Gà ngoại "giết chết" gà Việt

ngày 03/07/2015

Nhiều người đặt nghi vấn về chất lượng gà ngoại giá rẻ bất thường.

Ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ, bức xúc cho biết hàng ngàn trại gà công nghiệp đang phải hoạt động cầm chừng và đứng trước nguy cơ phá sản vì giá gà giảm thê thảm.

Bán gà cho… trăn ăn

Từ đầu năm đến nay, giá gà công nghiệp dao động 21.000-22.000 đồng/kg, giảm hơn 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Với mức giá này người nuôi gà tại Đồng Nai, Bình Dương… lỗ gần 12.000 đồng/con.

Anh Minh, chủ một trại gà ở Đồng Nai, ngao ngán cho hay anh buộc phải giảm một nửa đàn gà con vì với giá bán hiện nay càng nuôi nhiều càng lỗ nặng. “Nếu thịt gà ngoại nhập giá rẻ tiếp tục ồ ạt đổ về thì nửa năm còn lại người nuôi gà cũng chẳng có hy vọng gì” - anh Minh nói với vẻ tuyệt vọng.

Do người nuôi gà lỗ te tua, không muốn nuôi gà kéo theo các trang trại, công ty cung cấp giống cũng lao đao. Thậm chí một số công ty giống đành phải ngậm ngùi bán gà con mới nở cho các trại… nuôi trăn.

Mới đây, một công ty (xin được giấu tên) cho hay phải bán khoảng 130.000 con gà giống mới nở một ngày tuổi với giá bèo cho các trại để làm thức ăn cho trăn vì gà con ế, chẳng ai mua.

Ông Âu Thanh Long, Phó Chủ tịch Hiệp Hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ, tính toán chỉ riêng hơn 3.000 trại gà công nghiệp thuộc hiệp hội đã nuôi khoảng 45 triệu con gà thịt (15.000 con/trại). Với mức lỗ 12.000 đồng/con, hàng ngàn trại gà miền Đông Nam Bộ lỗ khoảng 540 tỉ đồng, với hai đợt nuôi thì mức lỗ hơn 1.000 tỉ đồng. Nếu Nhà nước không có biện pháp kiểm soát thịt gà nhập khẩu giá rẻ bèo thì nguy cơ vỡ nợ sẽ xảy ra.

Theo ông Long, không riêng các trang trại, doanh nghiệp nuôi gà công nghiệp trong nước mà một số doanh nghiệp chăn nuôi nước ngoài đầu tư tại Việt Nam cũng đang lỗ chỏng vó.

Gà ngoại

Ảnh lớn:Trại gà của ông Nguyễn Văn Ngọc ở huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai với đàn 50.000 con phải bỏ trống gần ba tháng nay (ảnh chụp ngày 2-7-2015). Ảnh: QUANG HUY.Ảnh nhỏ:Ức gà, cánh gà, gà nguyên con bán tại siêu thị, chợ thực phẩm tại Mỹ. Ảnh do một doanh nghiệp chụp ngày 29-6.

Gà ngoại nhập rẻ đến mức khó tin

“Thủ phạm” lớn nhất khiến gà trong nước bị đẩy vào nguy cơ phá sản, theo các hiệp hội chăn nuôi và các trang trại là do thịt gà ngoại giá rẻ bất thường tràn vào.

Một doanh nghiệp sau chuyến khảo sát một số siêu thị tại Mỹ mới đây (ngày 29-6-2015) nhận xét không hiểu sao giá gà Mỹ bán tại Việt Nam lại rẻ đến mức khó tin.

Cụ thể, giá bán cánh gà tại Mỹ khoảng 6,6 USD/kg; ức gà không xương khoảng 7,7 USD/kg; gà nguyên con giá thấp nhất cũng 3,97 USD/kg. Thế nhưng nhập về Việt Nam lại bán quá rẻ, chẳng hạn đùi gà chỉ bán trên dưới 20.000 đồng/kg (chưa đến 1 USD/kg) là quá vô lý, nghĩa là bán tại Mỹ cao hơn bán tại Việt Nam.

Trước đây người tiêu dùng Việt cứ nghĩ rằng giá thịt gà ngoại rẻ vì người nước ngoài không thích ăn cánh, đùi, cổ, chân, nội tạng gà. Họ chỉ ăn phần thịt ức, còn lại xuất bán sang Việt Nam với giá bèo.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Ngọc cho rằng đó là quan điểm sai lầm. Ông Ngọc nói: “Các hãng thức ăn nhanh ở Mỹ như KFC, McDonald’s nổi tiếng trên khắp thế giới nhờ thực đơn đùi, cánh gà chiên. Vì vậy không có chuyện người dân nước ngoài không ăn đùi, cánh gà... nên mới nhập về Việt Nam giá rẻ”.

