Đại dịch Covid-19 diễn biến đáng lo ngại tại nhiều quốc gia

ngày 16/06/2020

Số ca nhiễm Covid-19 tăng kỷ lục ở nhiều tiểu bang của Mỹ

Mỹ: Số ca nhiễm và nhập viện tăng đột biến

Số ca nhiễm Covid-19 tăng kỷ lục ở nhiều tiểu bang của Mỹ, đặc biệt là tại Florida và Texas trong bối cảnh hầu hết các bang trên toàn nước Mỹ đang thúc đẩy việc mở cửa hoàn toàn nền kinh tế. Các bang Alaska, Arizona, Arkansas, California, Florida, Bắc Carolina, Oklahoma và Nam Carolina cũng ghi nhận số ca nhiễm mới kỷ lục trong 3 ngày qua.

Tại Louisiana, một trong những “điểm nóng”, số trường hợp nhiễm mới lại tăng với hơn 1.200 người. Các quan chức y tế cho rằng sự gia tăng số ca nhiễm Covid-19 mới có thể là do một phần của các cuộc tụ tập vào tuần lễ “Chiến sĩ trận vong” (Memorial Day) vào cuối tháng 5 và cũng có thể do sự gia tăng đáng kể số lượng các xét nghiệm.

Những diễn biến phức tạp tại một số bang ở Mỹ dấy lên lo ngại về làn sóng bùng phát dịch thứ 2 khi các bang đang chuẩn bị cho việc mở cửa hoàn toàn nền kinh tế trong khi một số bang không đáp ứng được các điều kiện để mở cửa trở lại. Bên cạnh đó, hầu hết các bang sẽ không thể xem xét việc đóng cửa lần thứ 2 do họ phải đối mặt với tỷ lệ thất nghiệp cao.

Trước nguy cơ trên, không chỉ các chuyên gia y tế mà một số quan chức trong chính quyền Tổng thống Donald Trump cũng khuyến cáo người dân cần đeo khẩu trang che mặt cũng như tránh tụ họp đông người để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow khẳng định người dân cần phải tuân thủ các nguyên tắc an toàn, giữ khoảng cách xã hội và phải đeo khẩu trang tại những nơi quan trọng.

Liên minh châu Âu đang nỗ lực tìm kiếm và đảm bảo nguồn cung vaccine cho các quốc gia thành viên

Liên minh châu Âu: Nỗ lực đảm bảo nguồn cung vaccine

Bốn nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) bao gồm Hà Lan, Đức, Italia và Pháp đã đàm phán và đạt được thỏa thuận với tập đoàn dược phẩm AstraZeneca của Thụy Điển và Anh nhằm đảm bảo việc cung ứng 300 triệu liều vaccine cho người dân trong khối. Theo đó, toàn bộ các nước thành viên EU sẽ có vaccine phòng Covid-19 ngay khi loại vaccine này được tìm ra.

Ủy ban châu Âu (EC) sẵn sàng chi khoảng 2,4 tỷ Euro để đảm bảo việc thực thi thỏa thuận này. Việc nhanh chóng thực hiện khoản thanh toán này sẽ cho phép Tập đoàn AstraZeneca tập trung đầu tư vào khả năng sản xuất vaccine. Các Bộ trưởng Y tế 4 nước Hà Lan, Đức, Italia và Pháp bày tỏ vui mừng về hợp đồng mua vaccine phòng Covid-19 đã đạt được với AstraZeneca.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Y tế Vương quốc Bỉ, bà Maggie De Block lại chỉ trích kế hoạch này khi cho rằng nó sẽ làm suy yếu nỗ lực của EU trong khuyến khích nghiên cứu vaccine vốn đang được tiến hành và khi vaccine được tìm ra và sản xuất cũng cần nhận được đặt hàng của 27 quốc gia thành viên. Kế hoạch này ít có khả năng diễn ra nếu EU lại chuyển sang một kế hoạch khác.

Ngoài ra, Bộ trưởng Y tế liên bang Đức Jens Spahn cũng khuyến cáo người dân Đức cần cẩn trọng khi đi du lịch và chỉ đi khi thực sự cần thiết trong bối cảnh việc kiểm soát biên giới châu Âu được dỡ bỏ từ ngày 15-6 và Đức cũng dỡ bỏ cảnh báo đi lại tới các nước EU và Anh, thay vào đó có những khuyến cáo đi lại cụ thể đối với từng nước và khu vực. Trong khi đó, Đức vẫn giữ cảnh báo đi lại tới trên 160 nước ngoài EU cho tới cuối tháng 8 tới. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã hoan nghênh “chiến thắng đầu tiên” của nước này trước đại dịch Covid-19, nhưng cảnh báo cần phải tiếp tục tuân thủ các biện pháp giãn cách xã hội trong một thời gian dài. Tổng thống Emmanuel Macron cho biết người dân Pháp sẽ được tự do di chuyển trong châu Âu từ ngày 15-6, cũng như đến các quốc gia bên ngoài châu Âu nơi dịch bệnh được kiểm soát từ ngày 1-7.

