Giá lúa, gạo xuất khẩu giảm 10-12% so với cuối năm ngoái, trong đó gạo 5% tấm giảm về dưới 600 USD một tấn.
Ghi nhận tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long cho thấy, giá lúa tại ruộng bình quân 7.200-8.000 đồng một kg. Mức này hạ 10-12% so với cuối năm ngoái. Chẳng hạn, tại An Giang, lúa IR 504 hiện 7.200-7.350 đồng một kg; lúa Nhật 7.800-8.000 đồng.
Ông Nguyễn Văn Thuận (Kiên Giang) cho biết chuẩn bị thu hoạch gần một ha lúa Đông Xuân giống Nhật. Trước Tết, thương lái đặt cọc mua 9.000 đồng một kg nhưng nay chỉ đồng ý trả 8.000 đồng, do thị trường đi xuống.
Tương tự, ông Nam ở Tiền Giang chỉ bán được lúa giá 7.700 đồng, thấp hơn 10% mức thương lái đặt cọc trước Tết.
Chia sẻ với VnExpress, bà Huỳnh Thị Bích Huyền, Giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Ngọc Quang Phát - đơn vị thu mua lúa gạo ở miền Tây - cho biết mỗi ngày doanh nghiệp mua 1.000-2.000 tấn lúa vụ Đông Xuân. Sản lượng thu mua gấp 3 lần vụ Thu Đông năm ngoái, song giá thấp hơn 12%, cao nhất 8.000 đồng một kg.
Theo thống kê của Hiệp hội lương thực Việt Nam, từ đầu năm, giá lúa hạ 1.000-1.300 đồng một kg. Các loại gạo tại kho cũng giảm 1.200-1.800 đồng, khiến giá gạo xuất khẩu điều chỉnh theo.
Hiện, gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam còn 594 USD một tấn phiên 29/2, hạ 6 USD một tấn so với ngày hôm trước. Với mức này, gạo Việt đang thấp hơn Pakistan và Thái Lan lần lượt 12-15 USD một tấn. Tương tự, gạo 25% và 100% tấm còn 570 USD và 498 USD một tấn.
Lý do giá lúa, gạo xuất khẩu lao dốc, theo bà Huyền, nguồn cung trong nước dồi dào nhưng các đơn hàng nhập khẩu mới chậm. Các nước nhập khẩu gạo của Việt Nam chưa ký hợp đồng mới.
Ngoài ra, doanh nghiệp xuất khẩu lớn trong nước liên tục lỗ vì giá lúa neo cao trong thời gian dài. Điều này buộc họ phải điều chỉnh giá mua ở mức phù hợp.
Trong khi đó, ông Đinh Ngọc Tâm, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Cỏ May, nói lúa đang về lại đúng giá trị và nhu cầu thị trường sau thời gian tăng đột biến.
Theo ông, mức 7.200-8.500 đồng một kg, nông dân đã có lời. Bình quân mỗi kg lúa, nông dân lãi 3.000-4.000 đồng (tùy giống).
Mặt khác, gạo Việt cũng chịu cạnh tranh với các đối thủ tại các thị trường xuất khẩu truyền thống Indonesia, Phillippines. Thái Lan đang tìm cách tăng sản lượng, thị phần xuất khẩu vào Philippines, cạnh tranh với gạo Việt Nam.
"Sự thay đổi chính sách, biến động cung cầu và khuynh hướng giá của các nước tiêu thụ sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới ngành gạo Việt Nam", ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) nhận xét.
Theo Cục trưởng Cục Trồng trọt Nguyễn Như Cường, vụ Đông Xuân năm nay ở Đồng bằng sông Cửu long xuống giống gần 1,5 triệu ha. Tới nay, nông dân đã thu hoạch trên 300.000 ha. Vụ Đông Xuân dự kiến cho năng suất cao nên nguồn cung dồi dào, đảm bảo cho thị trường trong nước, xuất khẩu.
"Xuất khẩu năm nay vẫn khá thuận lợi khi nguồn cung thế giới còn hạn chế. Giá sẽ duy trì quanh 570-600 USD một tấn và khó giảm thêm, trừ khi Ấn Độ mở lại xuất khẩu gạo", ông Cường dự báo.
Tuy vậy, phía Bộ Công Thương khuyến nghị doanh nghiệp xuất khẩu cần đa dạng sản phẩm, chủ động tìm đối tác và có chiến lượng xây dựng thương hiệu, quảng bá bài bản.
Như với Indonesia, số lượng các thương nhân có giấy phép nhập khẩu của nước này rất hạn chế khiến cơ hội tìm kiếm đối tác không nhiều. Vì thế, doanh nghiệp cần đảm bảo chất lượng, thời gian giao hàng theo hợp đồng ký kết với thương nhân tại đây.
Nguồn: vnexpress
-
Neymar đề đạt nguyện vọng trở lại Barca với ban lãnh đạo PSG
-
Trần lãi suất huy động giảm về 5,5%/năm
-
Cách nhận biết và áp dụng đầu tư hiệu quả với mô hình 2 đáy chứng khoán
-
Ngân hàng vẫn mở cửa trong thời gian cách ly toàn xã hội, người dân không phải rút tiền về dự phòng
-
Những khách sạn lớn tại Hà Nội được nhà đầu tư săn đón
-
Số ca Covid-19 trong cộng đồng tại Campuchia tiếp tục tăng nhanh
-
Treo biển cấm, thiếu nữ vẫn nô nức chụp ảnh phố Trung thu
-
Những 'điểm sáng' trên thị trường bán lẻ Việt Nam
-
Cường Seven chuẩn man hút hồn fan nữ
-
Chiêm ngưỡng chiếc Bugatti EB110 SS duy nhất trên thế giới toàn thân bằng sợi carbon