Đẩy mạnh công tác ứng dụng CNTT trong các cơ quan Nhà nước

ngày 08/11/2017

Thực tiễn hoạt động thời gian vừa qua là sự gắn kết giữa 4 cơ quan đóng vai trò quan trọng trong triển khai ứng dụng CNTT gồm Bộ TT&TT, Bộ Nội vụ, Văn phòng Chính phủ và Ban Cơ yếu Chính phủ.

>> Xem thêm: phần mềm quản lý tài liệu, Cloudoffice thái sơn

day-manh-cong-tac-ung-dung-cntt-trong-cac-co-quan-nha-nuoc

Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng chủ trì cuộc họp Ban điều hành triển khai công tác ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước được tổ chức chiều ngày 31/10/2017 tại Hà Nội.

Chiều nay, 31/10, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng, Trưởng ban Ban điều hành triển khai công tác ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước đã chủ trì phiên họp toàn thể năm 2017 của Ban điều hành.

Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng khẳng định, năm 2017 hoạt động của Ban điều hành đã có sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, đơn vị. Thực tiễn hoạt động thời gian vừa qua là sự gắn kết giữa 4 cơ quan đóng vai trò quan trọng trong triển khai ứng dụng CNTT gồm Bộ TT&TT, Bộ Nội vụ, Văn phòng Chính phủ và Ban Cơ yếu Chính phủ.

Theo Thứ trưởng, nhờ có sự gắn kết này mà một loạt văn bản quy phạm pháp luật về các chính sách hết sức quan trọng nhưng cũng khó khăn đã được triển khai như: các vấn đề liên quan đến cơ sở dữ liệu, kết nối liên thông, chữ ký số hay vấn đề về gắn kết giữa ứng dụng CNTT với cải cách hành chính hướng tới một cửa liên thông...

"Tôi có thể nói là năm 2017 là năm đột phá, quyết liệt trong vấn đề này. Với tinh thần đó, tôi cũng hy vọng thời gian tới, công tác ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước sẽ được nâng lên", Thứ trưởng nhấn mạnh.

Tại cuộc họp, bên cạnh báo cáo của Cục Tin học hóa – cơ quan thường trực Ban điều hành về kết quả thực hiện một số nội dung Chương trình công tác của Ban trong năm 2017, các thành viên Ban điều hành đã tập trung trao đổi, thảo luận về một số nội dung: dự thảo Nghị định của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông; đề án nghiên cứu về sự cần thiết ban hành các quy định, chính sách về dữ liệu mở (Open Data); Cơ chế tài chính cho công tác đảm bảo an toàn thông tin (ATTT) trong hoạt động của cơ quan nhà nước và Cơ chế phối hợp xử lý phầm mềm độc hại giữa các cơ quan, tổ chức; Tình hình xây dựng dự thảo Nghị định sửa Nghị định 26 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số; dự thảo Thông tư quy định việc sử dụng chữ ký số trong gửi nhận văn bản điện tử.

Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng đề nghị các cơ quan, đơn vị trong thời gian tới tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn nữa, cụ thể là trong việc xây dựng dự thảo Nghị định của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông.

"Thời gian tới, các đơn vị thuộc Bộ TT&TT như Cục Tin học hóa, Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia cần phối hợp chặt chẽ với Cục Kiểm soát Thủ tục hành chính và Cổng thông tin điện tử Chính phủ – Văn phòng Chính phủ để chúng ta triển khai tốt chủ trương này. Tôi cho rằng Ban Cơ yếu Chính phủ cũng nên tham gia vào, phối hợp chặt chẽ để làm thế nào chúng ta đưa ra được Kế hoạch tổng thể triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông", Thứ trưởng yêu cầu.

Đối với nhiệm vụ nghiên cứu về sự cần thiết ban hành các quy định, chính sách về liên quan đến Open Data, nhấn mạnh đây là vấn đề rất mới nhưng hết sức quan trọng trong việc thực hiện chuyển đổi sang nền kinh tế số, trong triển khai đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, Thứ trưởng yêu cầu Viện Công nghiệp phần mềm và Nội dung số tiếp tục triển khai đề tài nghiên cứu này.

Về các nội dung liên quan đến ATTT, Thứ trưởng nhận định, thời gian vừa qua Cục ATTT và VNCERT đã rất gắn kết trong triển khai công tác đảm bảo ATTT gắn chặt với ứng dụng CNTT. Thứ trưởng mong rằng các nội dung đã được Cục ATTT và VNCERT hướng dẫn sẽ là sở cứ để các bộ, ngành, địa phương đảm bảo tốt công tác ATTT trong thời gian tới.

Với việc xây dựng dự thảo Nghị định sửa Nghị định 26, theo Thứ trưởng đã tổ chức họp Ban soạn thảo nhiều lần và có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên, đặc biệt là giữa Bộ TT&TT và Ban Cơ yếu Chính phủ.

"Rất hy vọng Nghị định mới về chữ ký số được ban hành sẽ đáp ứng được một số tình hình mới. Nghị định 26 đã tồn tại 10 năm, rất nhiều bất cập. Trong bối cảnh hiện nay, vấn đề ứng dụng CNTT phải đảm bảo an toàn. Nền tảng về chữ ký số hết sức quan trọng khi xây dựng Chính phủ điện tử. Nội dung này không những đòi hỏi về hạ tầng kỹ thuật mà còn đòi hỏi cả về con người, văn bản quy phạm pháp luật", Thứ trưởng nói.

Trong báo cáo về tình hình xây dựng dự thảo Nghị định sửa Nghị định 26 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số, ông Lã Hoàng Trung – Giám đốc Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia thuộc Bộ TT&TT cho biết, về tiến độ, Bộ TT&TT đã hoàn thành các thủ tục xây dựng Nghị định theo quy định và Bộ Tư pháp đang hoàn thiện văn bản thẩm định dự thảo Nghị định này theo ý kiến Hội đồng thẩm định họp ngày 25/10 vừa qua.

"Sau khi có ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia sẽ hoàn thiện hồ sơ Nghị định để trình Chính phủ", ông Trung cho biết.

Được xây dựng nhằm khắc phục những quy định hạn chế, bất cập, không còn phù hợp tình hình thực tế của Nghị định 26, dự thảo Nghị định mới thay thế cho Nghị định 26 gồm 9 chương với 84 Điều.

Dự thảo Nghị định mới này được kỳ vọng sẽ góp phần bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về dịch vụ chứng thực chữ ký số, đẩy mạnh ứng dụng chữ ký số trong các hoạt động kinh tế – xã hội và trong cơ quan nhà nước, đảm bảo an toàn cho các giao dịch điện tử.

(Theo vanphongdientu.edu.vn)