Doanh nghiệp kinh doanh nước giải khát: Phát triển dựa trên sự thấu hiểu

ngày 27/12/2022

Trong thời gian qua, các tổ chức trong nước và quốc tế giành nhiều giải thưởng về doanh nghiệp có trách nhiệm (CSR) và phát triển bền vững theo các tiêu chí môi trường - xã hội - quản trị (ESG) cho các doanh nghiệp Việt Nam. Trong đó, không ít doanh nghiệp trong lĩnh vực nước giải khát.

Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp

ESG là viết tắt: Environmental ( môi trường - bao gồm nguồn năng lượng được sử dụng, lượng rác thải hay lượng tài nguyên thiên nhiên cần thiết cho quá trình vận hành doanh nghiệp;) Social (xã hội - các mối quan hệ và danh tiếng được xây dựng qua những hoạt động đóng góp cho xã hội của doanh nghiệp;) Governance (quản trị - các vấn đề liên quan quản trị công ty, đạo đức kinh doanh...)

Sản phẩm nước giải khát được người tiêu dùng mọi lứa tuổi, ở các vùng miền mong đợi, và không thể thiếu trong dịp lễ tết

Trách nhiệm xã hội và tính bền vững của doanh nghiệp đều tập trung vào việc giúp công ty hoạt động sinh lời một cách có đạo đức và đề cao giá trị nhân văn thông qua các hoạt động có tác động tích cực đến cộng đồng. Các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất hàng tiêu dùng như ngành hàng lương thực, thực phẩm và đồ uống thực hiện phát triển bền vững trên các khía cạnh: sản xuất sản phẩm thân thiện với môi trường; thúc đẩy kinh tế địa phương; hoạt động hỗ trợ cộng đồng và đặc biệt tập trung vào sản suất sản phẩm xanh.

Nước giải khát là một mặt hàng quan trọng trong lĩnh vực kinh doanh F&B (Food and Beverage - loại hình dịch vụ kinh doanh ẩm thực, nhà hàng, ăn uống). Ngành góp phần đáng kể tạo việc làm, tăng trưởng kinh tế và đóng góp ngân sách hang ngàn tỷ đồng cho nhà nước mỗi năm. Đặc biệt, các sản phẩm nước giải khát đồng thời trở thành xu hướng được giới trẻ, (chiếm 63% nhu cầu sử dụng nước giải khát) nhất là thế hệ gen Z yêu thích và trải nghiệm hương vị mới, phong cách mới. Đây là cơ hội cho không chỉ cho các doanh nghiệp lớn mà cả các start up khởi nghiệp.

Với 1.800 nhà máy, các doanh nghiệp sản xuất nước giải khát tạo việc làm trực tiếp cho hơn 300.000 lao động và việc làm gián tiếp cho hàng triệu lao động; Các doanh nghiệp lớn có số lao động lên tới khoảng 3.000 người, kéo theo sự phát triển của chuỗi giá trị với quy mô gấp 6-9 lần, bao gồm nhà cung ứng, phân phối, thường là các doanh nghiệp vừa và nhỏ với các động lan tỏa lớn với nền kinh tế.

Nước giải khát được chia thành các nhóm: Nước khoáng đóng chai, nước ngọt, nước tăng lực, trà uống liền và nước hoa quả, trong đó phân khúc nước ngọt có sự tham gia của 135 doanh nghiệp, với những tên tuổi lớn như Coca - Cola, PepsiCo, URC, Tân Hiệp Phát...

Giáo dục, nâng cao nhận thức của cộng đồng là một tiêu chí quan trọng cho phát triển bền vững

Tính đến thời điểm hiện tại, mức tiêu thụ nước giải khát (NGK) trung bình mỗi người Việt Nam khoảng 23 lít/năm, thấp hơn nhiều so với mức 40 lít/năm/người của thế giới. Về số lượng sản phẩm, ở Việt Nam có trên 7.000 loại thức uống trong khi ở Nhật Bản là 14.000. Dễ nhận thấy thị trường Việt Nam còn nhiều cơ hội phát triển, đồng thời là những thách thức không nhỏ về công thức, tính thẩm mỹ, tính lành mạnh, các tiêu chí bền vững, trong điều kiện cạnh tranh ngày càng lớn, và khó khăn sau dịch Covid -19 khi giá cả nguyên vật liệu, logistics tăng cao

Những điểm sáng

Ngoài những đóng góp về KT-XH, đáp ứng nhu cầu của thị trường, các doanh nghiệp trong ngành nước giải khát luôn thể hiện trách nhiệm với xã hội, tiên phong trong các hoạt động phát triển bền vững, biểu tượng của niềm vui, lối sống tích cực.

