Ông Nguyễn Đắc Lộc - Chi cục phó Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội - nhận định, hành vi gian lận của nhân viên cửa hàng xăng như Dân trí điều tra, phản ánh là hành vi gian lận mới, mang
tính chủ quan và chỉ là cá biệt.
Để làm rõ hơn vấn đề kiểm tra, giám sát và xử lý các cây xăng vi phạm, PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đắc Lộc - Chi cục phó Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội.
Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về hành vi gian lận của nhân viên tại cửa hàng xăng dầu số 342 đường Phạm Văn Đồng và cây xăng trên đường Nghiêm Xuân Yêm như thông tin Dân trí vừa phản ánh?
Chúng tôi rất hoan nghênh báo Dân trí đã cung cấp thêm cho cơ quan quản lý và người tiêu dùng những hành vi gian lận mới.
Sau sự cố cây xăng số 2 Trần Hưng Đạo, ngoài chỉ thị của Bộ, thành phố thì lực lượng chức năng cụ thể là lực lượng quản lý thị trường đã rất chủ động trong việc kiểm tra, kiểm soát tất cả cửa hàng xăng dầu có dấu hiệu vi phạm. Ngoài ra Hà Nội còn làm thêm một bước nữa là tổng rà soát quy hoạch tất cả các cây xăng, dầu. Việc triển khai này rất đồng bộ và hiệu quả.
Vì vậy, thời gian qua cơ quan quản lý không phát hiện thêm cây xăng nào có hình thức gian lận bằng thủ đoạn gắn chip để ăn bớt lượng trên cột đồng hồ qua vòi bơm. Thay vào đó là hành vi gian lận mang tính chủ quan của nhân viên như Dân trí điều tra, phát hiện. Đây là một hành vi gian lận mới.
Trong việc để xảy ra tình trạng gian lận này, trách nhiệm doanh nghiệp là rất lớn. Nguyên nhân của hành vi này có thể do công ty trả lương quá thấp, quản lý nhân viên quá lỏng lẻo và công tác giáo dục chưa được tốt. Thậm chí, có cửa hàng còn khoán hẳn cho nhân viên thì rõ ràng người ta sẽ tìm mọi cách để gian lận, ăn bớt xăng dầu.
Tôi khẳng định những trường hợp vi phạm gian lận như Dân trí phản ánh chỉ là cá biệt, còn về cơ bản, hệ thống xăng dầu của chúng ta rất tốt. Chúng tôi vừa đi rà soát lại 500 cửa hàng xăng, dầu nhưng không phát hiện ra vấn đề gì về vi phạm hành chính nào cả. Nếu doanh nghiệp nào quản lý tốt, thực hiện đúng văn minh doanh nghiệp thì chắc chắn không xảy ra tình trạng gian lận như báo chí vừa phản ánh.
Vậy phải lý giải sao đây thưa ông, khi từ nhiều năm nay, dư luận Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung đã lên tiếng về tình trạng bán lẻ xăng dầu có dấu hiệu gian lận. Thậm chí, tại Hà Nội nhiều người dân còn chuyền tay nhau danh sách đen hàng chục cửa hàng xăng hoặc là bị nghi ngờ hoặc từng bị chính người dân bắt quả tang có hành vi “ăn cắp”?
Với những thủ đoạn như báo chí vừa phản ánh, chúng tôi phải mời cơ quan công an điều tra, vấn đề này nằm ngoài thẩm quyền trách nhiệm của Chi cục Quản lý thị trường. Bên tôi là phát hiện hành vi vi phạm hành chính mang tính thời điểm trực tiếp, vướng vào hành vi nào chúng tôi theo chế tài xử lý hành vi đó. Những sự việc phức tạp nằm trong cái hành vi, lĩnh vực, điều khoản bắt buộc phải chuyển cho các cơ quan chức năng có thẩm quyền để khởi tố như: làm hàng giả, gian lận thương mại...
Mặt khác, có những hành vi khi lực lượng chức năng đến xử lý còn có bằng chứng, ví dụ các hành vi gian lận về đo lường, họ gắn chíp vào cột bơm, họ làm giảm định lượng, hay có trường hợp họ bơm xăng nhưng ngắt ống, để ống dài, ống ngắn... Còn những hành vi như báo Dân trí vừa phản ánh rất khó để phát hiện bởi phải điều tra trong cả một quả trình, còn chúng tôi chỉ được phép xử lý trong lĩnh vực hành chính mà thôi.
Mặt khác, cái khó khác nữa là khi xuống cơ sở làm việc, nguyên tắc của quản lý thị trường là phải mặc quân phục, công khai đọc quyết định, đeo biển hiệu rõ ràng. Chính vì thế khó bắt được quả tang những hành vi gian lận mang tính chủ quan, tức thời của nhân viên cây xăng.
Nữ nhân viên có hành vi gian lận khi bán lẻ xăng dầu tại cây xăng trên đường Nghiêm Xuân Yêm
Đối với những hành vi gian lận xăng dầu của nhân viên như thế này, hướng xử lý như thế nào, thưa ông?
Trong việc vi phạm về cân đo đóng đếm sẽ xử phạt theo Nghị định 84 hay Nghị định 105, nhưng hành vi nhân viên gian lận tiền của khách ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng như Dân trí vừa phản ánh thì sẽ căn cứ theo điều luật của người tiêu dùng. Hành vi này sẽ phải xử lý trên nguyên tắc: Người tiêu dùng bị gian lận phát giác, tố cáo và có đủ chứng cứ. Chính vì thế, quy trình xử lý sẽ phức tạp hơn.
