Đan Mạch sắp thành quốc gia không tiền mặt

ngày 18/05/2015

Chính phủ nước này vừa đề xuất các hãng bán lẻ chỉ nên chấp nhận thanh toán qua thẻ hoặc điện thoại di động.

Đan Mạch đang tiến gần hơn tới danh hiệu quốc gia không tiền mặt đầu tiên trên thế giới, khi tuần trước, Chính phủ công bố một loạt đề xuất, trong đó hủy bỏ luật yêu cầu các cửa hàng chấp thuận thanh toán bằng tiền mặt và đề nghị chỉ thanh toán điện tử. Nếu được Quốc hội thông qua, các hãng bán lẻ thời trang, nhà hàng, trạm xăng nước này có thể tiến tới không sử dụng tiền mặt vào tháng 1/2016.

Thanh toán bằng thẻ đã thống trị Đan Mạch, theo một báo cáo của hãng dịch vụ thanh toán WorldPay. Đến năm 2012, 84,2% giao dịch tại nước này là bằng thẻ, với các dịch vụ ví điện tử tăng trưởng chóng mặt. Năm đó, Ireland là quốc gia duy nhất tại châu Âu xếp trên Đan Mạch về tỷ lệ này.

dan-mach-jpeg-7617-1431917895.jpg

Hệ thống trạm thẻ tại Copenhagen (Đan Mạch). Ảnh: Reuters

Những người ủng hộ đề xuất trên cho rằng ít tiền mặt tại quầy thu ngân sẽ làm tăng an ninh trong cửa hàng, đồng thời giảm nguồn lực cho việc kiểm đếm và lưu trữ tiền giấy, tiền xu. "Một môi trường không tiền mặt sẽ giúp các mô hình cửa hàng mới hoạt động dễ dàng hơn. Việc thanh toán cũng sẽ ít đắt đỏ hơn do không có các hoạt động tốn kém liên quan tới tiền mặt", Jens Karskov - Giám đốc Phòng Thương mại Đan Mạch cho biết trong một thông cáo.

Dù vậy, các dịch vụ cần thiết như bưu điện, căng tin bệnh viện, dịch vụ nha khoa và xương khớp sẽ vẫn được thanh toán hợp pháp bằng krone Đan Mạch, theo website Bộ Tài chính nước này.

Chuyển đổi thành nền kinh tế hoàn toàn không tiền mặt sẽ là thách thức lớn về mặt văn hóa hơn là công nghệ, Peter Hahn – Giáo sư Ngân hàng và Tài chính công tại Trường Kinh doanh Cass (Anh) nhận xét. "Đây là vấn đề về văn hóa. Nó đòi hỏi phải có sự chấp nhận và còn tùy vào việc người ta có thoải mái với thẻ nhựa hay không", Hahn cho biết.

Dù không phải tất cả mọi người đều được tiếp cận thanh toán qua di động, kể cả những người thuộc tầng lớp nghèo nhất tại châu Âu cũng đã có thẻ ngân hàng. Một số Chính phủ thậm chí còn bắt đầu trả phúc lợi xã hội qua thẻ, Enrique Velasco-Castillo – nhà phân tích tại Analysys Mason cho biết. "Đây thực sự không phải vấn đề lớn với mọi người, khi dịch vụ ngân hàng đã được tiếp cận rộng rãi", ông nhận xét.

Tại các thị trường có hệ thống tài chính ổn như như Bắc Âu, người ta chẳng có lý do gì để giữ tiền mặt, Velasco-Castillo nói. Một số cửa hàng tại Thụy Điển đã hoàn toàn không dùng tiền mặt. Hệ thống xe bus tại các thành phố lớn như Stockholm (Thụy Điển) cũng không nhận tiền mặt nữa. London năm ngoái cũng có động thái tương tự, khiến người đi xe phải trả trước tiền vé hoặc dùng thẻ ghi nợ.

Việc gia tăng thanh toán điện tử có thể làm dấy lên các mối lo ngại bảo mật. Tuy nhiên, Hahn cho rằng những lo ngại này không đáng kể so với ngân sách chính phủ. Giám sát được các hoạt động thanh toán sẽ giúp họ thu thuế và "chống tham nhũng" dễ dàng hơn.

"Việc này có ý nghĩa trên góc độ kinh tế. Đưa tiền giấu và tiền xu vào hệ thống tốn kém lắm. Tiền cứ phải mang đi mang lại, rồi rách, và còn phải đếm nữa. Đó là chi phí lớn với cả hệ thống", ông nói.

Phòng Thương mại Đan Mạch rất lạc quan về khả năng thành hiện thực của xã hội không tiền mặt. "Chắc chắn việc này sẽ xảy ra trong tương lai. Nhưng tương lai cũng đâu nhất thiết phải là ngày mai", Hahn cho biết.

 

Nguồn Vnexpress