Tính bền vững đang trở thành giá trị cốt lõi trong hoạt động của các doanh nghiệp ngành nước giải khát, giúp doanh nghiệp xác định tầm nhìn và định hướng chiến lược kinh doanh của mình. Cụ thể, đó là các nỗ lực giảm thải khí carbon và rác thải, sử dụng nguồn đầu vào có trách nhiệm, Coca - Cola Việt Nam, Suntory Pepsico, Tân Hiệp Phát… với chi phí hàng triệu USD cho các hoạt động này trong những năm gần đây.

Điển hình, Coca-Cola xem phát triển bền vững là trọng tâm của các hoạt động của mình. Với sứ mệnh 'Đổi mới thế giới và tạo nên sự khác biệt', công ty đặt ra chiến lược phát triển bền vững tập trung vào các mục tiêu: giảm hàm lượng đường, nước sạch cho cộng đồng, bao bì bền vững, chống biến đổi khí hậu, đa dạng – công bằng - hòa hợp và hỗ trợ cho cộng đồng. Từ năm 2010, công ty đã đầu tư hàng triệu USD vào các dự án xã hội tại Việt Nam bao gồm sáng kiến Ekocenter, các chương trình cung cấp nước sạch, trao quyền cho phụ nữ và doanh nghiệp vừa và nhỏ tại địa phương, hỗ trợ các gia đình khó khăn, quyên góp cho hoạt động cứu trợ thiên tai,… Đặc biệt, để hiện thực hóa tầm nhìn "Một thế giới không rác thải", Coca-Cola đặt mục tiêu thu gom và tái chế mỗi chai nhựa và lon sản phẩm được bán ra đến năm 2030, hướng tới mô hình kinh tế tuần hoàn cho bao bì.

Coca - Cola hướng tới việc giảm 2.000 tấn nhựa mới tại Việt Nam hằng năm

Là những đối thủ cạnh tranh trên thương trường, nhưng các doanh nghiệp tiêu biểu trong ngành nước giải khát luôn có chung một tầm nhìn cho mục tiêu phát triển bền vững, xuất phát từ việc thấu hiểu lợi ích của người tiêu dùng và những yêu cầu tuân thủ pháp lý, cam kết hội nhập, cùng cộng đồng và chính phủ hướng tới thực hiện đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Mục tiêu đó chính là “mỏ neo” để “con thuyền” phát triên bền vững của doanh nghiệp “ra khơi”!

Vào tháng 9, Coca - Cola Việt Nam đã thực hiện thêm một bước quan trọng trong việc hỗ trợ phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn bằng cách ra mắt sản phẩm làm từ 100% nhựa PET tái chế (rPET), trừ nắp và nhãn chai, trên toàn quốc, giúp giảm sử dụng hơn 2.000 tấn nhựa mới tại Việt Nam hàng năm. Công ty tận dụng sức mạnh thương hiệu để khuyến khích người tiêu dùng tái chế bằng cách in thông điệp "Tái chế tôi" trên tất cả các bao bì sản phẩm.

Suntory Pepsico cũng là thương hiệu được nhắc đến từ khi thành lập với tầm nhìn "Growing for Good - Phát triển vì những điều tốt đẹp" - đây là kim chỉ nam dẫn dắt doanh nghiệp đến những bước đột phá trên thị trường với điểm sáng là hành động giảm thiểu việc sử dụng nhựa, tiết kiệm 140 tấn nhựa/năm. Pepsico tiên phong tổ chức các chương trình nâng cao nhận thức vì môi trường. Có thể kể đến chương trình "Mizuiku - Em yêu nước sạch" tuyên truyền bảo vệ tài nguyên nước cho học sinh tiểu học, năm 2015; Chương trình "Triệu cây xanh - Vì một Việt Nam xanh" với mục tiêu trồng, chăm sóc khu vực rừng đầu nguồn ở những nơi thường xuyên chịu ảnh hưởng từ thiên tai, bão lụt, sạt lở được doanh nghiệp thực hiện vào năm 2021. Còn Tâp Hiệp Phát tâm huyết với mô hình kinh tế tuần hoàn với các thành tích nổi bật: Trong 10 năm (2013 - 2022), Tân Hiệp Phát đã giảm sử dụng trên 70.000 tấn nhựa; 12 năm liên tục giữ vững Thương hiệu quốc gia, với nhiều tiêu chí về phát triển bền vững…

Ngoài các danh hiệu Doanh nghiệp phát triên bền vững, Doanh nghiệp uy tín, Giải thưởng Rồng Vàng, Thương hiệu quốc gia,… mà các doanh nghiệp ngành nước giải khát đạt được, điều quan trọng và có ý nghĩa sâu sắc nhất là những giá trị nhân văn tốt đẹp được các doanh nghiệp không ngừng lan tỏa, nâng cao nhận thức với người tiêu dùng về môi trường.

Nguồn: daibieunhandan.vn