Chuyên gia dự báo lạm phát năm nay chỉ 6,5%

ngày 11/07/2012

 Chính phủ dự báo mức lạm phát năm nay ở mức 7% đến 8%. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cho rằng, mức lạm phát sẽ thấp hơn số đó, cao nhất chỉ 6,5%.

“Nếu Chính phủ không có những can thiệp chính sách mạnh vào thị trường thì lạm phát của Việt Nam tháng 12-2012 so với cùng kỳ năm trước chỉ ở mức 6% đến 6,5%", ông Phạm Minh Thụy, Trưởng phòng Nghiên cứu giá cả và thị trường (Viện Kinh tế- Tài chính), nhận định tại hội thảo về diễn biến giá cả 6 tháng đầu năm và dự báo 6 tháng cuối năm do viện này tổ chức hôm 11-7 tại Hà Nội.

Nhiều chuyên gia kinh tế tham dự đồng quan điểm với ông Thụy. Theo chuyên gia Ngô Trí Long, căn cứ vào diễn biến giá cả 6 tháng qua và những nhân tố tác động tới sự tăng giảm của chỉ số giá thì dự báo lạm phát cả năm 2012 chỉ xấp xỉ khoảng 5,5% đến 6%.

Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội Vũ Vinh Phú nhận định tình trạng đình-lạm đã xảy ra trong những tháng đầu năm, tức là lạm phát thì tăng nhẹ nhưng đình đốn sản xuất, tiêu dùng mới là đáng lo nhất.

Ông cho rằng, lĩnh vực sản xuất nông - ngư nghiệp nhiều năm nay đã thường xuyên gặp khó do tình trạng được mùa thì rớt giá nay còn khó hơn vì sức mua giảm sút, qua trung gian quá nhiều nên càng thua thiệt lớn. Ông dẫn chứng: “12 trái dừa ở Bến Tre chỉ bán được 10.000 đồng đến 12.000 đồng thì ở phía Bắc một trái dừa có giá 15.000 đồng. Một kg cá ngừ đại dương ở phía Nam loại 1 giá 300.000 đồng nếu bị tư thương ép giá xuống loại 3 sau quá trình vận chuyển thì chỉ còn bán được giá 120.000 đồng“.

Ông Phú cho rằng những nghịch lý đầu vào bị ép giá, đầu ra bị tăng giá kiểu như vậy khiến cho người sản xuất mệt mỏi và hậu quả là cả người sản xuất lẫn người tiêu dùng chịu thiệt, làm cho cung và cầu xã hội càng trở nên khó hơn. Ông cũng lưu ý tình trạng bỏ vườn, rời thuyền đã xảy ra ở nhiều lĩnh vực sản xuất, nuôi trồng.

Cũng đề cập đến nguồn cung đang chịu tác động nặng nề, ông Nguyễn Lộc An, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) bổ sung: “Ở mặt hàng thực phẩm, nguy cơ thiếu hụt nguồn cung có thể xảy ra trong những tháng cuối năm khi mà tình trạng người dân bỏ chuồng ngày càng nhiều do thị trường tiêu thụ khó khăn cộng với dịch heo tai xanh vẫn diễn biến phức tạp".

Ông Phú cho rằng, hệ lụy là nhiều hộ nuôi trồng, doanh nghiệp không  nộp thuế, bỏ trốn hoặc không thực hiện nổi các nghĩa vụ tài chính,  kéo theo nhiều hệ lụy kinh tế-xã hội ở cả cấp vĩ mô và vi mô. Tình trạng vay "nóng" hay xiết nợ hàng loạt hiện diễn ra khá phổ biến. Mối lo nợ đọng và phá sản gia tăng ở mọi ngành và doanh nghiệp, nhất là trong ngành kinh doanh bất động sản, thép và chế biến thủy sản. Không ít doanh nghiệp chuyển từ sản xuất qua làm thương mại, lúng túng và không đủ nguồn lực tái cấu trúc theo chiều sâu như kêu gọi của Chính phủ và đòi hỏi của thực tiễn cạnh tranh thị trường ngày càng gay gắt.

Vẫn ông Phú đề nghị để giải quyết đình trệ sản xuất và tiêu thụ phải cứu được sức mua xã hội, giải phóng được hàng tồn kho, doanh nghiệp tiếp tục sản xuất. Muốn như vậy, ngoài các chính sách đã được công bố của Chính phủ như miễn, giảm, hoãn nộp thuế cần phải có một số biện pháp khác mạnh mẽ hơn như giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 25% xuống khoảng 15-18% trong 3 đến 5 năm. Ở lĩnh vực bán lẻ miễn hoàn toàn thuế VAT 5% và 10% cho người tiêu dùng mua hàng ở các siêu thị và các cửa hàng trên toàn quốc.

Ở nông thôn muốn sản xuất, tiêu thụ nhanh, người nuôi trồng đánh bắt có lãi 20- 30%, thì phải thiết lập chuỗi sản xuất phân phối đi thẳng từ sản xuất đến bán buôn, bán lẻ, giảm bớt những khâu trung gian không cần thiết.

Tuy nhiên, trong Nghị quyết 26 (ban hành ngày 9-7), Chính phủ đã nêu rõ việc chưa đặt vấn đề giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế giá trị gia tăng mà chỉ tập trung vào các giải pháp miễn, giảm, giãn thuế đã ban hành thời gian qua.