Ông Ngọc tính toán giá thành của con gà Mỹ từ lúc xuất trại chế biến và xuất về Việt Nam như sau: Giá gà công nghiệp xuất trại của Mỹ 20.000 đồng/kg. Sau khi chế biến giết mổ (hao hụt 30% vì bỏ lông, đầu và lòng), giá tăng lên 30.000 đồng/kg. Đến khâu cấp đông, tính cả tiền điện và phí khác giá lên khoảng 36.000 đồng/kg, cộng thêm chi phí vận chuyển về Việt Nam (ước 3.000 đồng/kg), giá tăng lên 39.000 đồng.

Sau khi cộng thuế suất nhập khẩu, các phí khác giá gà Mỹ đáng lẽ khoảng 45.000 đồng/kg. Nếu tính chi phí để đưa ra thị trường còn cao hơn giá gà Việt Nam rất nhiều.

Nghi vấn nhập gà loại thải

“Vì vậy giá gà Mỹ nhập về chỉ ở mức trên dưới 20.000 đồng/kg thì không thể có. Rất có thể đây là gà cận đát, gà tồn kho mới có mức giá đó” - ông Ngọc nghi vấn.

Một số doanh nghiệp cũng cho rằng cần kiểm tra gà nhập từ Hàn Quốc giá rẻ đáng ngờ vì có thể đó là gà đẻ thải loại. Loại gà này ít có nước nào ăn vì bị chích nhiều kháng sinh để gà đẻ nhiều trứng. Hết chu kỳ, họ dùng làm thức ăn chăn nuôi, phân bón... Trước đây, người tiêu dùng tẩy chay loại gà này nên sau đó không thấy nhập. Vậy mà gần đây lại thấy nhập trở lại và xuất hiện nhiều trong các chợ, siêu thị, cửa hàng.

Từ thực tế trên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ Nguyễn Văn Ngọc đề nghị các cơ quan chức năng cần điều tra làm rõ có hay không việc bán phá giá thịt gà ngoại. Bởi người chăn nuôi Việt Nam dù có nỗ lực đến mấy cũng “chết” vì không thể đấu lại việc bán phá giá. “Cần kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu thịt, truy xuất nguồn gốc… để không lọt thịt kém chất lượng giá quá rẻ” - ông Ngọc đề nghị.

Một số ý kiến khác tán đồng với quan điểm này và cho rằng giá gà ngoại quá rẻ trước mắt có thể có lợi cho người tiêu dùng nhưng về lâu dài sẽ là “liều thuốc đắng”. Lý do là khi đã “tiêu diệt” xong các trại gà trong nước, các doanh nghiệp ngoại sẽ thao túng thị trường, đẩy giá bán lên cao chót vót. Kịch bản này không mới.

Gà màu vẫn có đất sống

Gà lông màu (giống gà Tam Hoàng) hiện bán tại trại 46.000-47.000 đồng/kg, người nuôi lãi 9.000-10.000 đồng/kg. Gà màu nhờ thịt dai như gà ta, hợp với người Việt nên tiêu thụ tốt và ít bị cạnh tranh với gà ngoại nhập như gà công nghiệp. Tuy nhiên, nếu để tình trạng nhập thịt ngoại giá rẻ đáng ngờ bán phá giá thì nuôi gà gì cũng bị ảnh hưởng.

Anh Nguyễn Văn Nghĩa,chủ trại gà Đông Hòa,Dĩ An, Bình Dương

Không phải là gà thải loại?

Ông Phan Xuân Thảo, Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP.HCM, nhận định nếu nói gà nhập bán trong nước là gà thải loại thì không đúng. Cần lưu ý gà đẻ trứng có vòng đời kéo dài 76-78 tuần. Đến khi không thể khai thác trứng được nữa, con gà này bị giết thịt chứ không phải bỏ đi vì ăn không được. Do bị khai thác trứng nên loại gà này không mập, thịt dai. Không ít người Việt thích thịt gà dai, do vậy một số doanh nghiệp nhập về rồi đưa ra thị trường.

Về kiểm dịch, theo ông Thảo, khi lô hàng sản phẩm động vật vào tới cảng sẽ được cơ quan chức năng lấy mẫu xét nghiệm vi sinh, tồn dư kháng sinh. Nếu lô hàng đảm bảo chất lượng thì cho thông quan và tiêu thụ ngoài thị trường.

TRẦN NGỌC

Nếu không kiểm soát chặt, để thịt ngoại nhập kém chất lượng, giá rẻ phá giá thị trường thì không ngành chăn nuôi nước nào sống nổi.

Ông Âu Thanh Long,Phó Chủ tịch Hiệp hộiChăn nuôi Đông Nam Bộ

Nguồn 24h