Hậu trường “thót tim” ứng cứu máy bay VN162 xịt lốp

ngày 11/01/2016

Ngay khi nhận được thông tin máy bay VN162 bị xịt lốp, toàn bộ hệ thống khẩn nguy đã được kích hoạt.

Hậu trường “thót tim” ứng cứu máy bay VN162 xịt lốp - 1

Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng trực tiếp quan sát quá trình phối hợp khắc phục sự cố tại Trung tâm Kiểm soát không lưu Hà Nội (lực lượng chính hỗ trợ tàu bay hạ cánh an toàn) - Ảnh: Nhật Anh

Với sự chỉ đạo kịp thời, quyết định chính xác của lãnh đạo Bộ GTVT, toàn bộ hệ thống khẩn nguy được kích hoạt, các phương án phối hợp nhuần nhuyễn, bài bản… là tổng hòa các giải pháp được sử dụng để hỗ trợ máy bay VN162 bị xịt lốp ngày 8/1 hạ cánh an toàn.

Kích hoạt tức thì toàn bộ hệ thống khẩn nguy

9h ngày 8/1, khoảng 30 phút sau khi cất cánh từ Đà Nẵng, tổ lái chuyến bay VN162 đi Hà Nội và hệ thống theo dõi khai thác tại trung tâm điều hành phát hiện hiện tượng mất chỉ thị áp suất ở lốp số 1 của càng chính bên trái. Cơ trưởng chuyến bay Manue Camacho Bonilla (quốc tịch Ecuado) sau đó cho biết trên khoang lái, khi phát hiện tình huống, chỉ sau một thoáng lo lắng, ông và cơ phó người Việt Nam là Cao Ngọc Bách ngay lập tức gửi thông báo về sự cố kỹ thuật cho Đài Kiểm soát không lưu Nội Bài, đồng thời yêu cầu hỗ trợ khẩn nguy.

Phía bên dưới, toàn bộ hệ thống khẩn nguy của hàng không cũng nhanh chóng được kích hoạt mà trước tiên là hệ thống khẩn nguy của cơ quan quản lý, điều hành bay bởi đây là đầu mối nhận thông tin đầu tiên.

“Cả hai hệ thống khẩn nguy của Quản lý bay tại Trung tâm Kiểm soát đường dài Hà Nội (ACC Hà Nội) và Đài Kiểm soát không lưu tại Sân bay quốc tế Nội Bài lập tức được triển khai”, Cục trưởng Cục Hàng không VN Lại Xuân Thanh nói và cho biết thêm, lãnh đạo Cục Hàng không VN, Chủ tịch, Tổng giám đốc Tổng công ty Quản lý bay VN, lãnh đạo Vietnam Airlines cũng như các chuyên gia kỹ thuật đã có mặt tại ACC Hà Nội để tham vấn, tư vấn và đưa ra những quyết định chính xác.

Thông tin cũng được báo cáo khẩn cấp lên Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng. Người đứng đầu ngành GTVT đã hủy ngay một cuộc họp quan trọng để tới hiện trường, trực tiếp chỉ đạo triển khai phương án ứng phó, đảm bảo an toàn cao nhất.

Tại Sân bay quốc tế Nội Bài, ngoài lực lượng của hàng không, còn có lực lượng khẩn nguy của Trung đoàn 921 thuộc Sư đoàn 371 và lực lượng khẩn nguy của TP Hà Nội cũng có mặt để sẵn sàng ứng cứu. Hệ thống cứu hỏa và cứu thương cũng sẵn sàng làm nhiệm vụ, đảm bảo khi tình huống xấu nhất xảy ra, thiệt hại về người và phương tiện sẽ được giảm thiểu.

Phía quản lý bay cũng cho biết, vào thời điểm máy bay gặp tình huống bất thường, có 10 chiếc máy bay khác đang cùng bay trên trời. Lực lượng kiểm soát viên không lưu đã linh hoạt điều hành các máy bay này vào khu bay chờ để ưu tiên tuyệt đối cho chuyến bay VN162.

Hậu trường “thót tim” ứng cứu máy bay VN162 xịt lốp - 2

Vết rách trên lốp tàu bay gặp sự cố vừa hạ cánh an toàn - Ảnh: Nhật Anh

Nhận định đúng tình huống, ra quyết định chính xác

Thực tế, dù phương án khẩn nguy cao đã được kích hoạt, các lực lượng đều sẵn sàng nhưng sau các nỗ lực nhận định, phán đoán tình hình và quan sát thực tế, lực lượng chức năng cùng tổ bay đã thống nhất quyết định để máy bay hạ cánh bình thường.

