Gỡ nút thắt cho kinh tế Đà Nẵng

ngày 04/05/2019

Sau 22 năm kể từ ngày chia tách tỉnh, trở thành thành phố trực thuộc T.Ư, Đà Nẵng đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức: Dư địa phát triển, nhất là quỹ đất sạch thu hút đầu tư không còn nhiều, thu ngân sách thấp hơn một số địa phương khác, tích lũy đầu tư còn hạn chế.

Quy hoạch, định hướng phát triển TP trước đây không còn phù hợp với xu hướng hiện nay. Định hướng của TP là tập trung phát triển công nghiệp công nghệ cao, CNTT nhưng thu hút đầu tư vào lĩnh vực này đạt thấp, chưa tương xứng với tiềm năng…

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa cho hay, Bộ Chính trị đã giao một số cơ quan Trung ương xây dựng các văn bản pháp luật, cho phép Đà Nẵng thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù theo thẩm quyền. Điều này hứa hẹn sẽ tạo cơ hội và động lực phát triển kinh tế cho TP Đà Nẵng.

Tiếng nói từ nhà đầu tư

Ông Takizawa Saturo, Tổng Giám đốc Công ty Daiwa Viet Nam - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Đà Nẵng thẳng thắn: “Các doanh nghiệp Nhật Bản có nhiều quan ngại khi quyết định đầu tư mới hoặc nâng cao quy mô hoạt động sản xuất kinh doanh tại Đà Nẵng”. Theo ông Takizawa, Đà Nẵng cần hoàn thiện hơn nữa cơ sở hạ tầng.

“Những năm qua TP đã nỗ lực và đã có những cải thiện rõ rệt về chất. Thế nhưng, TP đang phát triển và mở rộng không ngừng, vì vậy tôi tưởng tượng là đi kèm với sự phát triển đó, việc bảo đảm về lượng sẽ cũng trở nên gian nan. Việc thu hồi chi phí đầu tư vào cơ sở hạ tầng không nhanh vì vậy với lý do đó, việc đầu tư này hay bị trì hoãn. Tuy vậy, cơ sở hạ tầng không gì khác chính là môi trường sống của người dân. Tôi mong TP có những quyết sách phù hợp với quy mô và thay đổi của TP” – ông Takizawa gợi ý.

Ông Phạm Đắc Bình, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Đà Nẵng cho rằng TP nên có nhiều chính sách ưu đãi nhằm thu hút, lựa chọn được những nhà đầu tư tiềm năng, doanh nghiệp có chính sách đầu tư thân thiện với môi trường, trình độ chuyên môn hóa cao. “Đây là yếu tố quan trọng để Đà Nẵng từng bước xây dựng TP phát triển nhanh, mạnh, thân thiện với môi trường và bền vững”, ông Bình nhận định.

Theo ông Bình, cùng với sự gia tăng dân số, quá trình đô thị hóa nhanh và ngày càng có nhiều nhà máy, xí nghiệp mọc lên trên diện tích đất khiêm tốn, Đà Nẵng đang đứng trước những thách thức về ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí. Trong đó, ô nhiễm đất và nước đang được xem là vấn đề cấp thiết đối với sự phát triển của TP. Cần tăng cường thu hút đầu tư gắn với bảo vệ mội trường thành một chủ trương xuyên suốt và tuân thủ nghiêm ngặt.

