“Căng mình” chống dịch sốt xuất huyết

ngày 08/10/2015

Trong giai đoạn được đánh giá là “đỉnh dịch” của sốt xuất huyết (SXH), nhiều tỉnh thành là điểm nóng dịch bệnh đang phải căng mình vì số ca mắc bệnh đang ngày càng tăng...

Phòng chống SXH tại "điểm nóng" miền Nam

Tại TP.HCM, theo báo cáo của Trung tâm Y tế dự phòng, tính đến ngày 1.10, tại TP đã có 10.624 ca SXH nhập viện, tăng 80% so với cùng kỳ năm 2014 và có 5 ca tử vong. Theo BS Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, từ giữa tháng 8 đến giữa tháng 9 trung bình có khoảng 600 ca nhập viện/tuần.

Trong khi đó, tại Đồng Nai, số ca mắc SXH cũng tăng mạnh. Theo số liệu từ Sở Y tế Đồng Nai, từ đầu năm 2015 đến nay Đồng Nai ghi nhận gần 6.000 trường hợp, tăng khoảng hơn 300% so với cùng kỳ năm 2014. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đang lưu hành cả 4 tuýp virus Dengue gây bệnh là D1, D2, D3, D4.

Bác sĩ Cao Trọng Ngưỡng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, tính đến hết tháng 9.2015, tất cả 11 huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh Đồng Nai đều ghi nhận các ca mắc bệnh SXH và ngày càng gia tăng.

Còn tại tỉnh Bình Dương, dịch SXH cũng đang gia tăng đột biến. Cụ thể, trong 9 tháng đầu năm số ca mắc SXH được ghi nhận khoảng hơn 4.000 ca. Đáng chú ý, chỉ trong 2 tháng (từ đầu tháng 8 đến nay), trên địa bàn tỉnh có 6 trường hợp tử vong do bệnh sốt xuất huyết.

“Căng mình” chống dịch sốt xuất huyết - 1

Trẻ em bị sốt xuất huyết tại BV Nhi Đồng 1

Trong 10 tỉnh thành có số ca mắc SXH nhiều nhất thì có đến 9 tỉnh thành thuộc khu vực phía Nam gồm: Đồng Nai, TP.HCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, An Giang, Tiền Giang, Long An, Đồng Tháp và Khánh Hòa.

Dịch SXH bùng phát mạnh tại khu vực phía Nam đa số thuộc về những khu vực có nhiều công nhân, khu lao động nghèo đang phải sống trong những khu dân cư, nhà trọ chật chội, ẩm mốc, môi trường xung quanh bị ô nhiễm…Thêm vào đó là ý thức phòng chống dịch bệnh không cao.

Trước tình hình dịch bệnh SXH có diễn biến phức tạp và kéo dài, UBND tỉnh Đồng Nai đã quyết định chi 8 tỷ đồng nhằm ngăn chặn dịch bệnh trên địa bàn tỉnh.

Còn tại TP.HCM, hiện Sở Y tế thành phố đã giao cho Trung tâm Y tế dự phòng TP xây dựng kế hoạch phòng chống dịch tại 8 “điểm đen” của SXH, gồm: Quận 8, quận Tân Bình, quận Tân Phú, huyện Bình Chánh, huyện Hóc Môn, quận Bình Tân, quận Gò Vấp, quận Thủ Đức. Đồng thời, ngành y tế TP sẽ tập huấn và thực hiện xử phạt ngay những đơn vị, hộ gia đình vi phạm vệ sinh môi trường.

Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Bình Dương cũng tổ chức phun hóa chất diệt muỗi trên diện rộng, đồng thời truyền thông phòng, chống sốt xuất huyết và huy động cộng đồng diệt lăng quăng, bọ gậy tại các ổ dịch…

Hà Nội cũng căng mình chống dịch SXH

Tại Hà Nội, chiều 8.10, TS Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội thông tin, hiện Hà Nội đang là đỉnh của dịch sốt xuất huyết.

Trong 9 tháng đầu năm, trên địa bàn thành phố có 3471 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó 7 trường hợp có dấu hiệu cảnh báo và 1 trường hợp sốt xuất huyết nặng tại Tây Mỗ, Nam Từ Liêm, chưa có trường hợp tử vong.

Do đó, để hạn chế số ca mắc SXH gia tăng trong tháng 10, phấn đấu giảm hẳn trong tháng 11, thành phố Hà Nội đang phải áp dụng nhiều giải pháp phòng, chống dịch bệnh.

Ông Cảm cho biết, mặc dù cán bộ y tế “căng mình” chống dịch nhưng hiện nay vẫn còn hơn 30% số hộ gia đình trên địa bàn TP. Hà Nội từ chối phun hóa chất, không hợp tác với cán bộ y tế hoặc vắng nhà liên tục. Do vậy, khống chế và dập tắt các ổ dịch bệnh gặp nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, kiến thức về bệnh của người dân vẫn còn hạn chế. Nhiều người nghĩ nhà sạch là sẽ không có muỗi; nghĩ việc phòng bệnh chủ yếu là phun hóa chất diệt muỗi trưởng thành, coi nhẹ việc VSMT, diệt bọ gậy trong và xung quanh nhà mình.

Trước tình hình dịch sốt xuất huyết diễn biến phức tạp, số ca mắc không ngừng tăng, Phó Chủ tịch UBND Thành phố, Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu yêu cầu sáng thứ 7 hằng tuần, toàn thành phố phải thực hiện tổng vệ sinh môi trường.

Trung tâm Y tế dự phòng thành phố Hà Nội cũng phải bố trí 5 đội chống dịch cơ động hàng ngày bám sát địa bàn hỗ trợ các quận huyện điều tra, giám sát, khoanh vùng và xử lý ổ dịch, đồng thời cử cán bộ hàng ngày đến chủ động đến các bệnh viện.

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), tính từ đầu năm tới nay, cả nước đã có hơn 43.000 ca SXH với gần 30 người tử vong. Dịch SXH còn được dự báo là còn diễn biến phức tạp trong những tháng cuối năm do vào mùa mưa, thời tiết thuận lợi cho muỗi sinh sản và phát triển.

Nguồn 24h