Ở đây, bản thân doanh nghiệp phải thấy được trách nhiệm của mình. Trong vụ việc mà quý báo vừa phản ánh thì Công ty CP Vận tải và Dịch vụ Petrolimex Hà Tây chủ cây xăng Nam Anh đã chủ động đình chỉ công tác các cá nhân có liên quan, đây là biện pháp hành chính có tác dụng kịp thời và răn đe cao.
Bên cạnh đó, để chấn chỉnh tình trạng gian lận xăng dầu ở các cây xăng, các cơ quan chứng năng cần có những biện pháp tuyên truyền, khuyến cáo người tiêu dùng và phải phối hợp đồng bộ với các ban ngành liên quan để làm tốt.
Trước đây việc kiểm tra, giám sát các cây xăng được thực hiện như thế nào, thưa ông?
Năm nào chúng tôi cũng kiểm tra và xử phạt. Lỗi của các cây xăng thì nhiều lắm nhưng chủ yếu là vi phạm hành chính thôi. Quy định các cây xăng phải ít nhất đảm bảo các cơ cấu cứng: Giấy đăng ký kinh doanh, giấy đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu, giấy đủ điều kiện phòng cháy chữa cháy... Đối với nhân viên phải được đào tạo hiểu biết về định lượng, phòng cháy chữa cháy, hiểu biết về môi trường...
Chúng tôi cũng luôn kiểm tra việc đo lường, bảo hiểm cháy nổ bắt buộc, định lượng của các thiết bị đo lường, kiểm duyệt các cột bơm, chất lượng xăng dầu... Năm vừa rồi chúng tôi cũng xử lý rất nhiều cửa hàng vi phạm về chất lượng xăng dầu, rất nhiều cây xăng không đảm bảo chỉ số đúng quy định đều bị xử phạt. Chúng tôi sẽ tiếp tục kết hợp cùng cơ quan công an tổ chức các kế hoạch có nghiệp vụ riêng, bắt quả tang các hành vi gian lận.
Qua báo Dân trí, chúng tôi cũng khuyến cáo tới người tiêu dùng vì lỗi một phần thuộc về người mua. Họ không quan tâm tới quy trình bơm xăng, thứ nhất trước khi bơm xăng vào xe, đồng hồ phải để mức 0. Thứ hai là phải bơm đủ thì mới thanh toán...
Cá nhân ông đã từng bao giờ nghi ngờ nhân viên cây xăng gian lận nhiên liệu đối với phương tiện của mình chưa?
Chưa bao giờ, bởi cá nhân tôi luôn chọn những cây xăng uy tín. Tôi thường quan sát quy trình làm việc của nhân viên bán xăng, mua bao nhiêu tôi cũng nhìn đồng hồ và đậy nắp xong mới thanh toán tiền.
Nếu tất cả người dân đều giám sát tốt quá trình bán xăng của nhân viên thì chắc chắn không thể có gian lận.
Thưa ông, vậy người dân phải làm thế nào để phát hiện và phòng tránh những cây xăng gian lận?
Thứ nhất là khi bơm xăng người tiêu dùng cần phải quan sát tất cả quy trình: nhân viên phải đưa số về 0 trước khi bơm, thứ hai là phải đủ số lượng thì mình mới thanh toán, thứ 3 là cần quan sát trên cột bơm xăng để phát hiện nếu có gian lận xảy ra. Người dân cần phải báo cáo cho các cơ quan chức năng có thẩm quyền khi phát hiện ra hành vi gian lận xăng dầu.
Tới đây, đối với những cây xăng có hành vi gian lận chúng tôi sẽ yêu cầu doanh nghiệp công khai xin lỗi người tiêu dùng trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đẩy mạnh việc tuyên truyền, công khai các cửa hàng xăng, dầu vi phạm.
Để chấm dứt dứt điểm tình trạng gian lận tại các cửa hàng xăng, dầu, chúng ta cần phải làm tốt một cách đồng bộ giữa việc thực hiện trách nhiệm của người tiêu dùng, trách nhiệm của cơ quan quản lý, trách nhiệm doanh nghiệp.
Hà Trang – Xuân Ngọc
{fcomment}
-
Xuất hiện nhân tố kìm hãm đà rơi của giá vàng
-
Rolls-Royce Cullinan lên sàn xe cũ chỉ hơn 17 tỷ ở Hà Nội
-
Nỗi đau của mẹ nghi can giết 4 bà cháu ở Quảng Ninh
-
HLV Park Hang-seo lí giải vì sao không cho U22 tập sân cỏ nhân tạo
-
13 chính sách kinh tế có hiệu lực từ tháng 12/2015
-
Địa chỉ mua xe điện 4 bánh chất lượng tại Việt Nam - Lựa chọn Xe Điện Tùng Lâm
-
Văn Hậu chưa đủ điều kiện thi đấu ở Cúp quốc gia
-
Bất ngờ với MV đầu tay của ca sĩ Vũ Yến Ngọc
-
Có điểm thi, ĐH Luật TP.HCM bất ngờ thay đổi cách tuyển sinh
-
Những loại rau, củ đắt nhất thế giới được đại gia săn lùng