Chuyên gia: "Đặc khu muốn thành, phải dám chơi và biết chơi"

ngày 19/05/2018

Góp ý về chính sách kêu gọi các nhà đầu tư lớn, tầm cỡ vào các đặc khu kinh tế, nhiều chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước khuyên Việt Nam không nên chỉ lấy ưu đãi thuế làm tiền đề mà muốn thành công trong thời đại mới, phải đánh cược với cuộc chơi đột phá về thể chế kinh tế, có tư duy đi trước thời cuộc.

TS Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) nói: Đặc khu gắn với 2 chữ dám chơi và biết chơi. Quan trọng không phải là cuộc chơi mà Việt Nam tham dự, quan trọng nhất là cách chơi để thành công.

Trước khi Quốc hội thông qua Dự thảo Luật Đặc khu tại kỳ họp tới đây, các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước đã đưa ra nhiều ý kiến phản biện
Trước khi Quốc hội thông qua Dự thảo Luật Đặc khu tại kỳ họp tới đây, các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước đã đưa ra nhiều ý kiến phản biện

"Dù đã muộn, rủi ro, đầy thách thức khi xây dựng đặc khu nhưng Việt Nam phải dám đánh cược vào cuộc chơi này. Việt Nam cần đột phá thế chế kinh tế, cải cách mở cửa. Bản chất là Việt Nam muốn vượt lên trên theo nghĩa tự do dịch chuyển nguồn lực cho phát triển tương lai thì phải chấp nhận thực tế thời cuộc và áp dụng những cái mới mà chưa ai làm mới thành công", ông Thành nói.

TS Thành cho rằng: "Việt Nam phải kết hợp với ưu đãi, dựa trên tài sản có được ở những lĩnh vực chiến lược cho tương lai của Việt Nam có lợi thế. Đơn cử như lợi thế về nguồn nhân lực, lợi thế cửa ngõ châu Á, lợi thế trung tâm phát triển của khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Tuy nhiên, dự thảo Luật lần này đưa ra lại gần như chưa có các chiến lược phát triển tương lai, điều này buộc chúng ta phải vừa làm, vừa thay đổi vừa sửa".

Theo PGS, TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, mô hình đặc khu kinh tế, thế giới làm nhưng thành công không nhiều. Việt Nam chưa từng làm, chúng ta đang làm tới khu công nghiệp, khu kinh tế thôi nhưng cũng vật vã lắm.

Theo ông Thiên, điều kiện quốc tế thay đổi, đưa ra yêu cầu mới cho phát triển, trong đó có cách tiếp cận đặc khu. Đặc khu không dừng lại ở một thế hệ đây là cơ hội cho chúng ta có cơ hội vượt lên, xây dựng nền tảng cho tương lai. Tuy nhiên, có sẵn sàng vượt lên hay không là chuyện khác.

"Cố Thủ tướng Lý Quang Diệu của Singapore đã từng nói, Singapore là nước kém phát triển, ở trong tình thế phát triển cực kỳ khó. Muốn tránh rủi ro phải trở thành nước phát triển và Singapore đã thành công", ông Thiên dẫn dụ.

Vị chuyên gia cho rằng: Việc xây dựng đặc khu kinh tế của Việt Nam lúc này cũng vậy, chúng ta đi sau nên phải làm khác biệt và vượt trội. Nhiều nước đi sau cũng theo cách này để vượt trội lên. Đó là bài học đi sau thì vượt trước.

TS Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng đánh giá Việt Nam còn nhiều dư địa để làm đó là thủ tục hành chính, cấp phép đầu tư. Việt Nam mở kinh tế, thương mại, tín dụng nhưng về thể chế có lẽ còn khép, chúng ta còn nhiều dư địa để mở.

Ông Lịch chỉ ra: Hiện có hai nhóm chính sách, là ưu đãi và môi trường đầu tư nhưng chúng ta hiện chủ yếu tập trung vào nhóm chính sách, ưu đãi thuế, giá đất. Trong khi đó, chưa tập trung vào nhóm môi trường đầu tư.

"Phải chăng hơi nhạy cảm nên chúng ta phải làm từ từ. Nhà đầu tư cần hơn môi trường nhiều hơn là anh giảm thuế. Muốn câu con cá lớn thì mồi phải ngon thơm, vối mồi, chứ không phải cho một con cá cho nhanh", ông Lịch nói.

Chính sách ưu đãi cho đặc khu rất quan trọng nhưng quan trọng hơn là môi trường đầu tư, làm sao thấy rằng nhà đầu tư nước ngoài cảm thấy tới đây cảm nhận như nước họ. Nhà đầu tư Singapore tới Phú Quốc phải cảm thấy như họ đang ở Singapore.

Nguyễn Tuyền

Nguồn Dân trí