Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn - Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội nhấn mạnh vấn đề này khi trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội.
Hạn chế thấp nhất tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19
Theo Bộ trưởng, đại dịch Covid-19 đã gây ra những xáo trộn, ảnh hưởng rất lớn đến xã hội cũng như đời sống người dân và ngành GD-ĐT. Do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, các trường học đã chuyển sang dạy học trực tuyến.
Đại dịch Covid-19 đặt ra cho ngành GD&ĐT nhiều thách thức, nên ngành cũng đã tính đến phương án làm sao hạn chế đến mức thấp nhất tác động tiêu cực của đại dịch đến GD&ĐT; đặc biệt không làm ảnh hưởng đến chất lượng.
“Chúng tôi đã tính đến những biện pháp cụ thể khi các cháu được quay trở lại trường học tập. Theo đó, phải có những biện pháp củng cố kiến thức, bồi đắp thiếu hụt về kiến thức. Nhất là, cấp tiểu học cũng như các chuyên ngành đào tạo khác trong GD&ĐT cần phải được thực hành, cần trải nghiệm thực tiễn, cần củng cố...
Chúng tôi cũng đã tính đến việc gia tăng nguồn học liệu hỗ trợ và điều chỉnh phương pháp dạy và học để làm sao trong thời gian học trực tuyến, học sinh vẫn có thể tiếp thu được tốt nhất” – Bộ trưởng nhấn mạnh.
Để thực hiện được những mục tiêu lớn mà Đại hội XIII của Đảng đã đặt ra, Bộ trưởng xác định, đối với ngành GD&ĐT có rất nhiều việc lớn cần phải làm. Trong đó có những phần việc trọng tâm cần ưu tiên, có tính chất đột phá. Một trong những việc ưu tiên là rà soát, điều chỉnh cơ chế, chính sách, coi đây là việc làm hàng đầu; bởi bản thân cơ chế chính sách cũng là một nguồn lực. Nếu những cơ chế chính sách cũ, lạc hậu, không còn phù hợp với thực tiễn thì sẽ gây cản trở rất nhiều.
Giải pháp đột phá
Bộ trưởng nhấn mạnh, cần tiến hành rà soát những cơ chế chính sách cũ, điều chỉnh để ban hành những chính sách mới phù hợp hơn, giải phóng được nguồn lực, phát huy được yếu tố đổi mới sáng tạo trong giáo dục nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước.
Bên cạnh đó, cần có những giải pháp khác cũng rất quan trọng, mang tính đột phá như chuyển đổi số trong GD&ĐT, hiện đại hóa hạ tầng cho GD&ĐT... Đặc biệt, củng cố, nâng cao chất lượng và đảm bảo đủ số lượng đội ngũ nhà giáo từ bậc mầm non, phổ thông đến đại học; nhất là đối với bậc đại học cần phát triển hệ thống các chuyên gia đầu ngành, chuyên gia giỏi, kỹ thuật hàng đầu. Đó là những giải pháp rất quan trọng ngành GD&ĐT sẽ triển khai trong thời gian tới.
Đặt vấn đề, tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV đã thảo luận các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 và chương trình xây dựng nông thôn mới; ở góc độ ngành GD&ĐT, Bộ trưởng cho biết: Các chương trình mục tiêu quốc gia nêu trên, ngành GD&ĐT có thể tham gia được rất nhiều việc.
Chẳng hạn như đưa ra các giải pháp để xóa mù chữ cho học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi cũng như triển khai sách giáo khoa và bồi dưỡng giáo viên để dạy tiếng dân tộc...; những vấn đề về kiên cố hóa trường lớp học từ bậc mầm non cho đến phổ thông hay tăng cường năng lực cho các trường dân tộc nội trú, các trường đại học của khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên...
Đó là những việc mà ngành GD&ĐT có thể tham gia trong chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 và chương trình xây dựng nông thôn mới.
Nguồn GDTĐ