Đại gia Việt: Kế hoạch sốc, vay nghìn tỷ

ngày 05/08/2014

Đều là những đại gia tên tuổi, được biết đến qua hàng loạt những dự án khủng, kế hoạch sốc... và vay tiền tỷ.
“Chúa đảo” Tuần Châu tính vay 10.000 tỷ

Dù được biết đến là người nắm tiền nhiều của, nhưng ông "chúa đảo" Đào Hồng Tuyển lại vừa có một ký kết vay nợ lên tới 10.000 tỷ đồng.

Thông tin cho biết, chiều 4/8/2014, một ngân hàng trong nước đang xem xét cho Tập đoàn Tuần Châu của ông Đào Hồng Tuyển vay nợ 10.000 tỷ đồng để phát triển những dự án do doanh nghiệp này làm chủ đầu tư tại Quảng Ninh, cũng như trên toàn Việt Nam.

Vị đại gia này từng bị gắn nhiều với những đồn đoán nắm vợ nhiều con, nợ nần chồng chất. Như bắt được dịp "khoe của" ông Tuyển thẳng thừng bác bỏ những đồn đoán, bằng việc công khai toàn bộ khối tài sản khổng lồ.
Cảng tàu khách Tuần Châu

Theo vị đại gia này, ngoài sở hữu đảo du lịch quốc tế Tuần Châu (Quảng Ninh), hiện giờ ông Đào Hồng Tuyển sở hữu 14 công ty, 34 nhà máy xí nghiệp với cả vạn công nhân…“Chúa đảo” Đào Hồng Tuyển không ngần ngại nói rằng, tổng tài sản của ông lên tới 2 tỷ đô la Mỹ.

Ông cũng tự hào là người đã đứng ra tổ chức chức cuộc gặp một trăm người giàu Việt Nam và một trăm người đẹp từ khắp thế giới rất hoành tráng.

Đại gia mua trực thăng muốn vay 1.350 tỷ

Mới đây, ông Phạm Ngọc Lâm - Chủ tịch HĐQT công ty cổ phần Đức Khải một doanh nghiệp chuyên về lĩnh vực kinh doanh bất động sản, xuất nhập khẩu tại TP HCM bất ngờ tuyên bố sẽ sắm 100 tàu và 2 trực thăng để ra Hoàng Sa đánh cá.

Thuyết minh cho dự án này, vị đại gia khá thành đạt ở TP.HCM từng chia sẻ cảm thấy bứt rứt, căm tức hành động ngang ngược của Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép nên đã không thể thờ ơ.

Và một kế hoạch “kinh doanh” táo bạo chưa từng có đã được lập ra và nhận được sự ủng hộ từ các cấp lãnh đạo Đảng và Nhà nước cũng như toàn bộ cổ đông công ty cổ phần Đức Khải.

Tuy nhiên, trong đề án cũng nêu rõ tổng mức đầu tư của đề án này là 1.500 tỷ đồng, Cty Đức Khải phải vay 90% (1.350 tỷ đồng), còn lại là vốn tự có, khoảng 150 tỷ đồng.

Ngay trong đề án, Cty Đức Khải cũng kiến nghị: Về lãi suất hiện hành áp dụng là 3%. Tuy nhiên, lấy lý do là thí điểm nên, ông Lâm kiến nghị mức hỗ trợ lãi suất 1%/năm, kể từ năm thứ 2 đến năm thứ 11, ân hạn 1 năm không tính lãi suất.

Với số tiền trên, công ty này dự kiến sẽ nhập 95 tàu đánh bắt (bình quân 8 tỷ đồng/chiếc), cùng với các ngư cụ trên tàu (khoảng 3 tỷ đồng/chiếc); 5 tàu dịch vụ hậu cần khoảng 15-20 tỷ đồng/chiếc, cùng với thiết bị chuyên dụng cho các tàu (thêm khoảng 10 tỷ đồng/chiếc); 2 trực thăng khoảng 60 tỷ đồng.

Ngoài ra, Cty Đức Khải cũng lên kế hoạch nhập 2 ụ nổi (loại 5.000 tấn), đặt tại ngư trường tiếp nhận hải sản đánh bắt, phân loại sơ chế, bảo quản.

Nhiều chuyên gia ban đầu còn bất ngờ, thán phục sau là nghi ngờ. TS Chu Tiến Vĩnh, nguyên Phó Tổng cục trưởng Thủy sản cho rằng, hiện một số nước như Hàn Quốc, Nhật Bản có rất nhiều tàu khai thác hải sản vỏ thép, công suất trên dưới 1.000 CV, tuổi trên 10 năm phải nằm bờ, do đánh bắt không hiệu quả.

Các nước này đã nhiều lần muốn tặng (không phải mua) cho ngành thủy sản Việt Nam số tàu này. Tuy nhiên, theo ông Vĩnh, sau khi xem xét nhiều khía cạnh, cả về chủng loại tàu và các ngư cụ sử dụng có phù hợp với biển Việt Nam hay không, đặc biệt là đối chiếu với Nghị định 52 về nhập khẩu tàu cá, Tổng cục Thủy sản tạm ngừng việc tiếp nhận số tàu “biếu không” của các nước trên.

Nguồn: VTC News

{fcomment}