Di sản Then: Nhiều cơ hội để trở thành di sản văn hóa phi vật thể

ngày 08/04/2017

Văn phòng Chính phủ mới đây đã có văn bản về việc gửi Hồ sơ quốc gia “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam” trình UNESCO xét ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. 

Di sản Then: Nhiều cơ hội để trở thành di sản văn hóa phi vật thể

Đây là dịp để chúng ta giới thiệu, quảng bá tới nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế về các giá trị của di sản Then của đồng bào các dân tộc Việt Nam.

Nỗ lực đưa then vào cộng đồng

Bộ VH-TT&DL đã gửi hồ sơ “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam” tới UNESCO hồi cuối tháng 3/2017, để được dự xét trong năm 2018. Vì vậy, việc bảo tồn và phát triển loại hình nghệ thuật độc đáo này càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Không chỉ đơn thuần là một loại hình nghệ thuật diễn xướng, hát Then còn là một hình thức tín ngưỡng lâu đời của đồng bào dân tộc Tày, Nùng, Thái, luôn có sức sống mãnh liệt trong đời sống nhân dân.

Trong nhiều năm trở lại đây việc cải biên, phát triển các làn điệu Then được các nhạc sĩ người dân tộc thiểu số hết sức quan tâm. Những sáng tác đưa Then từ không gian nghi lễ đến không gian sân khấu, đem lại nhiều hứng thú cho không ít khán, thính giả.

Đơn cử, như nhạc sĩ Nông Viết Toại dựa trên làn điệu Then Bắc Kạn đặt lời cho bài hát “Lập xuân” ca ngợi vẻ đẹp của con người, trời mây, sông nước… khi hoa đào “tô thắm quê hương” và cổ động việc trồng cây ngày Tết. Hay dựa vào làn điệu Then ở Cao Bằng, nhạc sĩ Hoàng Hoa Cương viết nên tác phẩm “Trăng soi đường Bác” với nội dung ca ngợi Hồ Chủ tịch…

Không chỉ được cải biên, gần đây một số bài hát dựa trên giai điệu của Then đã được đánh giá cao như “Đi học” của nhạc sĩ Bùi Đình Thảo (phổ thơ Minh Chính), “Suối Lênin” của nhạc sĩ Phạm Tuyên thì cả hai tác phẩm đều có nền là giai điệu Then “Pây tàng” (Đi đường) vùng Ngân Sơn (Bắc Kạn)…

Ở nhiều trường dân tộc nội trú phía Bắc hầu hết có các CLB hát then, đàn tính, hội tụ rất đông các nam thanh nữ tú tham gia tập luyện. Còn Khoa Dân tộc của Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Việt Bắc đã đưa hát Then vào chương trình giảng dạy.

Vẫn còn nhiều gian khó

Việc xây dựng hồ sơ đề nghị UNESCO đưa vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là dịp để giới thiệu, quảng bá tới nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế về các giá trị của di sản Then, đồng thời giúp cộng đồng các địa phương nâng cao ý thức trách nhiệm tham gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản.

Tuy nhiên, theo PGS.TS Nguyễn Bình Định - Viện trưởng Viện Âm nhạc - đơn vị đảm nhiệm lập hồ sơ di sản cho biết, từ trước đến nay, chưa có loại hình nghệ thuật nào của bà con các dân tộc vùng núi phía Bắc được công nhận danh hiệu di sản của UNESCO nên quá trình xây dựng gặp rất nhiều khó khăn.

Then tồn tại và phát triển ở địa bàn các tỉnh vùng núi phía Bắc, cho nên việc đi lại của các chuyên gia cũng không dễ dàng. Trong hành trình hoàn thiện hồ sơ cho “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam”, việc dịch lời các bài Then cũng là một trở ngại lớn. Đơn cử như người biết tiếng Tày cũng chưa chắc dịch được các bài hát hát Then. Bởi nhiều bài là tiếng cổ, cộng với phải hiểu biết, có kiến thức về tín ngưỡng, tâm linh, dân tộc thì mới dịch được.

“Vì thế, khi làm hồ sơ, chúng tôi đã yêu cầu mỗi tỉnh phải cung cấp một chuyên gia hiểu biết về Then dịch lời rồi mới chọn lọc đưa vào hồ sơ. Chúng tôi từng làm một lễ cấp sắc ở Bắc Kạn, phải dịch lời mất hai tháng mới xong” - PGS.TS Nguyễn Bình Định cho hay.

Ông Định cũng cho biết, việc bảo tồn không hề dễ dàng, bởi Then mang tính tâm linh, nghi lễ nhiều hơn là trình diễn. Như đờn ca tài tử, cũng có sức sống hiện tại tương tự như Then, ai cũng có thể hát được, nhưng Then thì không thể, vì Then gắn với việc làm lễ của thầy Then. Và, một trong những vấn đề quan trọng không kém khi bảo tồn và phát triển nghệ thuật hát Then là phải phát huy được ý thức tự giác và sự trân trọng với di sản văn hóa của người dân.

Với những nỗ lực thực hành Then trong cộng đồng, di sản Then của Việt Nam đang có nhiều cơ hội để trở thành di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Nguồn GDTĐ