Ông Lê Trí Hải, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP Đà Nẵng cũng dẫn chứng, bình quân vốn đăng ký trên mỗi dự án trong 3 quý đầu năm 2018 của TP Đà Nẵng là 1,4 triệu USD so với tỉnh Quảng Nam là 13 triệu USD (gấp hơn 9 lần). Bình quân vốn đăng ký của FDI trên địa bàn Đà Nẵng chỉ đạt 4,35 triệu USD cũng chỉ bằng 1/10 so với Quảng Nam. “Thu hút FDI của Đà Nẵng không đạt như kỳ vọng, vì vậy Đà Nẵng tập trung với chất lượng các nhà đầu tư FDI thay vì số lượng. Thành phố cần đẩy mạnh hơn nữa thu hút đầu tư với các lĩnh vực ưu tiên như công nghệ cao, công nghệ thân thiện với môi trường, năng lượng sạch; sản xuất thiết bị y tế, cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe, du lịch chất lượng cao, dịch vụ tài chính,

logistics và các dịch vụ hiện đại khác; đặc biệt là các ngành nghề mới trên nền tảng công nghiệp 4.0”, ông Hải đề xuất.

  • Phát triển Du lịch, nhất là du lịch chất lượng cao được xác định là một trong 3 trụ cột chính của Đà Nẵng.

Tập trung phát triển trên 3 trụ cột chính

Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 43 về xây dựng và phát triển TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, TP tập trung phát triển 3 trụ cột chính gồm: Du lịch, công nghiệp công nghệ cao, kinh tế biển.

Ông Trương Quang Nghĩa - Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cũng thẳng thắn thừa nhận: “Việc thực hiện Kết luận số 2852/KL-TTCP của Thanh tra Chính phủ đã gây không ít khó khăn trong quản lý về đất đai, ảnh hưởng đến quyền lợi của tổ chức, người dân và doanh nghiệp. Hiện nay, TP đang tập trung tháo gỡ, bước đầu đạt được một số kết quả, đồng thời đã tập hợp, kiến nghị cấp thẩm quyền xem xét, giải quyết những vấn đề lớn còn tồn tại, vướng mắc, trên tinh thần bảo đảm quyền lợi chính đáng cho nhà đầu tư. Chúng tôi coi việc tập trung tháo gỡ Kết luận 2852 không chỉ giải quyết khó khăn, vướng mắc, mà còn qua đó, khơi thông nguồn lực từ đất đai để doanh nghiệp và TP đầu tư phát triển”.

Đầu tháng 3/2019, TP Đà Nẵng đã ký kết Hợp đồng lựa chọn nhà thầu tư vấn lập Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Thiết kế chiến lược phát triển kinh tế đến năm 2030. Theo đó, bản quy hoạch mới này sẽ định vị được Đà Nẵng trong bối cảnh trong nước và quốc tế mới, xác định rõ các định hướng phát triển ngành, lĩnh vực cần ưu tiên, kèm theo không gian và nguồn lực phát triển trong sự kết nối không chỉ trong nội bộ Đà Nẵng mà còn với các địa phương khác trong nước và quốc tế.

Ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch UBND TP cho biết, Đà Nẵng tiếp tục chọn 2019 là năm tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư. Để thu hút được các nhà đầu tư lớn, bên cạnh tháo gỡ các vướng mắc về thủ tục hành chính, cơ chế, Đà Nẵng đã sẵn sàng cơ sở hạ tầng.

Ngay bên cạnh Khu công nghệ cao (CNC) được thành lập vào tháng 10/2010 với tổng mức đầu tư gần 9.000 tỷ đổng từ nguồn vốn T.Ư, địa phương và nguồn vốn khác, Đà Nẵng cũng đã đưa khu CNTT tập trung với 341 ha vào hoạt động giai đoạn 1 vào cuối tháng 3/2019. Khu CNC của Đà Nẵng đã được Chính phủ lựa chọn thí điểm nâng cao tính năng sáng tạo, khởi nghiệp với mong muốn đây sẽ là nơi tạo ra và lan tỏa giá trị, công nghệ mới.

Bí thư thành ủy Trương Quang Nghĩa cũng xác định, năm 2019, việc làm thiết thực đầu tiên của TP Đà Nẵng là tập trung nâng cao các chỉ số quan trọng có dấu hiệu chững lại hoặc giảm điểm như: Chỉ số tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất; chi phí không chính thức, cạnh tranh bình đẳng; tính minh bạch và tiếp cận thông tin.

Nguồn GDTĐ