Diễn tập xử lý ngộ độc thực phẩm quy mô lớn tại TP.HCM

ngày 15/12/2014

 Cuộc diễn tập điều tra, xử lý vụ ngộ độc thực phẩm tập thể với quy mô lớn vừa diễn ra tại TP.HCM
Hơn 1.400 người bị ngộ độc thực phẩm/năm

Ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm là hậu quả của việc sử dụng thực phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm.

Ngộ độc thực phẩm luôn có nguy cơ xảy ra ở mọi quốc gia trên thế giới, kể cả các nước phát triển và cả các nước đang phát triển.

Cảnh diễn tập ngộ độc tại TP. HCM
Tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, trung bình có 15 vụ/năm với số mắc khoảng 1.400 người mắc/năm.

Hiện nay ngộ độc thực phẩm đông người, ở các bếp ăn tập thể vẫn đang tiếp tục xảy ra, có nguy cơ cao ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động.

Ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết: “Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm là vấn đề được cả xã hội quan tâm. 1/3 dân số của các nước phát triển có bệnh liên quan đến thực phẩm. Ở các nước đang phát triển như chúng ta, tỉ lệ càng cao hơn.

Tại TP.HCM có gần 3.000 bếp ăn tập thể cho công nhân, hơn 1.000 bếp ăn cho các cháu ở các trường học với hơn nửa triệu học sinh.

Nếu bếp ăn tập thể xảy ra ngộ độc dẫn đến tình hình rất nghiêm trọng. Vì vậy, chúng tôi đã triển khai nhiều biện pháp để nâng cao chất lượng thực phẩm”.

 
Để dự phòng ngộ độc thực phẩm tại các bếp ăn tập thể ngoài việc tăng cường chất lượng, hiệu quả các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể cần phải điều tra, xử lý, khắc phục nhanh chóng, hiệu quả để giảm thiểu ảnh hưởng của vụ ngộ độc thực phẩm.

Vì vậy, Cục An toàn thực phẩm đã phối hợp với Sở Y tế, Chi Cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP.HCM tổ chức ”Diễn tập điều tra, xử lý vụ ngộ độc thực phẩm tập thể tại Công Ty TNHH Nobland Việt Nam, địa chỉ 1-8 Lô 1-15, Khu A1, KCN Tân Thới Hiệp, P. Hiệp Thành, Q.12, TP.HCM cho 31 tỉnh từ Nam Trung bộ trở vào.

Mục tiêu của cuộc diễn tập là mô hình hóa tổ chức chỉ đạo, phối hợp triển khai điều tra, xử lý vụ ngộ độc thực phẩm đặc biệt vụ có nhiều người mắc.

Từ đó, chuẩn hóa thực hành triển khai điều tra, xử lý vụ ngộ độc tập thể trên thực địa nhằm kiểm soát, xử lý hiệu quả vụ ngộ độc.

Ngộ độc thực phẩm: Lãnh đạo bỏ trốn


Trên thực tế, khi xảy ra ngộ độc, không phải chủ doanh nghiệp nào cũng phối hợp với cơ quan chức năng.

Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế Nguyễn Hùng Long chia sẻ: Từng có một vụ ngộ độc tập thể xảy ra ở tỉnh A. nhưng lãnh đạo doanh nghiệp đã trốn. Chúng tôi phải đến giải thích và nói rằng hãy để chúng tôi giúp. Lúc đó, họ mới hiểu và để chúng tôi vào giải quyết.

 
Như vậy, khi gặp tình huống ngộ độc, doanh nghiệp cần báo ngay lên cơ quan chức năng và phối hợp để giải quyết vụ việc.

Trước khả năng các vụ ngộ độc thực phẩm có thể xảy ra, cuộc diễn tập ngà 13/12 đã đưa ra tình huống giả định.

Vào lúc 15h30 ngày 13/12/2014, tại Công Ty TNHH Nobland Việt Nam, địa chỉ 1-8 Lô 1-15, Khu A1, KCN Tân Thới Hiệp, P. Hiệp Thành, Q.12, TP.HCM xuất hiện trên 20 công nhân có dấu hiệu đau bụng, buồn nôn, nôn.
Một số có biểu hiện tiêu chảy đang tập trung khám tại Phòng Y tế của công ty.

Theo thông báo từ các phân xưởng sản xuất, hiện tại đây có thêm nhiều bệnh nhân có biểu hiện tương tự đang được chuyển lên Phòng Y tế. Được biết công ty có tổ chức bữa ăn trưa tập trung cho toàn bộ 5.000 công nhân của công ty.

Người ngộ độc nặng được kịp thời đưa đi cấp cứu.
Ngay lập tức, công ty đã thông báo lên Trung tâm cấp cứu 115. Ban lãnh đạo Trung tâm 115 gọi điện thoại thông báo về Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm và Phòng nghiệp vụ Y.

Từ đó, các đơn vị liên quan thông tin, phối hợp để đưa ra biện pháp giải quyết tốt nhất.

Sau đó, các hoạt động như tiếp nhận, sơ cứu, khám phân loại bệnh nhân, điều tra nguyên nhân gây ngộ độc được tiến hành...

Cuộc diễn tập đã thành công tốt đẹp.

Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Nguyễn Hùng Long cho biết: Đây là năm đầu tiên có hoạt động diễn tập điều tra, xử lý ngộ độc thực phẩm như với quy mô như vậy.

Ngộ độc thực phẩm là điều không ai mong muốn nhưng nếu xảy ra, cuộc diễn tập sẽ giúp các cơ sở không bị lúng túng nếu xảy ra trong thực tế.

Diễn tập sẽ giúp cho việc phối hợp diễn ra nhanh chóng, tránh bị lộn xộn khi xảy ra ngộ độc, tránh xảy ra rủi ro.

Theo VTC News

{fcomment}