“Cuộc chiến” tuyển giảng viên

ngày 10/06/2016

Việc đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ta không nhằm mục đích dạy học; nhiều tiến sĩ, thạc sĩ không có kinh nghiệm nghiên cứu khoa học nên việc tuyển giảng viên đáp ứng nhu cầu hiện rất khó khăn.

 

“Cuộc chiến” tuyển giảng viên - 1

Giảng viên Trường ĐH Bách khoa TP HCM hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học - Ảnh: TẤN THẠNH

Từ đầu năm đến nay, nhiều trường ĐH tại TP HCM thông báo tuyển giảng viên cho năm học mới 2016-2017. Tuy nhiên, yêu cầu đối với giảng viên có nhiều thay đổi so với mọi năm.

Không hạn chế số lượng tiến sĩ

Đầu tháng 3-2016, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM thông báo tuyển giảng viên 27 ngành, mỗi ngành từ 1-3 người, tất cả đều yêu cầu trình độ từ tiến sĩ (TS), trừ ngành tiếng Anh (yêu cầu từ thạc sĩ (ThS) hoặc IELTS >=7.5). Ngoài ra, trường cũng tuyển giảng viên thực hành bên cạnh kiến thức chuyên ngành còn có các yêu cầu cao về trình độ tiếng Anh, như các ngành công nghệ kỹ thuật nhiệt, công nghệ kỹ thuật ô tô đòi hỏi ThS tốt nghiệp từ 6 nước nói tiếng Anh theo quy định hoặc IELTS từ 7.0.

Đại diện Phòng tổ chức - Cán bộ Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM cho biết từ đầu tháng 3-2016 đến ngày 15-4, trường nhận được 32 hồ sơ, trong đó có 24 hồ sơ ứng tuyển vị trí giảng viên. Theo vị này, do yêu cầu trình độ TS nên lượng hồ sơ ứng tuyển không nhiều.

“Trường đang hoàn tất quá trình chấm thi và đến bây giờ, chúng tôi vẫn chưa đưa ra được con số tuyển dụng chính thức là bao nhiêu. Nếu chất lượng bài thi không tốt, không đạt yêu cầu, chúng tôi sẵn sàng loại bỏ, thậm chí ngành nào không tuyển được năm nay thì chờ năm sau tuyển” - vị này nói.

Ngày 21-4, Trường ĐH Mở TP HCM cũng thông báo tuyển giảng viên đợt 2, năm học 2015-2016, ở 20 ngành, yêu cầu trình độ TS; trừ các ngành công nghệ thông tin, khoa học máy tính và mạng máy tính (tốt nghiệp ThS loại khá trở lên).

Ông Tống Hào Kiệt, Trưởng phòng Tổ chức - Nhân sự Trường ĐH Mở TP HCM, cho biết ngoài những yêu cầu trên, trường ưu tiên các ứng viên tốt nghiệp từ các cơ sở giáo dục có uy tín tại nước ngoài, có khả năng sư phạm, nghiên cứu khoa học, có kinh nghiệm giảng dạy, từng làm việc tại các cơ sở giáo dục trong và ngoài nước.

“Tuy đã đăng thông báo tuyển dụng trên nhiều website tìm việc, báo chí… nhưng chúng tôi chỉ nhận được 15 hồ sơ TS trong đợt này, trong đó có 10 bộ đạt yêu cầu. Sau khi qua các bước: sàng lọc hồ sơ, trình hội đồng phỏng vấn, hội đồng giảng thử, hội đồng tuyển dụng, chúng tôi quyết định tuyển 9 người”.

Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM ngày 31-3 đăng tuyển ứng viên có học vị TS ở tất cả các ngành, không hạn chế số lượng, tuổi tác, miễn bảo đảm đủ sức khỏe. Trường ĐH Kinh tế TP HCM ngày 6-5 cũng thông báo tuyển dụng 11 giảng viên ở 6 ngành. Trong đó, 4/6 ngành yêu cầu trình độ TS.

Chất lượng nguồn tuyển không tăng

TS Nguyễn Quốc Khanh, Phó trưởng Phòng Tổ chức - Hành chính Trường ĐH Kinh tế TP HCM, nhận xét trên thị trường lao động hiện nay, để tuyển một giảng viên giỏi, đạt yêu cầu do nhà trường đề ra là điều không hề dễ dàng.

Đồng quan điểm, PGS-TS Đặng Vũ Ngoạn, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM, nhận định qua nhiều năm tuyển giảng viên tại trường, ông thấy các ứng viên chất lượng, có học vị TS, có kinh nghiệm nghiên cứu, giảng dạy ở nước ngoài vẫn còn thiếu. “Việc đào tạo TS ở nước ta không phải cho mục đích đi dạy nên các ứng viên khi đi vào công việc thực tế thì rất khó khăn. Ngoài ra, ứng viên tốt nghiệp các trường ĐH nước ngoài có kỹ năng khoa học tốt hơn trong nước” - PGS-TS Đặng Vũ Ngoạn nói.

Ông Tống Hào Kiệt kể khoảng 10 năm trước, khi thấy 4-5 hồ sơ ứng viên ThS học nước ngoài trong số gần 200 hồ sơ nộp vào, nhà trường rất vui mừng. Thời gian gần đây, lượng hồ sơ này có tăng lên nhưng không đáng kể.

Đại diện các trường ĐH cho biết những đơn vị này vẫn sử dụng nguồn giảng viên từ sinh viên giỏi, xuất sắc của trường mình, cho đi học, sau đó về giảng dạy nhưng rất hạn chế. Theo PGS-TS Đặng Vũ Ngoạn, rút kinh nghiệm những năm trước, sinh viên tốt nghiệp giữ lại chỉ đi học tới ThS rồi về dạy, không chịu đi học lên nữa, từ năm nay, sinh viên giỏi ở Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM sẽ được giữ lại cho đi học lên đến TS. Trường ĐH Mở TP HCM cũng cho biết nguồn giảng viên là sinh viên của trường tuy gắn bó, ổn định hơn nhưng trường rất ít tuyển từ nguồn này vì “gà nhà dạy nhau” không hay.

Bên cạnh các ngành ngày càng phong phú giảng viên TS, chất lượng, nhiều ngành học cũng khan hiếm giảng viên học vị ThS, TS. Các chuyên gia cho biết một số nhóm ngành về công nghệ thông tin, xây dựng, công nghệ thực phẩm, luật… rất khó tuyển ứng viên giỏi. “Ở các ngành này, người có năng lực cao kèm học vị đều chọn công việc ở những tập đoàn lớn, công ty nước ngoài do lương cao hơn rất nhiều công việc giảng dạy tại các trường ĐH” - một chuyên gia nhận định.

Cần tạo chính sách cởi mở

Các chuyên gia đều có chung nhận định để thu hút giảng viên giỏi, ngoài ưu đãi về lương bổng, các trường cũng phải có môi trường làm việc thuận lợi, không cứng nhắc, tạo điều kiện cho giảng viên sinh hoạt, học tập kinh nghiệm, nghiên cứu khoa học, sáng tạo…

“Hiện nay, sự cạnh tranh để thu hút ứng viên tốt giữa các trường cùng khối ngành rất cao nên muốn có được giảng viên giỏi, cần tạo ra nhiều chính sách cởi mở. Một số trường không tạo điều kiện mà lại muốn có thành tích, quy định 1 năm giảng viên phải “sản xuất” bao nhiêu bài báo khoa học, điều đó có thể làm khó giảng viên” - lãnh đạo một trường ĐH chia sẻ.

Nguồn 24h