Vốn ngoại săn mua địa ốc Việt: “Bình thường hay bất thường”?

ngày 06/09/2014

Mua lại cổ phần tại các dự án bất động sản không còn là xu hướng như những năm trước kia mà nó đang diễn ra ở nhiều dự án, nhiều địa phương. Lợi cho doanh nghiệp nội thì có nhưng cái thiệt cũng được các chuyên gia chỉ rõ...

Mới đây, một chủ dự án tại TP HCM đã khước từ nguyện vọng mua lại 70% cổ phần trong dự án bất động sản 2 tỷ USD của một chủ doanh nghiệp gốc Trung Quốc vì lo sợ bị thao túng, lúc này người ta mới vỡ lẽ ra, hiện đang có rất nhiều nhà đầu tư ngoại săn mua các dự án bất động sản Việt theo hình thức đầu tư gián tiếp.

Theo Tiến sĩ Alan Phan, thời gian vừa qua, có một dòng tiền “cá mập” của nước ngoài đang săn lùng các “xác chết” – (những dự án bất động sản không thể bán được PV) với giá rẻ hòng thu lợi nhuận. Động thái này cho thấy thị trường BĐS Việt Nam đang được các nhà đầu tư ngoại săn đón lợi nhuận trong trung và dài hạn, đồng thời cần có cơ chế thu hút và điều hành vốn này đi đúng quỹ đạo

Vốn ngoại săn mua địa ốc Việt: “Bình thường hay bất thường”?
Các dựán dang dở của chủđầu tư Việt đang được các nhàđầu tư ngoại sănđón nhiều nhất (ảnh minh họa)

Doanh nghiệp ngoại tích cực đi săn


Bên cạnh nhiều doanh nghiệp (DN) ngoại đổ vốn đầu tư trực tiếp thì xu hướng đổ vốn gián tiếp thông qua mua bán, sáp nhập (M&A) dự án cũng diễn ra mạnh mẽ trong thời gian gần đây. Theo số liệu của CBRE công bố, các giao dịch đầu tư từ năm 2013 đến quý 1/2014 có đến 63% giao dịch có sự tham gia của bên nước ngoài, 5 công ty bất động sản niêm yết có sở hữu nước ngoài chiếm hơn 40% là Công ty CP Bất động sản Du lịch Ninh Vân Bay, Cty CP Hạ tầng nước Sài gòn, Cty CP ĐT& KD nhà Khang Điền, Cty CP Đầu tư Nam Long và Cty CP Đầu tư Bảy bảy…
Tại TP.HCM, các dự án của Vista Verde, Sunveiw Town, Ehome đang được chào bán cuối năm nay, trong khi đó tại Hà Nội hai dự án của FLC cũng đang chào bán cổ phần đối với các nhà đầu tư ngoại.

Theo ông Marc Townsend, TGĐ Công ty CBRE: “Hiện nay, sự quan tâm từ các nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực bất động sản Việt Nam vẫn hiện hữu, không chỉ xuất hiện với các nhà đầu tư lâu năm mà còn hiện hữu với các nhà đầu tư mới và giữa các nhà đầu tư trong nước với nhau”.

Một đặc điểm dễ thấy là các nhà đầu tư ngoại sốt sắng với chung cư bấy nhiêu thì lại “ngó lơ” biệt thự cao cấp bấy nhiêu. Đây là thực tế cho thấy họ là những người đầu tư vụ lợi, mua đứt bán đoạn. Theo nhiều chuyên gia ngành bất động sản, xu hướng săn mua bất động sản của nhà đầu tư ngoại mới xuất hiện trong thời gian gần đây xong nó đặc biệt lo ngại bởi hầu hết đánh vào các dự án chung cư thương mại giá cả vừa phải mà chủ đầu tư đang cần bán nhanh.
“Các DN mà chúng tôi quen biết đều nhận được những lời chào mua khá hấp dẫn của các nhà đầu tư ngoại. Họ chấp nhận mua 40% -50% hoặc nếu được cả 100% dự án họ sẵn sàng mua…. Điều khác biệt là giá cả họ trả rẻ so với thị trường nhưng việc mua gom tất cả khiến nhiều chủ đầu tư cân nhắc trong bối cảnh khó khăn và bị ngân hàng thúc tiền”, một chủ đầu tư dự án tại Hà Nội (được đề nghị dấu tên) chia sẻ.

Trên thị trường, theo nhiều nhà môi giới bất động sản, việc các DN ngoại săn mua vừa là lý do khách quan, vừa là ý định chủ quan của DN nội. Các DN nội đang rất cần vốn trong khi các DN ngoại lại muốn “thò 1 chân” vào chuỗi giá trị được dự đoán là sẽ tăng trong trung hạn.

