Có thể nói những ảnh hưởng, khó khăn, thách thức mà dịch Covid-19 tạo ra cho thế giới nói chung, nước ta nói riêng, là chưa có tiền lệ và chưa từng thấy. Dù đã trải qua những trận dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như: SARS (hội chứng viêm đường hô hấp cấp), cúm A/H1N1, cúm A/H5N1… song những khó khăn, thách thức mà đại dịch Covid-19 đặt ra với nước ta lần này ở mức độ sâu rộng và tầm mức khác hẳn, lớn hơn và nghiêm trọng hơn rất nhiều lần.
Đối mặt với thách thức chưa từng có tiền lệ
Tốc độ lây lan rất nhanh chóng, khó phát hiện trong thời gian ủ bệnh lâu (có thể lên tới 14 ngày hoặc hơn nữa) và tỷ lệ tử vong cao (có những quốc gia lên tới gần 10% số người mắc bệnh)… của đại dịch Covid-19 đã tác động hết sức sâu rộng tới hầu như mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội của nước ta. Chưa có khi nào, kể cả trong thời chiến tranh trước đây, học sinh và sinh viên trên cả nước phải đồng loạt nghỉ học như lần nghỉ học từ sau Tết Nguyên đán tới nay để phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Để phòng chống, giảm thiểu tới mức thấp nhất các trường hợp nhiễm bệnh Covid-19, chúng ta cũng đã triển khai những biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt chưa từng thấy. Trong đó, có việc tạm dừng cấp thị thực cho tất cả các công dân nước ngoài vào Việt Nam, dừng bay các chuyến bay quốc tế, bắt buộc cách ly tập trung 14 ngày đối với tất cả những người từ nước ngoài về nước, khuyến cáo người dân hạn chế tối đa ra đường, tạm dừng các hoạt động dịch vụ không thiết yếu, giải trí…
Do phải triển khai những biện pháp ứng phó chưa từng thấy để phòng chống dịch Covid-19 lại diễn ra với tốc độ rất khẩn trương trong thời gian rất ngắn nên không thể tránh khỏi những trục trặc, bất cập… nhất định. Trong đó có thể là nơi cách ly tập trung không thể tiện nghi như ở gia đình hay thủ tục phân loại, cách ly các trường hợp từ vùng dịch nước ngoài về còn chưa thuận tiện, nhanh chóng…
Những điều còn trục trắc hay bất cập đã nhanh chóng được cải thiện nhưng một số rất ít người không nhìn thấy những khó khăn của đất nước khi phải đối mặt với một đại dịch chưa từng thấy, nỗi vất vả, gian khó của lực lượng thực thi nhiệm vụ mà mới gặp đôi chút bất tiện đã dùng mạng xã hội như một công cụ để thông tin một chiều, phiến diện, đòi hỏi, yêu sách này nọ. Những thông tin thiếu khách quan, ích kỷ đó ít nhiều gây tổn thương cho những người thực thi nhiệm vụ mà họ còn phải sinh hoạt trong điều kiện khó khăn hơn bội phần, tổn thương cho những nỗ lực, cố gắng của các cấp chính quyền, lực lượng chức năng luôn muốn tạo điều kiện tốt nhất có thể cho những người bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.
Có thể kể đến trường hợp một nhân vật khá nổi tiếng trong giới showbiz nước nhà đã livestream “than” về điều kiện nơi cách ly tập trung đã làm “dậy sóng” mạng xã hội. Cho dù, tuyệt đại đa số các ý kiến, bình luận đều phê phán nhân vật này nhưng cũng ảnh hưởng tới việc tiến hành cách ly các trường hợp mắc bệnh hoặc tiếp xúc gần với các trường hợp mắc bệnh.
Đáng nói nhất là một trường hợp một người phụ nữ từ vùng dịch nước ngoài về sân bay Nội Bài “lớn tiếng” với lực lượng chức năng thực thi nhiệm vụ. Song đáng tiếc là việc phê phán thái độ, cách hành xử không đúng của người phụ nữ được xem chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh” này đã trở lên thái quá, rất nhiều người khi bình luận trên mạng xã hội đã đưa ra những lời lẽ thiếu văn hóa, thậm chí thô tục.
Hơn thế, có những người còn “cào bàn phím” nâng vấn đề lên thành những điều liên hệ khập khiễng như đặt câu hỏi rằng đã làm gì cho Tổ quốc hay chưa mà hách dịch, chê bai, hoạnh họe như “ông bà chủ” giữa lúc đất nước đang phải gồng mình chống “giặc”. Tệ hơn, là trên mạng xã hội xuất hiện những ý kiến bình luận thiếu thiện chí, kiểu quy chụp, bài xích Việt kiều, đòi Việt kiều không được trở về “gây họa” cho đất nước…
Đoàn kết một lòng nhất định chiến thắng đại dịch Covid-19
Những phát ngôn, hành xử không đúng cần phải bị lên án đúng mức nhưng điều đó hoàn toàn không đồng nghĩa với việc cư dân mạng mặc sức cho mình cái quyền phán xét, “lên đồng tập thể” với lối quy chụp kiểu “vơ đũa cả nắm”. Đó là lối văn hóa ứng xử xấu xí, không văn minh, phản tác dụng giữa lúc cả nước đang cần đồng lòng chung sức để đoàn kết cùng chống dịch Covid-19.
Dịch bệnh Covid-19 đang bước vào một giai đoạn còn cam go, phức tạp và khó lường hơn rất nhiều giai đoạn đầu mà chúng ta đã trải qua. Dù không còn những “chệch choạc” ban đầu, song sự phức tạp và diễn biến hết sức nhanh của dịch bệnh đòi hỏi tất cả chúng ta cùng phải tập trung cao độ, ứng phó thật mau lẹ, chính xác.
Trong cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của TP Hà Nội chiều 25-3, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đánh giá, từ khi thành phố tổ chức phòng chống dịch đến nay, hiện nguy cơ lây nhiễm đã cao hơn, cửa an toàn đã hẹp hơn, nguy cơ trên địa bàn thành phố có những ổ dịch bệnh có tính chất rất phức tạp. Nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng lớn đòi hỏi mỗi người dân phải cùng tham gia chống dịch trong “thời gian vàng” này với tinh thần trách nhiệm rất cao.
Trong kết luận của Bộ Chính trị về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 ngày 21-3 đã nêu rõ, hiện nay tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường, đang tác động toàn diện tới kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và đời sống của nhân dân, có thể kéo dài, khó dự đoán chính xác thời gian kết thúc. Việt Nam đang phải đối mặt với nguy cơ lớn lây lan dịch bệnh và đang ở trong giai đoạn cần tập trung cao độ để kiểm soát lây nhiễm, tuyệt đối không được chủ quan, lơi lỏng.
Trong thời điểm khó khăn và phức tạp này, Bộ Chính trị kêu gọi toàn thể đồng bào, đồng chí và chiến sĩ cả nước hãy đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí và hành động, vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa. Được như vậy, Bộ Chính trị khẳng định, Việt Nam ta nhất định chiến thắng đại dịch Covid-19.