Cần xây dựng mô hình giá mới
Trong báo cáo "Đổi mới ngành du lịch: Việt Nam có thể đẩy nhanh tốc độ phục hồi như thế nào", Công ty tư vấn McKinsey & Company cho rằng, trong bối cảnh nhu cầu cạn kiệt này thì giảm giá là một con dao hai lưỡi, vừa cần thiết nhưng cũng vừa nguy hiểm.
Kích thích nhu cầu và đẩy mạnh số lượng bằng các biện pháp giảm giá và trước bán hàng là những chiến thuật quan trọng trong giai đoạn đầu của quá trình phục hồi, đặc biệt là đối với những công ty cung cấp dịch vụ hạng sang do thiếu nguồn khách quốc tế. Tuy nhiên, các doanh nghiệp có thể giảm giá để kích cầu nhưng đó không phải là biện pháp dài hạn; việc này có thể sẽ dẫn đến tình trạng “pha loãng” giá, đặc biệt là đối với hệ thống khách sạn trên cả nước
Thay vào đó, McKinsey & Company đề xuất các doanh nghiệp du lịch xây dựng mô hình giá mới và linh hoạt hơn; tìm cách bán sản phẩm theo gói để có cơ hội bán chéo và bán thêm, đồng thời đa dạng hóa nguồn doanh thu, củng cố sản phẩm cao cấp và khả năng thu được mức giá cao hơn. Ví dụ, các khách sạn 5 sao tại Hà Nội và TP.HCM có thể bán gói “staycation” cho gia đình, kèm theo phòng nghỉ cao cấp là dịch vụ xe sang đưa đón và giảm giá dịch vụ ăn uống. Các công ty du lịch và khách sạn có thể phối hợp với nhau để cung cấp trọn gói dịch vụ từ vé máy bay, vé tàu, xe cho đến phòng nghỉ.
Nhu cầu du lịch trong nước có thể được kích thích bằng cách tập trung vào những điểm đến đang thịnh hành và sự phối hợp giữa chính quyền địa phương, công ty lữ hành trực tuyến, điểm du lịch, khách sạn và hãng hàng không. Các công ty du lịch cần chú trọng đến những sản phẩm, dịch vụ phù hợp khả năng chi trả của khách nội địa, đồng thời duy trì các trải nghiệm chất lượng cao.
Hướng tới những điểm đến phi truyền thống
McKinsey & Company cho biết, trên toàn thế giới du khách đang cá nhân hóa những chuyến đi của mình bằng việc thám hiểm điểm đến. Chi tiêu trong ngành du lịch đang dần chuyển trọng tâm từ chi tiêu cho lưu trú sang chi tiêu cho hoạt động, và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế này. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, ngân sách dành cho lưu trú của du khách trong nước đã giảm dần trong vài năm trở lại đây, từ 23% năm 2011 xuống còn xấp xỉ 15% năm 2019.
Thay vì chi cho phòng nghỉ hạng sang, du khách đang dành tiền cho những trải nghiệm. Nhiều du khách còn đặt chỗ cho các hoạt động trước cả khi lên đường; điều đó cho thấy trải nghiệm tại điểm đến có ảnh hưởng lớn hơn đối với quyết định của du khách. Nhiều hoạt động như khám phá hang động, đi bộ vùng cao, nghỉ dưỡng trên những hòn đảo tách biệt, thể thao dưới nước và hội chợ ẩm thực đã trở thành những lý do đầu tiên thu hút du khách đến với một điểm du lịch.
Nhiều khu vực cũng đang quảng bá cho những trải nghiệm đặc sắc của địa phương, như Đà Lạt với các điểm đi bộ dã ngoại và cắm trại, Phan Thiết với hệ thống sân golf và thể thao dưới nước, Ninh Bình và Phong Nha – Kẻ Bàng với những hoạt động hòa mình vào thiên nhiên.
Lập tức áp dụng công nghệ số
Một biện pháp quan trọng để kích hoạt phục hồi ngành du lịch Việt Nam là ứng dụng công nghệ. Ngay cả trước khi đại dịch xuất hiện, người tiêu dùng đã sử dụng nền tảng số ngày càng nhiều để đặt chỗ các dịch vụ du lịch. Năm 2018, đặt chỗ trực tuyến đã chiếm đến 19% tổng số tour và quy mô thị trường.
Đại dịch Covid-19 bùng phát đã khiến việc sử dụng thiết bị di động và công cụ số càng trở nên thiết yếu. Nếu các công ty lữ hành trực tuyến cung cấp dịch vụ đặt vé qua tin nhắn hoặc các nền tảng mạng xã hội, đây sẽ là một cơ hội giúp tăng khả năng thâm nhập thị trường.
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng có thể áp dụng công cụ số cho phép khách hàng tự lên lịch trình và hỗ trợ khả năng sửa hoặc hủy kế hoạch. Trong bối cảnh mọi thứ đều không chắc chắn, du khách sẽ ưu tiên chọn khách sạn cho phép hủy dịch vụ hơn là khách sạn có thương hiệu hay giá thành tốt hơn.
Để ngành du lịch chuyển đổi số thành công, Chính phủ cần hậu thuẫn cho các chương trình chuyển đổi công nghệ số và phân tích dữ liệu nhằm tạo sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, vốn chiếm đến hơn 50% số lượng các nhà cung cấp dịch vụ lữ hành trong năm 2018. Khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp trong nước điều chỉnh để đáp ứng nhu cầu dịch vụ du lịch trực tuyến có ý nghĩa rất lớn trong việc duy trì năng lực cạnh tranh của ngành du lịch Việt Nam./.