Tuy nhiên, ý kiến trái chiều về việc M&A bất động sản, trong đó phần lớn lo ngại các DN nước ngoài sẽ nhân cơ hội này để chiếm lĩnh thị trường, tạo làn sóng đầu cơ mới. Xa hơn nữa, lo ngại sẽ người Việt sẽ phải ở thuê trên chính đất đai của mình không xa nữa.
Theo Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, việc cho người nước ngoài được phép thuê mua hay xu hướng các doanh nghiệp ngoại ráo riết tìm mua dự án bất động sản Việt cần xem xét kỹ lương. “Nếu họ mua đứt dự án, tức là họ đã chẳng mất đồng nào để có được thị trường cả. Các DN nước ngoài, đặc biệt đến từ Trung Quốc rất khéo đàm phán và mặc cả giá. Nếu bán cho họ dự án, coi như DN Việt đã thua đơn thiệt kép”.

Cẩn thận “đánh bùn sang ao”

Hiện chưa có quy định chấp nhận cho chủ đầu tư trong nước được bán toàn bộ dự án xây dựng dở dang cho nước ngoài bởi vướng quy định về chủ đầu tư dự án. Bên cạnh đó, khi chuyển đổi hình thức đầu tư sẽ liên quan đến việc huy động vốn cho dự án, các DN trong nước được quyền huy động 95% vốn từ các tổ chức tín dụng, trong khi đó DN nước ngoài chỉ được vay tối đa 50% vốn cho dự án. Nếu DN ngoại này sử dụng 50% vốn đi vay tại ngân hàng nội để mua lại các dự án thì chẳng khác nào “đánh bùn sang ao”.

Theo một vị đại diện của CBRE Việt Nam, giá cả các dự án tại Hà Nội đang được săn mua nhiều bởi nguồn cung thực tại thị trường này rất lớn. Giá mà bên nhà đầu tư ngoại đặt rẻ và họ làm mọi cách để chào rẻ dự án. Các dự án chưa xây dựng xong hoặc xây dựng dở dang cũng được đề nghị góp vốn với mức ăn chênh lệch.

Một luồng ý kiến cho rằng việc mua lại các dự án của DN FDI tại Việt Nam hoàn toàn tốt cho thị trưởng bởi nó giải quyết cung cầu thị trường. Theo GS Đặng Hùng Võ phân tích: “Ở đây hãy nói chuyện thuần túy cung cầu, việc mua bán dự án bất động sản là tín hiệu đáng mừng cho thị trường bất động sản. Các DN tồn hàng muốn bán, các DN ngoại nhìn thấy lợi nhuận thì họ bỏ vốn đầu tư.
Theo tôi đây là tín hiệu mừng bởi các DN dù sao cũng rút được vốn để trả nợ và tính các phương án mới”. Các DN nước ngoài có tiềm lực tài chính đủ mạnh, tiếp tục triển khai dự án hoặc coi như là kênh đầu tư. Họ không chỉ có tiềm lực tài chính đủ mạnh mà còn có kinh nghiệm quản lý và trình độ kinh doanh hơn hẳn DN Việt, chắc chắn việc giải quyết bất động sản tồn kho không phải vấn đề quá khó.

Cũng chung quan điểm, đại diện của Savills Việt Nam cho rằng việc có đóng góp của nhà đầu tư ngoại sẽ bổ sung vốn cho các dự án và “kề vai, đỡ gánh” cho DN nội trong bối cảnh đang khó khăn. Nếu chỉ trông chờ vào các gói ưu đãi của các NHTM hay Chính phủ thì không thể giải phóng được lượng hàng tồn lớn. “Cái gì thuộc về quy luật thị trường, cứ để thị trường điều tiết, nếu phát hiện các DN ngoại vay vốn nội, lúc ấy chúng ta sẽ có các biện pháp xử lý. Tôi được biết, họ cũng chỉ tham gia thị trường với tính chất mua đứt, bán đoạn, nhiều DN thấy triển vọng dài hạn của thị trường họ bỏ vốn đầu tư, chúng ta cũng phải khuyến khích”, đại diện Savills Việt Nam chia sẻ.

Tuy nhiên, nhiều người tỏ ra lo ngại xu hướng tăng mua cổ phần dự án bất động sản của các DN ngoại bởi quy định về giới hạn huy động vốn vay. Điều quan trọng hiện nay là phải xác định DN ấy sử dụng tiền ở đâu, họ tự có hay đi vay và vay ở đâu. Nếu chỉ chuyển thuần túy chủ đầu tư mà vốn vẫn chết ở các dự án thì chỉ chuyển đổi cơ học, thì trường chẳng được lợi gì, một chuyên gia về bất động sản cho biết.

Nguồn Dân trí

{fcomment}