Nói thì đơn giản nhưng để ra được quyết định này đòi hỏi kinh nghiệm phán đoán, kiến thức sâu cũng như sự phối hợp nhịp nhàng giữa các bên liên quan trong việc triển khai ứng phó theo phương án đã được chuẩn bị kỹ càng từ trước. Phải nhắc lại rằng, thời điểm ban đầu, tổ lái nhận định có thể phải trải bọt để hạ cánh bằng bụng. Tuy nhiên, sau khi phân tích, đánh giá tình huống, trao đổi với hãng hàng không, tổ bay, đoàn bay và các bên đã thống nhất nếu còn một lốp, vẫn có thể hạ cánh.

“Tình trạng lốp còn lại như thế nào rất quan trọng. Như A330, một bộ càng có 4 lốp, hay Boeing 777 có 6 lốp trong một bộ càng, có mất một lốp cũng không vấn đề gì. Nhưng A321 chỉ có 2 lốp, nên việc nhận định tình huống, đưa ra phương án và ứng xử như thế nào là cực kỳ quan trọng”, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam Đinh Việt Thắng phân tích và cho biết thêm, để có thể ra quyết định chính xác nhất, máy bay phải bay thông trường, bay với độ cao thấp và hạ toàn bộ càng để lực lượng bên dưới quan sát tình trạng lốp.

“Anh em dùng ống nhòm quan sát. Sau khi xác định rõ càng còn nguyên, chỉ có một lốp bị xịt, không phải vỡ, nổ nên quyết định hạ cánh bình thường, không cần trải bọt”, ông Thanh bổ sung và nhấn mạnh, trong tình huống này, nếu mình trải bọt, thậm chí có thể nguy hiểm hơn do đường băng trơn trượt và máy bay sẽ lao ra ngoài đường băng, cực kỳ nguy hiểm.

10h24, chuyến bay VN162 sau khi bay vòng tại Hà Nam để xả bớt dầu, giảm trọng lượng máy bay, đảm bảo có thể đáp xuống đất với trạng thái nhẹ nhất đã hạ cánh an toàn tại Sân bay quốc tế Nội Bài trong niềm vui vỡ òa của hàng trăm người chứng kiến tại sân bay lúc đó. Thậm chí, tàu bay đã lăn vào đúng vị trí đỗ chứ không choán ngay đầu đường băng cản trở những tàu bay khác.

Hậu trường “thót tim” ứng cứu máy bay VN162 xịt lốp - 3

Cơ trưởng Manue Camacho Bonilla

Cơ trưởng: Manue Camacho Bonilla, quốc tịch Ecuado có tổng số 9.422 giờ bay, trong đó có 6.029 giờ bay trên loại tàu bay A321.

Lái phụ: Cao Ngọc Bách, quốc tịch Việt Nam có tổng số 3.292 giờ bay, trong đó có 3.020 giờ bay trên loại tàu bay A321.

Tàu bay gặp sự cố là A321 - VNA601 sản xuất và đưa vào sử dụng tại Việt Nam năm 2013. Lần bảo dưỡng gần nhất ngày 19/10/2015.

“Việc nhận định đúng tình huống, đưa ra quyết định chính xác, sự chuyên nghiệp của kiểm soát viên không lưu và tổ bay là tổng hòa các nguyên nhân khiến chuyến bay gặp sự cố của Vietnam Airlines hạ cánh an toàn chỉ sau thời gian dự kiến hạ cánh hơn 20 phút”, Cục trưởng Cục Hàng không VN cho biết.

Được biết trước đó, cơ quan quản lý, điều hành bay cũng đã tính tới phương án phải trải bọt để máy bay hạ cánh bằng bụng. Nếu thực hiện theo phương án này sẽ gây thiệt hại hàng tỷ đồng và một đường băng sau đó sẽ phải tạm thời đóng cửa để rửa bọt, chống trơn trượt...

Khách chỉ được biết về sự cố khi hạ cánh

Trả lời câu hỏi của PV về tâm lý của hành khách trên chuyến bay như thế nào, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Hàng không VN (Vietnam Airlines) Phan Xuân Đức cho biết, theo quy định không nhất thiết trong trường hợp nào cũng phải thông báo cho hành khách.

“Có thông tin cần tham khảo hành khách, có thông tin thì không nên. Nếu cháy nổ, có thể thông tin để khách biết và lường trước tình huống đối phó. Tuy nhiên, trong trường hợp này tổ lái không nhất thiết phải thông báo bởi nếu hành khách biết có thể hoảng loạn, gây khó khăn cho hoạt động của tổ lái. Do đó, hành khách chỉ được biết thông tin khi máy bay chuẩn bị hạ cánh”, ông Đức phân tích.

Nguồn 24h