Trung Quốc: Ngăn chặn dịch Covid-19 lây lan tại Bắc Kinh

Trung Quốc kêu gọi đưa ra các biện pháp kiên quyết nhằm ngăn chặn sự lây lan các ổ dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 tại Thủ đô Bắc Kinh. Nhấn mạnh các ổ dịch mới tại Bắc Kinh đều liên quan tới chợ đầu mối Tân Phát Địa - địa điểm có đông người lui tới, Trung Quốc cảnh báo nguy cơ cao virus SARS-CoV-2 lây lan, đồng thời yêu cầu đưa ra các biện pháp ứng phó kiên quyết. Phó Thủ tướng Tôn Xuân Lan kêu gọi các cuộc điều tra dịch tễ chặt chẽ nhất tại chợ này và khu vực xung quanh, cũng như truy dấu triệt để nhằm xác định và kiểm soát nguồn lây.

Phải tăng cường năng lực xét nghiệm tại Bắc Kinh để có thể kiểm soát tất cả các khu vực chủ chốt cũng như các nhóm dân cư then chốt, mở rộng phạm vi xét nghiệm nhằm nhanh chóng phát hiện các ca mắc bệnh cũng như những trường hợp không có triệu chứng. Bà Tôn Xuân Lan kêu gọi cộng đồng thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh, sàng lọc các ca nhiễm, ca nghi nhiễm, những bệnh nhân bị sốt có thể mang bệnh, cũng như các nguồn tiếp xúc gần, đưa họ đi cách ly tại các cơ sở được chỉ định.

Pakistan: Dịch Covid-19 sẽ hơn 1 triệu ca nhiễm?

Bộ trưởng Kế hoạch Pakistan Asad Umar cảnh báo số ca nhiễm Covid-19 tại nước này có thể tăng gấp đôi trước cuối tháng 6 và đạt đỉnh với hơn 1 triệu ca nhiễm chỉ 1 tháng sau đó. Cảnh báo của Bộ trưởng Asad Umar đưa ra trong bối cảnh nhiều người dân Pakistan tiếp tục phớt lờ những chỉ dẫn về giãn cách xã hội, giữ gìn vệ sinh cũng như các biện pháp khác nhằm đối phó với dịch bệnh - “Chuyên gia ước tính rằng số ca nhiễm có thể lên tới 300.000 người trước cuối tháng 6 nếu chúng ta tiếp tục coi thường các quy trình thao tác tiêu chuẩn (SOP) và xem nhẹ vấn đề. Chúng tôi lo ngại số ca nhiễm có thể tăng hơn 1,2 triệu ca trước cuối tháng sau”.

Ban đầu, Pakistan và các quốc gia Nam Á có tỷ lệ lây nhiễm thấp hơn so với các nước phương Tây, song hiện số ca nhiễm tại những nước trong khu vực này đang gia tăng nhanh chóng. Số ca bệnh tại Pakistan tăng cao là do người dân vi phạm các biện pháp hạn chế của Chính phủ, cũng như tụ tập đông người tại các đền thờ và các khu chợ, hầu hết đều không sử dụng khẩu trang và găng tay.

Số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 mới tăng mạnh tại châu Phi

Châu Phi: Chuyên gia cảnh báo xu hướng ca mắc mới gia tăng

Thành viên của Ủy ban kinh tế Liên hợp quốc tại châu Phi (UNECA) - ông Costantinos Bt. Costantinos đã bày tỏ quan ngại về sự gia tăng nhanh chóng các ca mắc Covid-19 mới tại châu Phi, đặc biệt khi tình trạng này tập trung ở một số quốc gia. Theo ông Constatinos, tuy số ca mắc Covid-19 ở châu Phi chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ so với tổng số người bệnh toàn cầu, song tình hình kinh tế - xã hội ở châu Phi lại chịu ảnh hưởng tương đối nặng nề, do giá dầu và nguyên liệu thô giảm mạnh, sự mất giá của đồng nội tệ…, đang làm tăng áp lực nợ nước ngoài.

Trong bối cảnh số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 mới tăng mạnh tại châu Phi, nhiều chuyên gia đã kêu gọi sự đoàn kết quốc tế và tăng cường hỗ trợ cho cuộc chiến chống Covid-19 tại đây. Người đứng đầu Văn phòng tiểu vùng Trung Phi của UNECA - ông Antonio Pedro khẳng định, chỉ thông qua quan hệ đối tác toàn cầu, mới có thể đối phó đại dịch hiệu quả. Nếu không được giải quyết triệt để tại châu Phi, công tác phòng chống dịch Covid-19 trên toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực.


Nguồn: Báo ANTĐ