Giúp trẻ thói quen đọc sách

ngày 17/06/2017

 Ai cũng biết việc đọc sách ích lợi như thế nào trong cuộc sống, nhưng không phải ai cũng quan tâm đúng mức đến việc đọc sách của con em mình, thậm chí có người còn hoàn toàn bỏ mặc không cần biết con em mình đọc sách gì, đọc như thế nào. Tạo cho con có thói quen tiếp cận với sách, thói quen đọc sách là vô cùng cần thiết. Đây chính là vấn đề cần đến sự định hướng từ đầu cho con em của các bậc phụ huynh.

Giúp trẻ thói quen đọc sách

Muốn có thói quen đáng quý này không khó, nếu phụ huynh hướng dẫn cho con từ nhỏ thậm chí khi các em còn ở lứa tuổi nhà trẻ mẫu giáo. Đối với lứa tuổi này trước hết là cho các em làm quen dần đến các loại sách có tranh ảnh có thể chưa cần có chữ. Dần dần khi các em đã bắt đầu biết đọc, chúng ta sẽ cho con em mình các loại sách báo dành cho lứa tuổi nhi đồng nhưng cần nhất là phải chọn các loại sách có tranh ảnh đep, có nội dung thích hợp có ích và cách trình bày phải phù hợp tránh các loại sách vô bổ, có nội dung nhảm nhí , bạo lực…

Từ nhỏ , khi con em mình bắt đầu tiếp xúc với sách chúng ta đã cần quan tâm lựa chọn cẩn trọng từ các loại sách tranh khi các em chỉ mới biết quan sát, chưa đọc được vẫn phải chú ý đến các loại sách có tranh ảnh rõ ràng, lành mạnh, màu sắc sinh động phù hợp với độ tuổi còn nhỏ của các em. Dần dần khi các em bắt đầu vào cấp tiểu học, lúc này các em bắt đầu có thể đọc , chúng ta nên chọn cho các em các loại sách in chữ to, tranh ảnh minh họa đẹp, câu văn trong sách trong sáng, dễ hiểu, nội dung phù hợp lứa tuổi còn nhỏ, hồn nhiên của các em.

Tránh cho các em đọc các loại sách nội dung không phù hợp, chữ nhòa , tranh in cẩu thả không đúng nội dung cốt truyện cần minh họa, lời văn thô thiển, cộc lốc. Tốt nhất là trong thời cấp tiểu học chỉ cho các em đọc các loại sách thiếu nhi của các nhà xuất bản có uy tín, chuẩn về nội dung, hình thức, văn phong trong sáng, thuần Việt.

Khi con em mình đã bước vào cấp trung học cơ sở, chúng ta nên hướng dẫn các em làm quen với các loại sách có nội dung phù hợp với lứa tuổi đang định hình tính cách, tâm sinh lý lứa tuổi. Có thể cho các em tiếp cận với các loại sách về giáo dục giới tính, tình bạn, các tác phẩm về giáo dục các kỹ năng sống, các loại tiểu thuyết về thanh thiếu niên... Trong giai đoạn này cần nhất là tránh cho các em tiếp xúc quá sớm về các loại sách có nội dung người lớn, dung tục có thể làm cho các em có những tò mò không cần thiết, gây những hậu quả không đáng có.

Đến ngưỡng cửa của cấp trung học phổ thông, các em đã qua giai đoạn đang định hình nhân cách, khi đó việc chọn lựa sách cho các em có thể mở rộng hơn nhưng các bậc phụ huynh cũng vẫn cần quan tâm hướng dẫn các em chọn sách cho phù hợp. Nên hướng cho các em tìm chọn các loại sách liên quan đến học tập như các loại sách tham khảo, sách nâng cao, cần thiết hướng các em đến các loại sách hướng nghiệp để các em có định hướng nghề nghiệp trước khi thi đại học.

Các bậc phụ huynh nên qua tâm đến khả năng, sở trường của các em để hướng dẫn các em đến các loại sách liên quan đến sở thích của mình để các em tìm hiểu, tạo nền tảng vũng chắc cho các em chọn nghề nghiệp tương lai phù hợp nhất với khả năng của các em.

Tạo thói quen đọc sách, hướng dẫn các em đọc sách là điều cần thiết và nên làm của các bậc phụ huynh. Điều này sẽ không chỉ giúp cho con em mình có thói quen tốt mà còn giáo dục , bồi dưỡng tâm hồn con trẻ , tích lũy các kiến thức cần thiết làm hành trang cho các em trong cuộc đời.

Dạy trẻ yêu đọc, trân quý sách là việc nên làm đặc biệt trong thời đại ngày nay khi các loại sách báo được xuất bản in ấn một cách tràn lan, nhan nhản các loại sách có nội dung thiếu lành mạnh, in ấn cẩu thả…thì việc quan tâm hướng dẫn các em tìm, chọn các loại sách để đọc cho chuẩn là việc làm cần thiết , đáng quan tâm của các bậc phụ huynh, của nhà trường, các tổ chức đoàn đội…, giúp các em tránh xa các loại văn hóa phẩm không lành mạnh, gây nguy hại cho lứa tuổi thanh thiếu niên.

Tạo thói quen đọc sách, hướng dẫn các em đọc sách là điều cần thiết và nên làm của các bậc phụ huynh. Điều này sẽ không chỉ giúp cho con em mình có thói quen tốt mà còn giáo dục, bồi dưỡng tâm hồn con trẻ, tích lũy các kiến thức cần thiết làm hành trang cho các em trong cuộc đời.

Nguồn GDTĐ