Bà Nguyễn Thu Thủy, Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (ĐH), Bộ GD&ĐT cho biết quá trình lọc ảo sẽ được thực hiện từ ngày 2 – 4/10, chậm nhất tối 5/10, tất cả các trường sẽ công bố điểm chuẩn trúng tuyển với phương thức sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT.
Phần mềm lọc ảo sẽ hoạt động theo cơ chế như năm 2019, tuy nhiên, Bộ GD&ĐT đã rà soát và bổ sung thêm một số chức năng hỗ trợ các trường trong phần mềm tuyển sinh, như việc giúp các trường quy đổi điểm thi với những thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ thay thế.
Thí sinh trúng tuyển và xác nhận nhập học theo phương thức khác đã được nhập vào hệ thống thông qua giấy chứng nhận tốt nghiệp THPT sẽ không được đưa vào nhóm xét tuyển bằng điểm thi, từ đó giảm tối đa thí sinh ảo ngay trước khi lọc ảo.
Sau mỗi lần lọc ảo, các trường tải dữ liệu về, hội đồng tuyển sinh của các trường căn cứ vào dữ liệu thí sinh đăng ký xét tuyển vào trường, rồi đưa ra mức điểm dự kiến trúng tuyển.
Theo bà Thủy, các trường tự quyết định mức điểm chuẩn trúng tuyển sau khi đã trừ hao tỷ lệ ảo và sẽ phải chịu trách nhiệm giải trình trong quá trình thực thi. Khi các trường đưa danh sách dự kiến trúng tuyển lên, hệ thống sẽ lọc ảo.
Sau 6 lần lọc ảo, các trường có kết quả cuối cùng. Chậm nhất tối 5/10, các trường sẽ công bố điểm chuẩn và danh sách thí sinh trúng tuyển. Sau đó, thí sinh xác nhận nhập học, làm thủ tục nhập học.
Chạy song song với phần mềm lọc ảo của Bộ GD&ĐT, nhóm các trường phía Bắc và nhóm các trường phía Nam cũng tiến hành lọc ảo. PGS.TS Trần Trung Kiên, Trưởng phòng Tuyển sinh, trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, năm nay, nhóm trường phía Bắc có sự tham gia của 52 trường ĐH. Nhóm sẽ lọc ảo 12 lần, quy trình và số lần lọc cũng giống như năm 2019 để các trường trong nhóm xác định được chính xác hơn điểm chuẩn.