầu tư trực tiếp và lượng khách du lịch quốc tế. L.Anh ghi |
Nguồn 24h
-
Phòng marketing thuê ngoài cho nhà hàng: Cơ hội vàng để bứt phá và tăng tốc sau mùa dịch
-
8 điều cần biết về vi rút chết người Ebola
-
6 tháng, doanh nghiệp chi trả cho các sản phẩm bảo hiểm ước đạt trên 10.300 tỷ đồng
-
Chủ tịch HĐQT Intracom Nguyễn Thanh Việt: 'Chữ Tâm trong kinh doanh là gốc rễ của thành công'
-
Tuyển sinh ĐH 2019 nhóm ngành sức khỏe: Mù mờ điều kiện tuyển sinh
-
Apple nhận trợ lực từ Tổng thống Trump trong cuộc đua với Samsung
-
Số thuế khủng của 'người giàu nhất hành tinh'
-
Giá vàng hôm nay 17/7: Đột ngột giảm sốc phiên cuối tuần
-
Thiếu gia ba mươi nắm vận mệnh “tập đoàn gia đình”
-
Cần lưu ý gì khi xây dựng content cho doanh nghiệp B2B?