Doanh nghiệp thủy sản: Doanh thu to, lợi nhuận bé

ngày 06/08/2014

Nhiều doanh nghiệp thủy sản báo cáo doanh thu quý II đạt vài nghìn tỷ đồng, tăng mạnh so với cùng kỳ nhưng lợi nhuận thu được chỉ chiếm vài phần trăm so với lượng hàng bán ra, đặc biệt giảm mạnh so với năm ngoái.

Theo thống kê của VnExpress.net và đối tác cung cấp dữ liệu VNDirect, trong số hơn 10 doanh nghiệp đã báo cáo tài chính quý II, gần 50% có mức tăng trưởng về doanh thu khá cao, tuy nhiên, lợi nhuận lại giảm mạnh so với cùng kỳ.

Đáng lưu ý là ngay cả những doanh nghiệp nằm trong top đầu ngành thủy sản năm nay cũng chịu cảnh doanh thu “đầu voi” lợi nhuận “đuôi chuột”.

thuy-san-4167-1407203973.jpg

Doanh nghiệp thủy sản vẫn còn nhiều khó khăn. Ảnh: QH

Hiện dẫn đầu ngành thủy sản, Công ty cổ phần Hùng Vương (Mã CK: HVG) có doanh thu tăng trưởng ngoạn mục trong quý II với doanh thu thuần đạt 3.680 tỷ đồng, tăng gần 40% so với 2013, mức tăng vô cùng ấn tượng đối với những doanh nghiệp trong nhóm ngành này. Nhờ vậy, doanh thu thuần 6 tháng đầu năm của doanh nghiệp này cũng được đẩy lên 7.417 tỷ đồng, tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Thế nhưng, lợi nhuận sau thuế quý II chỉ đạt 106 tỷ đồng, giảm 20% so với cùng kỳ.

Đặc biết, phần lãi ròng dành cho cổ đông công ty mẹ chỉ hơn 64 tỷ đồng, giảm 42% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 6 tháng, công ty lãi 171 tỷ đồng, giảm 21% so với 6 tháng năm 2013. Tính đến 30/6, lượng hàng tồn kho của công ty là 3.569 tỷ đồng, nợ phải trả là 7.097 tỷ đồng.

Khó khăn hơn là Công ty cổ phần xuất nhập khẩu thủy sản An Giang (Mã CK: AGF), doanh thu giảm gần một nửa so với cùng kỳ, đặc biệt lợi nhuận quý II tụt dốc không phanh.

Báo cáo tài chính quý II của đơn vị này cho thấy doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 585,7 tỷ đồng, giảm mạnh so với cùng kỳ. Đặc biệt, lợi nhuận trước thuế quý II chỉ vỏn vẹn 4,4 tỷ đồng, giảm hơn 10 lần so với cùng kỳ. Nếu xét con số doanh thu hàng trăm tỷ đạt được với lợi nhuận thu về của doanh nghiệp thì con số này vô cùng nhỏ, lãi chỉ chiếm 0,7% doanh thu. Tính đến 30/6, hàng tồn kho của doanh nghiệp này là 762 tỷ đồng, tăng 28% so với đầu năm, nợ phải trả cũng tăng lên 1.586 tỷ đồng.

Lãnh đạo thủy sản An Giang cho biết, lợi nhuận quý II của đơn vị giảm 84,8% so với cùng kỳ là do doanh số xuất khẩu thị trường Mỹ giảm 100%, tương đương 574 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái.

Doanh thu vài chục tỷ, tăng mạnh so với cùng kỳ nhưng lợi nhuận tại Công ty cổ phần NTACO (Mã CK: ATA) cũng chỉ vỏn vẹn hơn trăm triệu đồng.

Báo cáo tài chính quý II của đơn vị này phản ánh, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 69,4 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ. Trong khi đó, lợi nhuận chỉ 176 triệu đồng, chiếm 0,25% doanh thu. Điều này cũng phản ánh tình trạng kinh doanh của doanh nghiệp này thiếu hiệu quả. Bởi lẽ, có rất nhiều đơn vị cùng ngành có doanh thu tương đương với NTACO, nhưng lại có lợi nhuận vài tỷ đồng. Năm nay doanh thu xuất khẩu của công ty này cũng giảm một nửa so với cùng kỳ, chỉ đạt 18,8 tỷ đồng.

Ngoài những doanh nghiệp thủy sản trên lãi thấp, năm nay đa phần các doanh nghiệp chuyên kinh doanh về cá tra gặp rất nhiều khó khăn về giá cả cũng như thị trường xuất khẩu. Báo cáo 6 tháng đầu năm của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho biết, mặc dù giá trị xuất khẩu thủy sản Việt Nam đạt trên 3,6 tỷ USD, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2013. Tuy nhiên, đóng góp cho sự tăng trưởng này phần lớn đến từ tôm. Còn các sản phẩm như cá tra, cá ngừ sụt giảm mạnh.

Trao đổi với Vnexpress.net, Tổng thư ký VASEP Trương Đình Hòe nhìn nhận, hiện doanh nghiệp thủy sản vẫn còn nhiều khó khăn. Đặc biệt đối với những doanh nghiệp doanh thu cao nhưng lợi nhuận thấp, đa phần là do chịu nhiều chi phí về tài chính. Mặt khác giá nguyên liệu, đầu vào tăng cao, trong khi đó doanh nghiệp lại bán sản phẩm ra thị trường với giá thấp, dẫn tới tình trạng bán ra thì nhiều mà lãi thu về lại ít.

"Hiện nay các doanh nghiệp thủy sản có lãi là điều đáng mừng, bởi lẽ, thị trường cạnh tranh ngày càng gay gắt, đơn vị nhập khẩu không muốn mua với giá cao nên để có được lợi nhuận, các doanh nghiệp phải rất trầy trật. Do vậy, biên lợi nhuận thấp là điều dễ hiểu", ông Hòe nói.

Tuy nhiên, 6 tháng cuối năm, ông Hòe tin tưởng thị trường sẽ có nhiều thuận lợi, các doanh nghiệp thủy sản sẽ từng bước vượt qua khó khăn và kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng thủy sản sẽ tăng trưởng hơn so với cùng kỳ.

Hồng Châu

{fcomment}